22/07/2012 09:55 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Cả thế giới đang bàng hoàng sau khi hay tin về vụ thảm sát đẫm máu tại rạp chiếu phim TP Denver (Mỹ) lúc rạng sáng 20/7 khi khán giả đang xem phim The Dark Knight Rises (thường được dịch ra tiếng Việt là Người Dơi trỗi dậy hoặc Hiệp sĩ bóng đêm trỗi dậy). Kẻ giết người là James Holmes, từng tốt nghiệp ngành thần kinh học.
Khi bị bắt, kẻ giết người khai với cảnh sát hắn coi mình là “The Joker” - thằng hề trong serie phim Người Dơi (Batman), tuy nhiên một số nhân chứng kể rằng hắn ăn mặc như Bane, nhân vật phản diện chính trong tập phim Người Dơi trỗi dậy do Tom Hardy thủ vai. Holmes đã mặc chiếc áo giáp bó sát người màu đen, đeo mặt nạ phòng hơi độc và đội mũ sắt, giống nhân vật Bane.
Ảnh hưởng từ chủ đề phim
The Joker ác hiểm trong tập phim bom tấn Hiệp sĩ bóng đêm (The Dark Knight - 2008) |
Trước khi khởi quay, bi kịch, sự mất mát và tranh cãi đã ám ảnh “miền đất” của Người Dơi, điển hình nhất là ngôi sao Hollywood Heath Ledger, người thủ vai thằng hề The Joker ác hiểm trong tập phim bom tấn Hiệp sĩ bóng đêm (The Dark Knight - 2008), đã đột tử do dùng thuốc quá liều chỉ vài tháng trước khi tập phim này có mặt ở rạp chiếu.
Người Dơi trỗi dậy (The Dark Knight Rises) là tập cuối trong bộ ba phim về Người Dơi của đạo diễn Christopher Nolan. Có kinh phí 250 triệu USD, đây là một trong những tác phẩm điện ảnh được người hâm mộ toàn cầu mong đợi trong mùa Hè năm nay.
Người Dơi trỗi dậy lấy mốc thời gian 8 năm sau khi Người Dơi đánh bại được tên Joker nguy hiểm trong tập phim Hiệp sĩ bóng đêm. Trở về thành phố Gotham, Người Dơi Bruce Wayne phải đối mặt với những thử thách mới cam go hơn. Bane là nhân vật phản diện chủ chốt trong tập phim này và còn nguy hiểm, mưu trí hơn cả Joker của phần trước.
Sự việc lần này xảy ra với Người Dơi trỗi dậy được cho là do ảnh hưởng từ chủ đề u ám và chủ nghĩa khủng bố phản ánh trong phim. Phim mô tả những cuộc tấn công khủng bố, các cuộc bạo loạn chống chính phủ và đánh bom liều chết rất đáng lo ngại ở New York trong kỷ nguyên hậu 11/9.
Nhà làm phim Nolan đã bàng hoàng khi hay tin về vụ thảm sát và tuyên bố hành động của tay súng James Holmes hết sức “dã man”. Ông viết: “Nhân danh đoàn làm phim Người Dơi trỗi dậy, tôi xin được bày tỏ nỗi buồn sâu sắc với bi kịch đã xảy đến với cộng đồng Aurora. Không ai trong chúng tôi có thể bày tỏ được một cách thỏa đáng cảm xúc của mình với các nạn nhân vô tội trong tội ác kinh hoàng này, nhưng tâm trí chúng tôi hướng về họ và gia đình họ”.
Sau đêm kinh hoàng ở thành phố Denver, hãng phim Warner Bros. đã quyết định hủy bỏ buổi công chiếu phim ở Paris và tuyên bố họ xin được chia sẻ sự cảm thông với gia đình của các nạn nhân.
Các nhà điều hành hãng phim còn lên kế hoạch biên tập tất cả các hình ảnh bắn súng trong các trailer của tập phim Người Dơi trỗi dậy và họ còn bỏ cả các đoạn phim quảng bá phim tội phạm Gangster Squad của đạo diễn Ruben Fleischer, dự định được chiếu trong dịp cuối tuần này vì chúng có những cảnh quay bắn giết và đốt cháy rạp chiếu.
Chưa kể, thời gian này các kênh truyền hình NBC và ABC cùng nhiều mạng lưới truyền hình hàng đầu khác ở Mỹ đã bỏ hết các clip quảng cáo phim Người Dơi trỗi dậy khi họ cảm thấy không thích hợp khi vừa đăng quảng cáo phim vừa đưa tin về vụ thảm sát.
|
Hollywood cùng nhiều loại hình văn hóa đại chúng khác như nhạc rap và heavy metal đã chứng kiến không ít những vụ thảm sát đẫm máu. Nhiều nhà phê bình còn cho rằng, thậm chí nhiều bộ phim còn tạo “khuôn mẫu” cho nhiều kẻ thực hiện những hành động quá khích.
Chẳng hạn như John Hinckley Jr, kẻ đã thực hiện âm mưu ám sát Tổng thống Ronald Reagan hồi năm 1981, đã gửi nhiều bức thư tình cho Jodi Foster, ngôi sao “nhí” trong phim kinh điển Taxi Driver (1976), kể về một người đàn ông bị bệnh thần kinh cố gắng giết một ứng cử viên tổng thống.
Hay phim Natural Born Killers (1994) của đạo diễn Oliver Stone cũng bị coi là có nhiều cảnh “tạo hứng” một số kẻ gây ra những vụ bắn súng chết người.
Buổi công chiếu phim Người Dơi trỗi dậy đã thu được 30,6 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ, song nhiều người cho rằng, doanh thu phim sẽ bị ảnh hưởng vì khán giả sợ hãi và không muốn đến rạp sau vụ thảm sát.
Tony Wible, nhà phân tích chuyên quan sát các công ty giải trí và chuỗi rạo chiếu, nói: “Xảy ra thảm họa rùng rợn như vậy ở rạp chiếu, nhiều khán giả sẽ không tới rạp xem phim vì chuyện này”.
Còn một phụ nữ quả quyết: “Tôi sẽ không bao giờ tới rạp chiếu phim nữa. Tại sao lại phải ra khỏi nhà, mạo hiểm với tính mạng của mình. Tôi sẽ chờ cho tới khi phim được phát hành bằng đĩa rồi ngồi xem ở nhà”.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất