Khi 'công nghệ từ trái tim'… đi tới trái tim

06/06/2024 07:01 GMT+7 | Văn hoá

Dù là ảnh đơn, ảnh bộ hay video clip, dù gắn với hình ảnh robot, metro hay mạng xã hội, 3 tác phẩm giành giải Nhất tại giải thưởng "Công nghệ từ trái tim - Technology with heart" đều gặp nhau ở một điểm chung: Góc nhìn về sự lan tỏa tính nhân văn - cũng như các thông điệp tích cực - qua những tiến bộ của công nghệ.

1. Ở hạng mục video clip, tác phẩm giành giải Nhất của Vũ Hồng Vân có cái tên hoàn toàn trùng với cái tên của cuộc thi - Công nghệ từ trái tim. Dù vậy, các nhân vật trong clip lại có số phận - và công việc - hiếm gặp và mang màu sắc cá nhân rất cao.

Đó là cặp "vợ chồng lính chì" Đoàn Ngọc Bảo và Lệ Thu (một người mất chân bên phải, một người mất chân trái) quen nhau và tìm thấy tình yêu nhờ mạng xã hội - để rồi cũng từ qua mạng xã hội, họ lại tiếp tục chia sẻ với cộng đồng những tâm sự về việc dẹp bỏ mặc cảm tự ti, vươn lên trong cuộc sống.

Đó còn là Lưu Tiến Huy, một trong 2 tác giả của dự án 16 memories từng thu hút sự chú ý của dư luận với việc chụp ảnh và lưu giữ những khoảng khắc đáng quý của những người lao động bình dị trên đường phố. Hoặc, là Lê Minh Khương, chàng trai đã bỏ ra hơn 2 năm đi khắp Việt Nam để chụp 999 bức ảnh đời thường (và sau đó lập tức tặng cho nhân vật).

Khi 'công nghệ từ trái tim'… đi tới trái tim - Ảnh 1.

Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao giải Nhất cho các tác giả Vũ Hồng Vân (bìa phải), Trần Văn Hiếu (bìa trái) và Ngô Thị Thu Ba (thứ hai từ bên trái)

Như chia sẻ của Hồng Vân, việc đang công tác tại Truyền hình Thông tấn (TTXVN) khiến chị may mắn nắm bắt thông tin và sớm lựa chọn về những nhân vật phù hợp và dễ truyền cảm hứng cho tác phẩm của mình. Bù lại, việc tìm ra điểm riêng để ghép nối một câu chuyện liền mạch và đầy đủ thông điệp từ các nhân vật - vốn đã được báo giới khai thác nhiều - là một thách thức với phía thực hiện.

"Tôi chọn khác thác điểm chung giữa các gương mặt ấy: Những người trẻ, sử dụng công nghệ để góp phần đưa lại những thông điệp tích cực tới cộng đồng.  Chúng ta vẫn nói tới tính 2 mặt của công nghệ và mạng xã hội, nhưng điều này phụ thuộc rất lớn vào cách tiếp cận và mục đích của người dùng. Ở đây, từ mạng "ảo", những năng lực tích cực "thực" hoàn toàn có thể được lan tỏa và trở thành những giá trị tốt đẹp" - tác giả cho biết.

Tác phẩm “Công nghệ từ trái tim” của Vũ Hồng Vân

Chị chia sẻ thêm: "Thực tế, để có thể chuyển tải đầy đủ thông điệp từ 3 câu chuyện riêng lẽ, chúng tôi đã phải nhờ sự hỗ trợ rất lớn của các kĩ xảo, cũng như ngôn ngữ đồ họa trong tác phẩm. Có nghĩa, việc dùng công nghệ để lan tỏa những giá trị tích cực không chỉ là chuyện của các nhân vật, mà cũng là điều chúng tôi cố gắng đạt được trong tác phẩm của mình. Bởi thế, chúng tôi chọn cho nó cái tên Công nghệ từ trái tim".

"Việc dùng công nghệ để lan tỏa những giá trị tích cực không chỉ là chuyện của các nhân vật, mà cũng là điều chúng tôi cố gắng đạt được trong tác phẩm của mình" - Vũ Hồng Vân, tác giả video clip Công nghệ từ trái tim.

2. Với tác giả nữ còn lại - Ngô Thị Thu Ba (62 tuổi), việc giành giải Nhất ở thể loại ảnh bộ là một câu chuyện thú vị. Thú vị, trước hết bởi chị đến với nhiếp ảnh khá muộn, chỉ khoảng 12 năm nay.

"Theo một nghĩa nào đó, tôi cũng là người có may mắn gặp được sự tiến bộ của công nghệ khi đến với nhiếp ảnh. Thời điểm tôi cầm máy, với sự phát triển của kĩ thuật số, việc chụp ảnh, rồi lưu trữ, chia sẻ, chỉnh sửa ảnh… đã thuận lợi hơn so với khi xưa rất nhiều" - nữ tác giả đến từ TP.HCM kể - "Sự thuận lợi ấy giúp tôi có được sự đam mê và bén duyên với nhiếp ảnh. Để rồi, khi thấy tên cái tên Công nghệ từ trái tim, tôi hiểu rằng thông điệp của cuộc thi rất có ý nghĩa với mình".

Khi 'công nghệ từ trái tim'… đi tới trái tim - Ảnh 3.

Tác phẩm “Công nghệ Metro - Khơi thông giao thông đô thị” của Ngô Thị Thu Ba

Gồm 7 bức ảnh, tác phẩm Công nghệ Metro - Khơi thông giao thông đô thị của Thu Ba ghi lại một số hình ảnh trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM. Theo tác giả, trong gần chục năm qua, kể từ lúc công trình được khởi công xây dựng cho tới thời điểm gần hoàn thành như hiện tại, chị đã rất nhiều lần cầm máy, và rong ruổi dọc theo tuyến đường dài gần 20 km này để tìm những góc chụp ưng ý.

Trong chùm ảnh này, tuyến metro được thể hiện với những hình khối và góc độ khác nhau. Chẳng hạn, phần giếng trời của ga ngầm Bến Thành với hình bông hoa sen thu hút tác giả bởi thiết kế hình hoa sen truyền thống, cộng thêm hệ thống lấy sáng hiện đại bằng hợp kim nhôm tạo hiệu ứng rất đẹp về ánh sáng ở phần sâu dưới lòng đất. Để có thể chụp được những hình ảnh này, chị Thu Ba đã phải sử dụng ống mắt cá (fish-eye) góc rộng, cũng như thiết bị flycam.

Đáng nói, bên cạnh phần công trình trên mặt đất của tuyến metro, tác giả đã phải chờ đợi khá lâu, để có dịp cùng được Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh TP.HCM đi thăm qua phần ngầm của công trình ở thời điểm sắp hoàn thiện, và qua đó thực hiện nốt "mảnh ghép" cần thiết cho bộ ảnh.

"Sự xuất hiện của tuyến metro này gắn với mong đợi trong nhiều năm của người dân TP.HCM về một phương tiện giao thông công cộng tiến tiến, giúp giải quyết nhu cầu đi lại cũng như hạn chế ùn tắc giao thông. Bởi thế, không chỉ tôi, mà rất nhiều nhiếp ảnh gia tại thành phố cũng có tâm nguyện ghi lại quá trình "khai sinh" của nó" - tác giả cho biết.

3. Cuối cùng, ở hạng mục ảnh đơn, giải Nhất Đam mê chế tạo robot của Trần Văn Hiếu (Báo ảnh Việt Nam, TTXVN) gắn với hình ảnh một học sinh trường Trung học cơ sở Giảng Võ điều khiển robot gắp bóng trong cuộc thi Sáng tạo Robotics dành cho học sinh Trung học cơ sở của Hà Nội năm 2024.

"Khi được Phòng giáo dục quận Ba Đình mời tới tham dự sự kiện này, tôi chụp khá nhiều ảnh. Tuy nhiên, khi về xem lại, tôi rất thích bức ảnh chụp em bé học sinh của trường Giảng Võ. Trong bức ảnh, em bé vừa có sự hồn nhiên của trẻ thơ, vừa có sự tập trung cao độ khi thực hiện đề thi khó: Lắp ghép robot rồi điểu khiển robot để thực hiện các yêu cầu được đặt ra" - tác giả Trần Văn Hiếu nói.

Khi 'công nghệ từ trái tim'… đi tới trái tim - Ảnh 5.

Tác phẩm “Đam mê chế tạo robot” của Trần Văn Hiếu

Như lời Hiếu, anh chọn bức ảnh này tham dự cuộc thi Công nghệ từ trái tim bởi ấn tượng và cảm xúc của mình với nhân vật, đồng thời cũng hi vọng sẽ lan tỏa được thông điệp về tình yêu công nghệ và đam mê sáng tạo của các em nhỏ, trong bối cảnh xã hội đang phát triển như hiện tại.

Tưởng như chỉ là câu chuyện của một khoảnh khắc, nhưng theo đánh giá của Ban giám khảo, bằng sự đầu tư công phu, nghiêm túc, góc máy sáng tạo, kỹ thuật thể hiện ấn tượng, tác phẩm của Hiếu đã truyền tải tới công chúng niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học trong thanh thiếu nhi.

Giải thưởng "Công nghệ từ trái tim - Technology with heart"

Giải thưởng ảnh và video clip với chủ đề "Công nghệ từ trái tim - Technology with heart" được Thông tấn xã Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp tổ chức trong thời gian từ ngày 25/1 đến 30/4/2024.

Giải thưởng nhằm tôn vinh những đóng góp quan trọng của công nghệ, lan tỏa những hình ảnh đẹp, truyền tải những thông điệp ý nghĩa cho cuộc sống con người, hướng tới xây dựng một xã hội số, nơi mọi người được phục vụ tốt hơn, hạnh phúc hơn, giàu có hơn và an toàn hơn nhờ công nghệ.

Trong lễ trao giải vào sáng 5/6 tại Hà Nội, Ban tổ chức đã lựa chọn 32 tác phẩm xuất sắc để trao giải, gồm các hạng mục ảnh đơn (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích); ảnh bộ (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 6 giải Khuyến khích); video clip (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích).

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link