08/04/2025 10:43 GMT+7 | Thể thao
Trong buổi kiểm tra và làm việc với đội tuyển bắn súng Việt Nam của Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, đại diện ngành thể thao cho biết sắp đến các VĐV thuộc dạng trọng điểm sẽ được trang bị 2 khẩu súng, 1 hiện đang dùng để tập và 1 được mua mới. Đây là đợt đầu tư mới cho môn thể thao được xem là "trọng điểm nhất" của thể thao Việt Nam (TTVN) để hướng đến đấu trường Asiad – Olympic.
Đây là tin vui cho bắn súng Việt Nam, sau khi đã có trường bắn hiện đại mới nhân dịp SEA Games 31. Có súng mới thì đương nhiên, chuyện đạn để bắn có lẽ chỉ là chuyện nhỏ. Chưa hết, đội tuyển bắn súng sẽ được thuê tối đa 3 chuyên gia ngoại với mức lương cao nhất là 8.000 USD/năm. Rõ ràng, việc thuộc chương trình trọng điểm sẽ giúp cho bắn súng Việt Nam có thêm niềm tin để chinh phục các đỉnh cao.
Tất nhiên, đến bây giờ mới có thêm súng, đủ đạn và chuyên gia ngoại thì phải nói là khá muộn so với một môn mà chúng ta có đầy đủ huy chương từ Olympic, vô địch thế giới đến Asiad. Hơn nữa, dù được xem là đầu tư mạnh, nhưng nếu lấy mức lương "kịch trần" trả cho chuyên gia ngoại thì câu chuyện về đầu tư trọng điểm vẫn còn không ít lăn tăn. Với các môn đỉnh cao, HLV là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Mọi môn thể thao nếu được đưa vào chương trình trọng điểm thì đương nhiên là chúng ta dựa trên nguồn lực VĐV tiềm năng có sẵn, có triển vọng lâu dài, thế nên vấn đề còn lại để chuyển đổi lượng thành chất ấy là ở điều kiện tập luyện và các "ông thầy" giỏi.
Không cần phải nói thêm nhiều về dấu ấn của các chuyên gia ngoại. Trong các kỳ tích của TTVN không thể thiếu bóng dáng của họ. Càng có HLV đến từ các quốc gia phát triển nhất của các môn thể thao, thì cơ hội để vươn tầm thế giới càng nhiều. Tuy nhiên, nguồn ngân sách để trả lương thường sẽ bị giới hạn do một số yếu tố mang tính đặc thù của lĩnh vực tiền lương công cũng như mặt bằng xã hội.
Bắn súng là một trong những môn thể thao trọng điểm của thể thao Việt Nam tại Olympic cũng như Asiad. Ảnh: Hoàng Linh
Trong vụ việc chia tay bất ngờ với chuyên gia Park Chung Gun của bắn súng Việt Nam hồi năm ngoái, thì lý do về tài chính khá quan trọng dù ít được các bên đề cập. Số tiền để đáp ứng cho một chuyên gia đến từ Hàn Quốc – cường quốc bắn súng – thì không thể dưới 10.000 USD. Hiện tại, đội tuyển bắn súng đang nhắm đến các HLV của Mông Cổ hoặc Đông Âu để phù hợp với điều kiện lương bổng.
Mặc dù việc thiếu chuyên gia giỏi không thể xem là nguyên nhân lớn nhất khiến TTVN chưa thể vươn xa tại Asiad và Olympic, nhưng có một điều chắc chắn là nếu có các HLV hàng đầu, thì tiềm năng của VĐV Việt Nam sẽ được khai phá nhiều hơn. Thế nên vấn đề đặt ra ở đây không phải là Nhà nước phải bỏ ra bao nhiêu tiền để có HLV giỏi, mà làm thế nào để có nguồn quỹ trả lương chuyên gia thông qua xã hội hóa. Nguồn quỹ càng nhiều, thì cơ hội để mời người giỏi càng lớn.
Bắn súng có lẽ là môn điển hình nhất cho những trở ngại trong cuộc hành trình vươn tầm. Đây là môn truyền thống thế mạnh, nguồn VĐV không thiếu nhưng từ trước đến nay, gần như được "bao cấp". Bắn súng không phải là môn có thể xã hội hóa thông qua hoạt động thi đấu trong khi ngân sách Nhà nước thì phải phân bổ đều cho các môn trọng điểm. Có thêm súng, hoặc tăng được mức trần tiền lương, cũng đã là cố gắng lớn của ngân sách, đã rất tốt với bắn súng. Vậy nguồn tài chính nào cho các nhu cầu khác?
Đấy chính là bài toán khó nhất của chiến lược đầu tư trọng điểm và nó chỉ được giải quyết bằng một đáp án duy nhất: kinh tế thể thao. Nghĩa là khi thể thao tạo ra được hiệu quả tài chính, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách, thì tự nhiên sẽ có thêm tiền được quay lại để đầu tư.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất