28/07/2016 20:09 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Một nghịch lý đang diễn ra: dù liên tục xuất ngoại và là “mỏ vàng” phục vụ khách du lịch, rối nước Việt Nam vẫn bị các chuyên gia trong nước cảnh báo về nguy cơ phát triển tùy tiện theo hướng thương mại hóa.
Vài năm nay, đằng sau sự rực rỡ hào nhoáng hiện có, câu chuyện ấy vẫn thường xuyên được nhắc lại. Để rồi, trong cuộc hội thảo Bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước trong thời kỳ hội nhập vào cuối tuần qua, có chuyên gia đã phải dùng cụm từ... hội chứng đám đông để nói về cảnh “nhà nhà làm rối nước” trong thực tế.
Hội chứng đám đông
Hội thảo do Nhà hát Múa rối Việt Nam tổ chức. Và như so sánh của ông Ngô Quỳnh Giao, nguyên Giám đốc Nhà hát, rất nhiều điểm diễn múa rối đang khai thác nghệ thuật này theo sai lầm của người làm vườn: chỉ nhăm nhăm tìm dụng cụ hái quả, chọc quả một cách nhanh và nhiều nhất, thay vì chăm lo bón tưới.
Thống kê chính thức cho biết, trên toàn quốc hiện có 6 đơn vị múa rối chuyên nghiệp, cùng hàng chục phường rối dân gian tại vùng đồng bằng Bắc Bộ - nơi khai sinh ra loại hình nghệ thuật này. Nhưng, kể từ năm 2000 đến nay, thêm nhiều điểm diễn rối nước đã lần lượt xuất hiện tại Tp HCM và các trung tâm du lịch như Huế, Nha Trang, Phú Quốc dưới các "tư cách pháp nhân" khác nhau để phục vụ du khách – đặc biệt là khách nước ngoài.
Múa rối nước VN vẫn luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt với du khách
Và khác với việc diễn rối để...giải trí trong xã hội nông nghiệp tự cung tự cấp khi xưa, áp lực kinh doanh đã buộc rất nhiều điểm diễn múa rối phải "vắt óc" tìm thêm trò diễn để chiều lòng khán giả - nhất là với những khán giả VN vốn không quá mặn mà với trò xưa tích cũ như khách nước ngoài.
Bởi thế, khá nhiều người đã phản ứng gay gắt khi rối nước xuất hiện các câu chuyện về đuổi bắt tội phạm ma túy, trong đó xe mô tô công an chạy loằng ngoằng trên mặt nước. Hoặc, ở một số chương trình biểu diễn rối nước tại phía Nam, "người thật" lại được đưa vào bể nước để diễn "hỗ trợ" các quân rối, với những bộ quần áo dính bết vào người.
Chưa kể, việc quá lạm dụng những yếu tố về lời thoại, ca nhạc, nhạc đệm...(thay vì chủ yếu sử dụng động tác của quân rối như truyền thống) là tình trạng khá phổ biến ngay ở những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Thậm chí, theo lời NSƯT Lê Chức (Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu VN), ông đã từng bỏ về tại một cuộc tọa đàm, khi có người đề nghị "cơ khí hóa" con rối bằng các thiết bị điện, để diễn được nhanh, được dễ...
Chấm dứt "nghiệp dư hóa"
Cũng cần nói thêm, những "cách tân" quá đà ấy phần nào liên quan tới một tranh cãi muôn thuở về việc đổi mới, phát triển thêm các tiết mục rối nước, so với 17 trò diễn cổ vẫn được khai thác vài chục năm qua. Nhưng, trong khi các nhà hát chuyên nghiệp khá rụt rè tìm hướng đưa múa rối tiếp cận với nghệ thuật ballet, đờn ca tài tử Nam Bộ hay truyện cổ Andersen... thì các nhóm biểu diễn tại địa phương lại không ngần ngại thay đổi tùy tiện theo quan điểm của mình.
Như nhận xét của bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát múa rối VN, chữ "nghiệp dư" - vốn hay được nhắc tới trong rối nước - đang bị cố tình hiểu sai. Thay vì sự "nghiệp dư" trong cách tổ chức hoạt động, biểu diễn của nghệ nhân dân gian, múa rối nước tại nhiều nơi đang được làm với quan niệm theo kiểu... ai cũng diễn được, không cần rèn, không cần học nhiều.
Sự nghiệp dư hóa ấy dẫn tới tình trạng hoạt động manh mún, thiếu định hướng và tùy tiện thương mại hóa ở khá nhiều điểm diễn múa rối. Nói như NSND Hoàng Tuấn (Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long), cảnh gia đình múa rối bỗng nhiên... "đông con nhiều cháu" như vậy khiến người làm nghề vui thì ít, mà chỉ thêm canh cánh lo lắng trong lòng.
Nhưng, có lẽ, cũng sẽ rất khó để câu chuyện "nhà nhà làm múa rối" ấy chấm dứt trong một sớm một chiều, khi mà cái tên của loại hình nghệ thuật này vẫn luôn có sức hút lớn với khách du lịch nước ngoài như vậy.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất