Khi các giáo viên tiểu học tự tin viết sách giáo khoa

26/11/2014 15:00 GMT+7 | Thế giới

Những ngày này, khi Nghị trường Quốc hội và dư luận đang nóng lên với bao câu hỏi và thắc mắc liên quan đến việc ai và tổ chức nào sẽ được hưởng lợi khi tham gia biên soạn sách giáo khoa phổ thông mới thì ở các ngôi trường tiểu học hẻo lánh và xa xôi thuộc diện khó khăn nhất của cả nước có những tập thể giáo viên đã hăng hái, hào hứng và âm thầm viết giáo trình, đề cương bài giảng để tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm thực tế thiết thực mà không cần suy tính ai sẽ trả tiền cho các bộ sách này.

Những người giáo viên của bản làng ấy đã hăng hái viết những bộ sách hướng dẫn dạy và học chỉ với mục đích duy nhất là ứng dụng vào hoạt động dạy và học cho chính học sinh của mình.

Trường tiểu học Bản Xen, huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai có hẳn một khu riêng biệt gọi là nông trại trường học. Đặc biệt, từ 3 năm nay, Hội đồng sư phạm và tập thể giáo viên của trường xuất phát từ nhu cầu thực tế đã tự biên soạn được một giáo án dùng để làm Sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn giảng dạy Kỹ năng sống cho học sinh thông qua Mô hình Nông trại trường học.

Khuôn viên Nông trại trường học trông thật gọn gàng, ngăn nắp và sinh động với đủ cả vườn rau, ao cá, chuồng chim bồ câu, khu chăn nuôi: gà, ngỗng, dê, … Hàng ngày mỗi sáng, trước khi vào giờ học các môn văn hóa, học sinh ở các lớp lại chia thành từng nhóm phân công nhau nhổ cỏ, chăm sóc vườn rau hoặc cho các con vật ăn. Cuối giờ chiều, trước khi ra về, các nhóm lớp lại đến làm vệ sinh giữ cho khu nông trại luôn sạch sẽ và các luống rau, con vật không nhiễm bệnh.

Cổng vào “Nông trại trường học”. Ảnh: Minh Phong - GDTĐ

Ở xã Bản Xen – nơi người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, học sinh tiểu học khi được học và rèn luyện qua mô hình Nông trại trường học, các em rất thích thú và cảm thấy bổ ích. Em Nông Thị Hương Lan, lớp 4A2, tiểu học Bản Xen cho biết: “Ở nhà ông bà em cũng nuôi cá nên việc học tập này giúp em biết giúp đỡ ông bà”.

Thực hiện theo mô hình trường học mới (VNEN), với việc chuyển đổi phương pháp giáo dục từ trang bị, cung cấp kiến thức sang lấy học sinh làm trung tâm, Hội đồng sư phạm và tập thể giáo viên trường tiểu học Bản Xen từ 3 năm nay đã tự xác định một hướng đi mới. Bên cạnh việc dạy các môn văn hóa trường chú ý giáo dục kỹ năng sống, tổ chức dạy những gì thiết thực cho học sinh. Hoạt động tại khu Nông trại này không phải là ngoại khóa, thỉnh thoảng mới tiến hành mà là một hoạt động thường xuyên thuộc chương trình chính khóa của nhà trường. Vì thế nó rèn cho học sinh thói quen lao động tập thể và khả năng làm việc nhóm cùng các kiến thức về đời sống.

Cùng với sự tiếp sức của cộng đồng, chính quyền và các cấp quản lý giáo dục, mô hình trường học mới VNEN này đã cởi bỏ sự gò bó của mô hình truyền thống, cho phép người giáo viên chủ động xây dựng chương trình giáo dục, tìm kiếm tài liệu giảng dạy và kể cả tự biên soạn giáo án – sách giáo khoa để dùng trong dạy và học phù hợp điều kiện thực tế. Ngay đối với sách giáo khoa, các môn văn hóa dùng trong các trường theo mô hình VNEN cũng là sách dùng chung cho cả giáo viên và học sinh.

Việc các trường tiểu học tự đề ra chương trình và viết sách giáo khoa sử dụng cho hoạt động của nhà trường không phải là chuyện hiếm ở Lào Cai. Tại trường tiểu học Lùng Vai, huyện Mường Khương, trường tiểu học Tả Phìn huyện Sa Pa,… và rất nhiều trường học khác, các cô giáo tiểu học cũng tự viết ra những bộ sách về các chủ đề giáo dục trải nghiệm thiết thực với học sinh địa phương như: Giáo dục di sản để phát triển du lịch hoặc Giáo dục sinh thái vườn – rừng.

Học sinh miệt mài chăm sóc, nhổ cỏ cho rau trong khu “nông trại”. Ảnh: Minh Phong - GDTĐ

Trường tiểu học Tả Phìn, huyện Sa Pa – vốn nằm trên một địa danh du lịch nổi tiếng. Nhà trường xác định phải giúp các em hiểu về cội nguồn văn hóa của chính mình ngay từ nhỏ để sau này mỗi em đều có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Vì thế hàng tháng, trường đều mời các nghệ nhân đến trình diễn cách làm các sản phẩm văn hóa như: dệt vải, múa khèn, nấu nước tắm bằng lá của người Dao đỏ,… Các giáo viên của trường cũng tự soạn được sách dạy về giáo dục văn hóa di sản bản địa áp dụng từ 3 năm qua.

3 năm kể từ khi bắt đầu triển khai Mô hình trường học mới VNEN - một quãng thời gian không phải là nhiều nhưng với thiết kế chương trình giáo dục linh hoạt và đổi mới toàn bộ mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường. Các giáo viên tiểu học ở Lào Cai từ những người vốn thụ động, quen soạn bài và chuẩn bị giáo án theo hướng cầm tay chỉ việc đã có thể tự tin và hăng hái, say mê sáng tạo, tự tổ chức và xây dựng các tài liệu dạy học cho chính mình. Càng đáng quý hơn bởi họ làm không phải vì muốn có một cái tên ghi trên bìa sách hay một phần thưởng nào khác mà họ làm vì chính yêu cầu đặt ra từ thực tế giảng dạy, cho chính học sinh của mình và vì sự phát triển của quê hương.

Thực tế sinh động ở những ngôi trường đang triển khai mô hình trường học mới VNEN ở Lào Cai cũng cho thấy công cuộc đổi mới chuong trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang được khởi động chắc chắn sẽ thành công nếu biết huy động, tập hợp trí tuệ và sự sáng tạo từ thực tiễn xanh tươi của hàng vạn ngôi trường trong cả nước.

PV - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link