Vụ khủng bố Boston: Những kẻ chối bỏ "giấc mơ Mỹ"

22/04/2013 06:46 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Dù đã tới Mỹ và có thể đang sống trong "giấc mơ Mỹ", nhưng Tamerlan Tsarnaev lại chuẩn bị để phá hủy tất cả những thứ mà có thời gian hắn đã ca tụng là "món quà tuyệt vời".

Cho tới trước khi xảy ra vụ khủng bố Boston vào tuần vừa rồi, với gia đình Russell sống ở Rhode Island, Tamerlan Tsarnaev luôn được coi là đứa con rể yêu quý, đã kết hôn với con gái Katherine và cùng cô sinh hạ một đứa con gái.

Từng ca ngợi nước Mỹ

Sau vụ khủng bố, giống mọi gia đình Mỹ khác, gia đình Russell vẫn đang băn khoăn đi tìm đáp án cho câu hỏi rằng: Vì sao 2 thanh niên lớn lên và học tập ở Mỹ, là một phần của cộng đồng và đất nước Mỹ, lại có hành vi bạo lực nhằm vào cộng đồng của mình như thế?

Nhưng họ hoàn toàn bế tắc, không có câu trả lời. "Chúng tôi không thể hiểu được vì sao thảm kịch kinh hoàng này xảy ra" - gia đình Russell nói trong thông báo đưa ra hôm 20/4 - "Sau những kinh hoàng xảy ra trong ngày Yêu nước, chúng tôi mới nhận ra mình chưa bao giờ thực sự biết rõ về Tamerlan Tsarnaev".

Chiếc thuyền nơi Dzhokhar bị bắt

Nhiệm vụ "khẩn cấp" của các nhà điều tra giờ đây là tìm hiểu về Tamerlan và em trai Dzhokhar của hắn ta, cũng như làm rõ hành trình biến đổi từ những người nhập cư vui mừng trước việc có cơ hội đổi đời, thành những kẻ sẵn sàng giết người và khủng bố.

Đã có một số thông tin về anh em nhà Tsarnaev được báo chí làm rõ. Theo đó, cả hai sinh ra và lớn lên tại một cộng đồng người Chechnya ở Kyrgyzstan. Năm 2001, gia đình chuyển tới sống ở khu vực Dagestan, nơi hai anh em học tập tại Trường số 1 khá nổi tiếng ở thủ phủ Makhachkala.

Năm 2003, khi Tamerlan mới bước vào tuổi teen và Dzhokhar mới 8 tuổi, hai anh em đã tới Mỹ tị nạn. Đầu tiên cả hai sống ở Massachusetts, nơi cha đẻ kiếm sống nhờ nghề thợ máy. Chính cha đẻ đã khuyến khích hai anh em học đấm bốc và võ thuật.

Năm 2004, sau khi giành giải đấm bốc nghiệp dư "Golden Gloves" gần Lowell, Massachusetts, Tamerlan đã cất lời ca ngợi nước Mỹ. "Tôi thích nước Mỹ... Nước Mỹ có rất nhiều việc làm. Bạn có cơ hội kiếm tiền ở đây nếu bạn sẵn sàng làm việc". Năm đó hắn ta mới 14 tuổi.

Hai anh em, hai cá tính

John Allan, chủ nhân võ đường Wai Kru ở Boston, nơi Tamerlan từng tới luyện tập, nói rằng hắn ta từng là kẻ đáng nể, đầy kỷ luật và là một chiến binh khôn ngoan.

"Cậu ta đã luôn là tay đấm bốc giỏi nhất ở Boston. Cậu ta hạ tất cả các tay đấm bốc chuyên nghiệp" - Allan nói với tờ Boston Globe, và cho biết rằng cha của Tamerlan là Anzor đã dạy dỗ con rất tốt - "Đó là một gia đình tuyệt vời. Chuyện khủng bố thật sốc với tôi quá. Cả hai cậu trai đều đã đi học ở Cambridge Rindge & Latin, ngôi trường công ở Massachusetts nổi tiếng về đa dạng chủng tộc và là nơi học tập của các diễn viên Matt Damon, Ben Affleck, hay nhà thơ E.E. Cummings".

Tamerlan đầu tư nhiều cho hoạt động đấm bốc và còn mơ ước tới việc lên võ đài thi đấu đại diện cho Mỹ thay vì Nga. Tuy nhiên có vẻ như hắn ta đã không phù hợp với cuộc sống mới ở Mỹ. "Tôi không có một người bạn Mỹ nào. Tôi không thể hiểu nổi họ" - Tamerlan nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2009, trước một cuộc thi đấm bốc. Hắn ta nói về cái gọi là "sự đổ vỡ các giá trị" ở nước Mỹ và bày tỏ lo ngại về "sự dư thừa quá mức" trong đời sống Mỹ, đánh giá "người ta không thể kiểm soát bản thân".

Khác với anh trai, Dzhokhar không có cảm giác xa lạ với nước Mỹ. Có thể do đã tới Mỹ từ khi còn trẻ. Bạn bè tại trường phổ thông và đại học đều cho rằng hắn ta là một người ham vui, thích tụ tập đàn đúm và là một lãnh đạo đáng ngưỡng mộ trong đội vật của trường. Dzhokhar cũng là một trong 45 học sinh trung học được nhận khoản học bổng trị giá 2.500 USD từ thành phố Cambridge.

"Mọi điều về cậu ấy đều tuyệt vời" - Larry Aaronson, một giáo sư lịch sử về hưu tại trường Cambridge Rindge & Latin nói - "Cậu ấy rất hướng ngoại, rất năng động và yêu ngôi trường". Bạn bè cũng đánh giá cao về Dzhokhar. "Cậu ấy rất dễ thương, rất hay ho. Tôi sốc quá" - Florida Addy, người sống chung phòng với Dzhokhar ở ký túc xá cho biết. "Thành thực mà nói, cậu ấy là một trong những người dễ thương nhất mà tôi biết" - Zachary Boyer người sống cách Dzhokhar 2 phòng cho tờ USA Today biết, nói thêm rằng thanh niên này rất hay đi dự tiệc và chơi bời với bạn bè.

Hai anh em nghi phạm khủng bố Boston, Tamerlan (trái) và Dzhokhar

Âm thầm thay đổi tư tưởng

Dù khác biệt về cá tính như vậy, cả hai đều có những thay đổi giống nhau. Từ năm 2009, sự thay đổi này bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là ở Tamerlan. Người dì Maret Tsarnaeva, hiện đang sống ở Toronto, Canada, nói rằng bà thấy có sự thay đổi về quan điểm tín ngưỡng của Tarmelan. "Nó vốn không mộ đạo lắm. Nhưng cách đây 3 năm, nó bắt đầu cầu nguyện tới 5 lần mỗi ngày" - bà kể.

Có một cơn giận dường như đã hình thành sâu thẳm trong người Tamerlan. Trang web spotcrime.com nói rằng Tamerlan từng bị bắt hồi tháng 7/2009 vì tội tấn công bạn gái Katherine. Người họ hàng của Tamerlan là Zaur Tsarnaev, 26 tuổi, cũng nói rằng Tarmelan khác hẳn so với Dzhokhar "ngọt ngào và vô tội".

"Tamerlan luôn lâm vào rắc rối. Anh ấy không bao giờ tỏ ra hạnh phúc, hò reo ăn mừng, thậm chí là cười cợt. Anh ấy thường đánh đập bạn gái của mình" - Zaur nói với tờ Boston Globe - "Tôi từng cảnh cáo Dzhokhar rằng Tamerlan rồi sẽ chẳng làm được điều gì tốt đẹp".

Năm 2001, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thẩm vấn Tamerlan theo yêu cầu của một chính quyền nước ngoài. Tuy nhiên FBI không nhận thấy điều gì đáng ngờ từ thanh niên này và vụ việc đã rơi vào quên lãng.

"Tôi không có một người bạn Mỹ nào. Tôi không thể hiểu nổi họ" – gã khủng bố Tamerlan từng nói.

Dzhokhar cũng không hé lộ bất kỳ vấn đề gì vào năm 2011. Một trong những người bạn của Dzhokhar là Rose Shutzberg nói rằng cô thậm chí còn cảm thấy rất an toàn mỗi khi nói chuyện với cậu này. Tuy nhiên tờ Telegraph cho biết đằng sau vẻ ngây thơ vô tội đó, Dzhokhar đã bắt đầu bộc lộ thiên hướng tư tưởng ghét Mỹ giống anh trai.

Năm ngoái, sau 7 tháng, hai anh em ở lại Nga, lúc trở về Mỹ, trang riêng của Tamerlan trên mạng xã hội YouTube đã xuất hiện đầy rẫy các nội dung liên quan tới Hồi giáo cực đoan.

Chúng gồm một bài rao giảng của giáo sĩ cổ súy cho Hồi giáo cực đoan Feiz Muhammad (người Australia). Ngoài ra còn có một bài phát biểu khác do nhóm Black Banners of Khurasan có liên quan tới Al Qaeda thực hiện, truyền bá về việc sức mạnh Hồi giáo sẽ thanh lọc khu vực Trung Á.

Ngày 1/9 năm ngoái, chỉ 10 ngày trước khi Dzhokhar trở thành công dân Mỹ, thanh niên này cũng đã công khai thể hiện tư tưởng chống Mỹ giống anh. "Tôi không biết vì sao nhiều người lại khó chấp nhận rằng khủng bố 11/9 là một vụ do tay trong từ nước Mỹ thực hiện" - Dzhokhar viết trên trang Facebook của mình. Cậu ta còn chế nhạo nước Mỹ vì phải hứng chịu vụ khủng bố tồi tệ do Al Qaeda gây ra, kêu gọi tiệc tùng trong ngày 11/9. "Ngày 10/9 em yêu, em biết ngày mai là ngày gì rồi. Tiệc tùng tại nhà anh!" - Dzhokhar viết trên Facebook.

Cách đây có 1 tuần,  Allan nói rằng Tamerlan đã tới phòng tập của ông sau thời gian dài vắng bóng. Tuy nhiên nhân vật từng thể hiện các tính cách khiến người ta nể trọng, nay trở nên thô lỗ và còn đi giày lên các tấm thảm trong phòng tập.

Allan phỏng đoán đó có thể là chuyến thăm cuối cùng tới nơi mà Tamerlan rất lưu luyến. Không lâu sau đó, Boston đã đón nhận thảm kịch kinh hoàng khi 2 quả bom phát nổ và 3 người mất mạng vì hậu quả của nó. 

Tường Linh (theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link