Khai quật điện Kính Thiên: Tìm thấy những thông tin chính xác so với trước

17/12/2014 07:35 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Hội thảo báo cáo kết quả khai quật điện Kính Thiên do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học VN đã được tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội, sau 10 tháng khai quật khu vực nền điện Kính Thiên kể từ đầu năm 2014. So với những lần trước, đợt khai quật này nằm tại vùng được cho là chính điện Kính Thiên nên được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.

“Sự phức tạp của các lớp văn hóa đan xen nhau trong suốt 13 thế kỷ khiến giới chuyên môn như lạc vào ma trận. Cứ đà này, phải hết thế kỷ 21, chúng ta mới giải mã được kiến trúc cũ của Hoàng thành” - PGS khảo cổ học Tống Trung Tín nói vui trong hội thảo.

"Ma trận" di tích

Đây là năm thứ 10, khu vực nền điện Kính Thiên nằm trong quần thể Hoàng thành Thăng Long (HTTL) được khai quật. Tuy nhiên, đợt khai quật này là lần đầu tiên giới khảo cổ tìm thấy sự xuất hiện trọn vẹn của các móng kiến trúc mang đủ đặc trưng niên đại các thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn... tại trục trung tâm của điện Kính Thiên.

Trong đó, dấu tích kiến trúc thời Lý được nhận diện thông qua một hệ thống đường nước lớn, chạy theo hướng Đông - Tây, dấu tích thời Trần có móng trụ bằng đá, được gia cố bằng ngói vụn với những kết cấu có 4 hàng chân cột đặc trưng. Đặc biệt, các dấu tích quan trọng nhất được phát hiện trong đợt khai quật này mang niên đại Lê Trung Hưng với mật độ khá dày đặc.

Theo kết luận ban đầu, phía khai quật đã xác định được một phần kiến trúc phía Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên như hệ thống móng nền, đường Ngự đạo và đặc biệt là sân Đại triều. Ngoài ra, một số hiện vật có giá trị lớn cũng được tìm thấy.


Một số dấu móng kiến trúc mới phát lộ trong đợt khai quật lần này

Khá thú vị, đợt khai quật này đã cung cấp những thông tin có giá trị khác biệt và chính xác hơn so với một số đợt khai quật trước đó tại điện Kính Thiên và rộng hơn là cả quần thể di tích HTTL. Chẳng hạn, các kiến trúc mới được tìm thấy tại sân Đại triều cho thấy: kiến trúc này mang niên đại thời Lê Trung Hưng chứ không phải thời Lê Sơ như phỏng đoán. Hoặc, theo GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN), những dấu vết mới về đường nước thời Lý, Trần cho thấy nhiều khả năng cho thấy đây là kiến trúc mang tính phong thủy, chứ không phải đường thoát nước dẫn ra sông Tô Lịch như giả thiết ban đầu.

"Mọi nhận định về HTTL đều chỉ là phỏng đoán và có thể thay đổi theo từng đợt khai quật. Bởi quần thể này có hệ thống di tích quá phức tạp, luôn chồng xếp, đan xen, cắt phá lẫn nhau" - GS Phan Huy Lê nói. "Đây là điều bình thường và luôn cần tới sự kết hợp liên ngành với các kiến thức về sử học cơ bản, địa lý, khoa học tự nhiên... để từng bước đưa ra nhận thức rõ ràng hơn về di tích".

"Đào" tiếp theo cách nào?

Sự phức tạp tăng dần theo các đợt khai quật khiến giới chuyên môn đưa ra khá nhiều câu hỏi về các bước tiếp theo để "giải mã" kiến trúc tổng thể của điện Kính Thiên. Cũng cần nói thêm, ngoài mục đích phục vụ chuyên môn, đây còn là bước cơ bản để thực hiện đề án khôi phục kiến trúc không gian điện Kính Thiên vốn đã được  UBND Hà Nội thông qua trước đó.

Việc các di tích nằm đan xen, chồng chéo nhau là bài toán khó cho công việc này, khi mà đặc thù của ngành khảo cổ yêu cầu việc khai quật phải tiến hành song song với bảo tồn cho từng vùng, chứ không thể thực hiện tổng quát theo kiểu "giải phóng mặt bằng". Do vậy, GS Phan Huy Lê đưa ra đề nghị: giới nghiên cứu có thể tìm những vị trí khai quật mà tầng văn hóa phía trên ít di tích giá trị, để từ đó đào sâu tiếp xuống các lớp phía dưới. Đề nghị này được tán thành bởi GS Nguyễn Quang Ngọc, với ý kiến rằng giới nghiên cứu nên “đi đến cùng, đào đến tầng sinh thổ để phát lộ kết quả chính xác, tránh mang tính phỏng đoán như hiện nay”.

PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung đưa ra một lo ngại khác: các hố khai quật trong thời gian qua được tổ chức với diện tích khá nhỏ. Do vậy, các kết luận đưa ra theo từng đợt ít nhiều vẫn rơi vào tình trạng "thầy bói xem voi" mà không mang lại một cái nhìn tổng quát. PGS Dung nói: "Bởi vậy, chỉ còn cách tổ chức các hố khai quật rộng hơn thì chúng ta mới khắc phục được điều này".

Hiện nay, Viện Khảo cổ đã kiến nghị mở tiếp hướng khai quật về phía Đông của khu di tích Đoan Môn để tìm hiểu dấu tích kiến trúc của các thời kỳ, đặc biệt là tìm hiểu về mảng kiến trúc thời Lý, Trần vốn đang còn chưa được nhận định rõ ràng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đang chuẩn bị tổ chức một hội thảo để đánh giá lại việc nghiên cứu HTTL sau 5 năm kể từ khi nhận danh hiệu Di sản Thế giới, để rồi từ đó tiếp tục đưa ra những định hướng cụ thể cho việc khai quật.

Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link