01/10/2020 14:52 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/10, tại xã Dương Xuân Hội, thuộc huyện Châu Thành, UBND tỉnh Long An tổ chức khởi công xây dựng Nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu. Công trình có tổng kinh phí gần 8,6 tỉ đồng; trong đó chi phí xây dựng hơn 6,7 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ.
Công trình được xây dựng trên khu đất của gia đình Giáo sư Trần Văn Giàu với diện tích hơn 2.900 m2, gồm các hạng mục chủ yếu: Nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp kết hợp thư viện sách của Giáo sư với quy mô 1 tầng, diện tích xây dựng 351 m2, chiều cao 12,75 m; cải tạo khuôn viên mộ, trồng cây xanh xung quanh khu mộ...
Giáo sư Trần Văn Giàu là nhà cách mạng, nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu khoa học lỗi lạc. Giáo sư sinh ngày 11/9/1911, trong một gia đình trung lưu ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Năm 1925, Giáo sư lên Sài Gòn học Trường Trung học Chasseloup Laubat. Năm 1928, sau khi lấy bằng Tú tài, Giáo sư được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse.
Tháng 3/1929, Giáo sư Trần Văn Giàu bí mật tham gia Đảng Cộng sản Pháp, hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của du học sinh và công nhân người Việt ở thành phố Toulouse. Năm 1930, ông tham gia biểu tình trước dinh Tổng thống Pháp ở Paris đòi hủy bỏ án tử hình đối với các thủ lĩnh của Cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Trong cuộc biểu tình này, ông bị thực dân Pháp bắt và trục xuất về Việt Nam.
Về nước, Giáo sư Trần Văn Giàu tiếp tục hoạt động cách mạng tại Sài Gòn – Chợ Lớn, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, được phân công phụ trách Ban học sinh và Ban phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1931, ông được tổ chức đưa sang Liên Xô học Trường Đại học Đông Phương và tốt nghiệp năm 1933 với đề tài "Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương". Khi về lại Sài Gòn, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia tổ chức lại Xứ ủy Nam Kỳ. Ngày 25/6/1935, ông bị thực dân Pháp kết án 5 năm tù, 10 năm quản thúc vì tội "hoạt động lật đổ chính quyền". Tháng 4/1940 ông mãn hạn tù, nhưng mấy ngày sau lại bị Pháp bắt đầy đi Tà Lài - một vùng rừng thiêng nước độc thuộc tỉnh Bình Phước. Tháng 3/1942, ông vượt ngục về Sài Gòn tiếp tục hoạt động cách mạng.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công ở Nam Bộ có sự đóng góp to lớn của Bí thư Xứ ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Trần Văn Giàu. Năm 1946 - 1948, ông được Trung ương điều sang giúp nước bạn Campuchia xây dựng lực lượng kháng chiến. Năm 1949, ông về nước và được cử làm Tổng Giám đốc Nha thông tin… Năm 1975, ông tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội. Với những cống hiến, những công trình nghiên cứu và giảng dạy của mình trên lĩnh vực triết học, sử học và văn học, ông Trần Văn Giàu được phong hàm Giáo sư trong lớp giáo sư đầu tiên của nước ta.
Ông từ trần ngày 16/12/2010, an táng tại xã Dương Xuân, huyện Châu Thành, tỉnh Long An – mảnh đất quê hương đã hun đúc nên khí phách của người Việt Nam chân chính. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Long An đã chung tay xây dựng khu mộ Giáo sư, trồng cây cảnh quanh khu mộ để tri ân và tôn vinh ông với những đóng góp lớn lao trong lịch sử và văn hóa của đất nước.
Cùng với Nhà thờ tộc Trần, khu mộ của Giáo sư Trần Văn Giàu đã trở thành địa điểm lưu niệm và là nơi tham quan, học tập bổ ích đối với nhân dân trong và ngoài tỉnh. UBND tỉnh Long An cũng đã xếp hạng Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu là di tích cấp tỉnh./.
Thanh Bình/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất