Khi 'hiệu ứng Xuân Son' lắng xuống

07/02/2025 06:39 GMT+7 | Bóng đá Việt

Chấn thương đã khiến cho ngôi sao nhập tịch của đội tuyển quốc gia và CLB Nam Định không thể ra sân chơi bóng một thời gian dài, và điều đó ít nhiều cũng khiến cho bầu không khí hào hứng sau chức vô địch ASEAN Cup 2024 giảm nhiệt. Nhưng cũng vì "hiệu ứng Xuân Son" lắng xuống, bóng đá Việt Nam lại nổi lên những vấn đề không mới.

1. Ngay sau Tết Nguyên đán, SHB Đà Nẵng có sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện khi HLV trẻ tuổi Lê Đức Tuấn, người vừa bị Hà Nội FC cho thôi việc, lên đường vào Đà Nẵng nhận nhiệm vụ "giải cứu" con tàu đắm. Đây đã là lần thứ 3 mà đội bóng bên sông Hàn biến động ở khu kỹ thuật dù mùa giải này còn chưa hết giai đoạn lượt đi.

"Thành trì" và là niềm tự hào của bóng đá miền Trung nay như một công trình đang xuống cấp nghiêm trọng, từ thượng tầng đến hệ thống đào tạo trẻ. Mới hơn 2 năm trước, đội U17 của Đà Nẵng đã phải rút lui khỏi VCK quốc gia lứa tuổi vì… không có tiền.

Cũng tại mùa giải 2023, HLV Phan Thanh Hùng trở về quê hương sau hơn chục năm chinh chiến vẻ vang ở Hà Nội, Quảng Ninh. Ông Hùng được kỳ vọng sẽ vực dậy làng cầu Đà Nẵng, đặc biệt là bóng đá trẻ, như ông đã từng làm hồi năm 2008, trước khi bước vào cuộc tha hương.

Dùng cầu thủ trẻ với đội hình có rất nhiều cầu thủ U21 thì chuyện thành tích không tốt là bình thường. Thế nhưng, chỉ mới nửa mùa giải 2023, ông Phan Thanh Hùng đã buộc phải rời ghế HLV và cuối mùa, thì SHB Đà Nẵng chính thức xuống hạng. Cứ tưởng bóng đá Đà Nẵng sẽ tận dụng việc chơi ở giải hạng Nhất để gây dựng mọi thứ theo kiểu "chậm mà chắc", ai ngờ họ lại thăng hạng V-League ngay lập tức sau khi mời HLV Trương Việt Hoàng về nắm đội.

Công bằng mà nói, trở lại với V-League thì ai mà chẳng muốn, nhất là với một làng cầu danh tiếng như Đà Nẵng. Nhưng sự trở lại ấy hóa ra lại là một sự vội vàng lẽ ra không nên xảy ra với những người giàu kinh nghiệm bóng đá tại Đà Nẵng.

Những khó khăn từ lực lượng tại chỗ cho đến tình hình tài chính của SHB Đà Nẵng đã có từ nhiều năm qua, thành tích của họ cũng đi xuống liên tục từ trước Covid-19, thế nên thay vì tự cho mình một khoảng thời gian để hồi phục, họ lại tự đẩy mình vào guồng quay khốc liệt của V-League dù chưa chuẩn bị gì cả.

Sân Hòa Xuân đang xuống cấp về mặt cỏ, còn kém hơn hồi đá hạng Nhất. Lực lượng thiếu trước hụt sau, giờ phải tìm ngoại binh để cứu vãn. Về thành tích thì sau 11 vòng đấu, SHB Đà Nẵng chưa thắng nổi trận nào, chỉ có 4 điểm, tức là còn kém hơn năm 2023 (14 điểm sau 18 vòng).

Và thế là SHB Đà Nẵng kích hoạt chế độ thay HLV. Họ cho ông Trương Việt Hoàng nghỉ, rồi đến ông Phan Thanh Hùng cũng nghỉ, để thay bằng Lê Đức Tuấn, người mà chẳng hiểu vì sao lại được cho là đủ khả năng "cứu" được SHB Đà Nẵng.

2. Đây không hẳn là chuyện của riêng Đà Nẵng. Ngay ở giải hạng Nhì cũng có một trường hợp không biết là nên buồn hay nên vui liên quan đến một đội bóng Kon Tum.

Câu chuyện thể thao: Khi “hiệu ứng Xuân Son” lắng xuống  - Ảnh 1.

Chấn thương khủng khiếp của Xuân Son đã làm lộ ra những vấn đề ở cấp cơ sở mà bóng đá Việt Nam đang phải đối mặt. Ảnh: Hoàng Linh

Theo kế hoạch thì đội bóng ở Tây Nguyên chỉ cách Đà Nẵng khoảng 50km này sẽ hội quân sau Tết Nguyên đán để chuẩn bị cho giải hạng Nhì quốc gia 2025. Nhưng chưa biết tương lai của CLB sẽ ra sao sau khi ông Chủ tịch đội bóng đang vướng vào lùm xùm do có nhiều đơn thư tố giác nợ nần trong kinh doanh. Điều đáng nói là đội bóng này gần như không sở hữu gì trong tay, từ cầu thủ, HLV đến Giám đốc kỹ thuật đều phải đi mượn người của Gia Lai hay Nghệ An.

Bóng đá Kon Tum vốn dĩ không có tiếng tăm gì. Năm 2021, sau khi rớt xuống hạng Ba – hạng thấp nhất – họ chấp nhận chỉ duy trì phong trào, không ham hố "lên chuyên". Nhưng đến năm 2022, sau khi có nhà đầu tư, CLB bắt đầu đặt mục tiêu thăng hạng. Năm 2024, suýt nữa họ đã có mặt ở hạng Nhất nhưng đã để thua đội bóng cấp quận của TPHCM là Định Hướng Phú Nhuận tại vòng chung kết giải hạng Nhì.

Nếu thời điểm đó Kon Tum lên đá hạng Nhất thì không biết họ xoay sở ra sao với nền tảng gần như không có gì, bao gồm tiềm lực tài chính của đơn vị đầu tư. Những tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên khác như Lâm Đồng, Đắk Lắk có truyền thống hơn mà còn chưa hề đặt tham vọng lên đá V-League. Chẳng nói đâu xa, đội từng thắng Kon Tum để thăng lên hạng Nhất là Định Hướng Phú Nhuận cũng đã rút lui không thi đấu tại mùa 2024/2025 do thiếu tiền.

Sẽ không có gì đáng nói nếu CLB bóng đá Kon Tum không vội vàng đặt mục tiêu thăng hạng mà xây dựng căn bản từ bóng đá trẻ, cứ "túc tắc" đá hạng Nhì để có thời gian xây dựng nền tảng. Việc "ham hố" lên hạng là nguyên nhân khiến họ rơi vào trạng thái kiệt quệ về tài chính trong khi thực lực đã không có gì.

Nên mới nói, tình hình bất định của Kon Tum hiện tại chưa hẳn là đã buồn, có khi điều đó còn tốt, vì sẽ giúp họ điềm tĩnh hơn nếu còn muốn làm bóng đá lâu dài. Thực tế, rất nhiều địa phương có truyền thống bóng đá nhưng đến nay vẫn chấp nhận chơi ở giải hạng Nhì, hạng Nhất để đợi thời cơ hoặc tìm được những nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính.

3. Sự hứng khởi từ màn trình diễn của tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son mang đến các tín hiệu tích cực cho bóng đá Việt Nam, nhưng phía sau đó, nhất là khi Xuân Son bị chấn thương dài hạn, lại lộ ra những khoảng trống lớn trong nỗ lực "làm bóng đá từ gốc" của chúng ta còn nhiều thách thức khi thiếu lượng lẫn chất và đặc biệt là những vấn đề trong tư duy phát triển bóng đá chuyên nghiệp.

Sự vội vàng, đốt cháy giai đoạn ở cả những nơi có nhiều kinh nghiệm như Đà Nẵng, hoặc không có gì như Kon Tum, rõ ràng cho thấy chưa có nhiều sự thay đổi về tư duy. Bóng đá Việt Nam đâu thể đẩy nhanh trào lưu nhập tịch như cách Malaysia hay Indonesia đang làm. Chúng ta từng có một thế hệ tuyệt đẹp chỉ từ việc đào tạo căn cơ và phát triển bóng đá chuyên nghiệp bền vững. Nhưng nếu từ các CLB V-League cho đến các đội hạng thấp hơn cứ rơi vào trạng thái vội vã thì rất khó cho việc thực thi các chiến lược dài hạn.

Các đội bóng thuộc hạng Ba, hạng Nhì lẽ ra chú trọng vào hoạt động đào tạo trẻ để tạo nguồn nhân lực tại chỗ thì lại rất yếu khâu này. Đơn cử như các giải U17, U19 quốc gia hiện nay chỉ có khoảng 24-25 đội tham gia thi đấu vòng loại nhưng hết phân nửa là thuộc các CLB chuyên nghiệp (V-League, hạng Nhất). Như vậy, có hơn 40 đội bóng đang chơi ở hạng Nhì, hạng Ba nhưng lại không đóng góp được bao nhiêu cho hoạt động đào tạo trẻ, dù đó là khâu phù hợp với các địa phương không có CLB chuyên nghiệp.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến cầu thủ trẻ ngày càng ít, xuất phát từ hoạt động tìm kiếm và đào tạo tại cơ sở không còn được chú trọng khi mà vẫn còn tồn tại những cách làm bóng đá thiếu nóng vội ngay từ các CLB hạng thấp nhất.

Một lần nữa, cần phải xác định rất rõ: bóng đá Việt Nam cần nhiều cầu thủ nhập tịch như Xuân Son hơn hay là phải kiên trì đào tạo ra những cầu thủ có chất lượng như Xuân Son?


Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền thông đầu năm 2025, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã chia sẻ về những thành công nổi bật của bóng đá Việt Nam trong năm 2024 và các định hướng quan trọng cho năm tới.


Trong đó, ông Trần Quốc Tuấn đặc biệt nhấn mạnh tới thành tích tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024. Theo đánh giá của Chủ tịch VFF, chức vô địch ASEAN Cup lần thứ 3 (tiền thân là AFF Cup) của đội tuyển bóng đá nam quốc gia đã mang lại niềm cảm hứng lớn cho cả nước.


Sau chức vô địch ASEAN Cup 2024, câu chuyện nhập tịch được bàn luận sôi nổi khi cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son là người ghi dấu ấn đậm nét, góp công lớn trong thành tích này của đội tuyển quốc gia. Xuân Son đã tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp cái nhìn của người hâm mộ về việc nhập tịch cầu thủ cho tuyển Việt Nam có phần cởi mở hơn.


Về phía Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, ông nhấn mạnh, xu thế tăng cường sử dụng cầu thủ nhập tịch đang diễn ra mạnh mẽ tại cả châu Âu và châu Á, góp phần nâng cao sức mạnh cho các đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, việc này được cân nhắc cẩn trọng, nhằm bảo đảm vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa phát huy tối đa sức mạnh tập thể để hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển quốc gia không chỉ tuân theo các quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) mà còn dựa trên nguyện vọng của cầu thủ và sự phù hợp với tiêu chí chuyên môn, văn hóa.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link