02/02/2016 20:19 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Cho đến thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước đã chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo để cơ hội được đón một cái Tết đầy đủ, no ấm đến được với mọi người dân.
* Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết cho người dân, các địa phương trên cả nước đã có nhiều biện pháp để đảm bảo cung cầu, an toàn vệ sinh thực phẩm và ổn định giá cả hàng hóa, phục vụ cho người dân vui đón năm mới Bính Thân 2016.
- Tại Hà Nội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã tập trung sản xuất, dự trữ các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng trị giá khoảng trên 21.000 tỷ đồng, bảo đảm không để xảy ra thiếu hàng, gây tăng giá đột biến, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết.
Đáng chú ý, việc ổn định hàng hóa Tết còn được chú trọng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo đó, bên cạnh việc cho phép hơn 100 xe ô tô chuyên dùng vận chuyển xăng dầu, hàng bình ổn giá lưu thông thuận lợi trong nội thành, thành phố còn tổ chức bán hàng bình ổn giá tại 1.165 điểm trên địa bàn, tổ chức 9 trung tâm bán hàng Việt, 179 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện, thị xã, khu công nghiệp phục vụ nhân dân.
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, lượng hàng hóa tiêu thụ Tết năm nay tăng từ 15%-20% so với Tết Nguyên đán năm 2015.
Để đảm bảo cung cầu, các doanh nghiệp của thành phố đã sớm hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Bính Thân 2016 là trên 16.200 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng so với Tết Ất Mùi 2015. Trong đó, nguồn hàng bình ổn thị trường đạt gần 7 nghìn tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị cung ứng ra thị trường là hơn 9 nghìn tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường đạt gần 4 nghìn tỷ đồng.
- Thành phố Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch bình ổn giá nhằm đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm thiết yếu. Trong đó, các mặt hàng thiết yếu như thịt các loại, mì ăn liền, đồ hộp, dầu ăn, mì chính, hạt dưa, bánh kẹo các loại... đạt gần 192 tỷ đồng; dự trữ 1.000 tấn gạo; tổ chức bán thịt lợn bình ổn giá tại 13 điểm, tập trung chủ yếu tại các chợ gần các khu dân cư. Cùng đó, thương nhân kinh doanh ở 8 chợ loại một tại thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết ước khoảng 500 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm nay, Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức 2 xe bán hàng lưu động phục vụ tại các điểm nóng, khu đông dân cư. Đồng thời, thành phố còn tổ chức các hoạt động bán hàng phục vụ đồng bào miền núi và công nhân tại các khu công nghiệp.
- Tại Hải Phòng, các siêu thị, doanh nghiệp phân phối, các hộ kinh doanh đã chuẩn bị một lượng hàng hóa dồi dào, phong phú trị giá khoảng 3.500 tỷ đồng, đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân thành phố với mức tăng dự kiến khoảng 17-20%.
- Tại Tuyên Quang, các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa với tổng trị giá khoảng 85 tỷ đồng, gồm: xăng, dầu, muối, gạo nếp, gạo tẻ… với mạng lưới bán hàng gồm 66 điểm (thành phố Tuyên Quang có 13 điểm, huyện/thị 53 điểm), các điểm bán hàng đều phải niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết.
Bên cạnh đó, các tỉnh khác như tỉnh Hòa Bình cũng đã trích ngân sách 30 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện việc bình ổn giá trên địa bàn, tập trung vào 14 mặt hàng: gạo tẻ, gạo nếp, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến, rượu sản xuất trong nước, bia, nước giải khát các loại, mứt tết, bánh kẹo, nước mắm, dầu ăn, sữa, thực phẩm công nghệ, chè…
Tỉnh Trà Vinh đã trích 23 tỷ đồng ngân sách cho các doanh nghiệp tạm ứng vốn để chuẩn bị hàng hoá phục vụ tết. Trong đó tập trung vào các doanh nghiệp cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, hàng dệt may… Các doanh nghiệp được tạm ứng vốn đóng vai trò bình ổn giá phải niêm yết giá và cam kết không tăng giá so với giá niêm yết ngay cả khi thị trường có biến động.
Bên cạnh việc đảm bảo cung ứng đủ hàng Tết, các địa phương cũng chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị như điện lực, các công ty cung cấp nước sạch... đảm bảo cung cấp đầy đủ, không để gián đoạn điện, nước sinh hoạt cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
* Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông
Các địa phương cũng chú trọng đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho nhân dân.
- Công an thành phố Hà Nội huy động 100% quân số đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết; chủ động ngăn chặn các tệ nạn xã hội như đánh cờ bạc hoặc hiện tượng lợi dụng các lễ hội, các điểm vui chơi, giải trí để trộm cắp của người dân...
Bên cạnh đó, thành phố cũng huy động tối đa lực lượng tham gia hướng dẫn, giải tỏa ách tắc giao thông, đồng thời đề nghị Học viện Cảnh sát nhân dân tăng cường 500 sinh viên cùng tham gia nhằm giảm tối đa các điểm ùn tắc, không để tình trạng ùn tắc kéo dài hơn 30 phút.
- Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã mở đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong những ngày Tết. Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an thành phố mong muốn người dân cùng với công an, chính quyền tích cực tham gia tố giác tội phạm, phòng chống tội phạm, trực tiếp cùng với lực lượng công an ngăn chặn và xử lý tội phạm…
* Không để bất kỳ hộ dân nào không có tết
Ngay từ đầu tháng 1 năm 2016, Chủ tịch nước đã ký Quyết định về việc tặng quà các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 với mức kinh phí lên đến 300 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ trên 7.000 tấn gạo cho 7 tỉnh là Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Trị, Lào Cai, Hà Nam, Yên Bái, Bình Định.
- Với tinh thần không để bất kỳ hộ dân nào không có tết, thành phố Hà Nội đã dành hơn 400 tỷ đồng tặng quà đối tượng chính sách xã hội. Đáng chú ý, để góp phần mang đến không khí Tết đầm ấm, nghĩa tình tới các gia đình có quân nhân đang công tác tại biên giới, huyện đảo Trường Sa nhân dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội đã dành tặng mỗi gia đình quân nhân suất quà trị giá 500.000 đồng.
- Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phục vụ chu đáo đời sống vật chất, tinh thần các tầng lớp nhân dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo; tổ chức thăm hỏi, tri ân, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo cho công nhân, người lao động, sinh viên không có điều kiện về quê vui tết.
- UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã quyết định dành kinh phí 31,4 tỷ đồng chi cho các hoạt động thăm, tặng quà, trợ cấp khó khăn cho các đối tượng chính sách xã hội và các đơn vị, địa phương nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Ngoài ra, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Đà Nẵng tặng 1.000 vé xe cho sinh viên về quê ăn Tết. Những sinh viên đầu tiên được thụ hưởng chương trình này là sinh viên ở vùng chịu thiệt hại do thiên tai, bão lũ; sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và sinh viên quê ở vùng sâu, vùng xa.
- Chương trình Tết vì người nghèo 2016 ở Nghệ An đã huy động được gần 40 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo, đồng bào miền núi khó khăn, nơi bão lũ…
Cũng trong những ngày qua, nhiều chuyến tàu đã rời cảng ra khơi đem theo tình cảm yêu thương nồng ấm, tin tưởng và hàng trăm tấn quà Tết từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống, làm việc và học tập tại các quần đảo ngoài khơi của Tổ quốc./.
Minh Hiếu (tổng hợp)
[Nguồn: TTXVN, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố]
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất