Tiết kiệm năng lượng để giảm khí thải nhà kính và tăng năng lực cạnh tranh

09/11/2008 12:08 GMT+7 | Cuộc sống Số

(TT&VH) - An ninh năng lượng đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng cao, nhưng khả năng cung ứng còn rất hạn chế. Trong khi đó, việc thất thoát, sử dụng lãng phí làm cho nguy cơ thiếu hụt và khủng hoảng năng lượng trở thành vấn đề cấp bách.

Trong hội thảo “Chính sách và giải pháp thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam” vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ và môi trường đã đánh giá, mức tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị kinh tế ở nước ta còn quá cao so với các nước trong khu vực, trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than đá đang dần cạn kiệt và nguy cơ ô nhiễm môi trường do các hoạt động khai thác còn cao. Đây là vấn đề cấp bách với an ninh năng lượng, cũng như môi trường sống của cộng đồng.

Một số dạng máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời


Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học -  công nghệ, đã trình bày một số quan điểm như: phát triển các công trình mới đồng thời với việc cải tạo, nâng cấp các công trình cũ; phát triển năng lượng đi đôi với bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững ngành năng lượng; đảm bảo cung cấp đầy đủ, liên tục, an toàn cho nhu cầu năng lượng. Bên cạnh đó, chính sách năng lượng cũng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nguồn điện trên cơ sở tiềm năng năng lượng sẵn có, hạn chế phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 95% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất  - kinh doanh tại Việt Nam, trong đó tập trung vào 5 ngành công nghiệp bao gồm gốm sứ, gạch, giấy và bột giấy, dệt may và chế biến thực phẩm. Việc các doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị cũ, trình độ quản lí vận hành còn thấp đã làm thất thoát rất nhiều nguồn năng lượng trong sản xuất. Điều này đang gây áp lực rất lớn lên nguồn năng lượng quốc gia. Qua nghiên cứu của Bộ KH&CN, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các ngành này còn khá cao như: công nghiệp gốm 35%, dệt may 30%, chế biến thực phẩm 20%... Thông qua việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng sẽ làm giảm tốc độ phát thải khí nhà kính từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Trần Minh Khoa, điều phối viên chương trình đào tạo và trình diễn của dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” cho biết, đây là dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu về tổng mức tiết kiệm năng lượng cụ thể, giảm một phần đầu tư phát triển hệ thống cung ứng năng lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia dự án sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí cho tư vấn về kiểm toán năng lượng, giải pháp tiết kiệm năng lượng và chuyển giao công nghệ.

Mục tiêu cụ thể của dự án trong giai đoạn 2006 – 2010, lượng khí thải nhà kính sẻ giảm 950.000 tấn CO2/năm, tiết kiệm được 136.000 tấn dầu. Việc thực hiện dự án này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm 10-15% chi phí năng lượng và tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Trong ngành gốm sứ, việc sử dụng lò nung bằng gas thay thế cho lò nung bằng than giúp giảm đáng kể lượng CO2 thải ra môi trường. Bên cạnh đó, việc lắp đặt bộ biến tần, bảo ôn hệ thống kho lạnh, cải tạo nồi hơi, hệ thống chiếu sáng…giúp các ngành dệt, giấy, chế biến thực phẩm giảm được chi phí giá thành sản phẩm.

Hiện Bộ Công thương đang trình Chính phủ dự thảo luật tiết kiệm năng lượng. Đây sẽ là khung pháp lý cao nhất về sử dụng năng lượng ở nước ta hiện nay, điều này buộc các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn năng lượng quốc gia.      

Tiến Lực – Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link