10/07/2012 14:14 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Đến nay (10/7), Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc (xin gọi tắt là “liên hoan chuyên nghiệp” - LHCN) đã có danh sách của 26 vở diễn đăng ký tham dự, trong đó có 8 vở của các đoàn tư nhân và 2 vở của các trường SK&ĐA. Hãy khoan bàn đến chất lượng các vở này, điều đáng chú ý là các tên tuổi đã định hình trong lòng khán giả như Kịch IDECAF, Kịch Hoàng Thái Thanh… đã không tham dự.
Trong một phát biểu gần đây trước báo giới, ông Nguyễn Đăng Chương (Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn) nhận định về những trường hợp vắng mặt này như sau: “Có thể, họ cũng rất nhiệt tình muốn tham dự. Nhưng, Bộ VH,TT&DL có quy định rõ ràng về tính chuyên nghiệp của các đoàn nghệ thuật: chí ít phải có mô hình và định hướng hoạt động, có điểm diễn riêng và thường xuyên phục vụ nhân dân. (…). Sẽ là thiếu hợp lý nếu xóa nhòa ranh giới ấy bằng sự có mặt của những công ty tổ chức biểu diễn và hoạt động theo thời vụ”.
|
Khi nghe tin Kịch Hoàng Thái Thanh không có mặt tại LHCN lần này, giới theo dõi điện ảnh kịch trường TP.HCM rất tiếc nuối, vì trong 2 năm qua, sân khấu này đã có hàng chục vở được đầu tư nghiêm túc, với kịch bản và diễn xuất đạt đến mẫu mực. Mọi sự so đo trong nghệ thuật đều khập khiễng, nhưng nếu phải nói đến cùng, thì những vở chính kịch chất lượng như Hãy khóc đi em, Thử yêu lần nữa, Nửa đời ngơ ngác, 29 anh về… phải là niềm mơ ước của nhiều sân khấu muốn lấy tiền vé của khán giả (cũng là nhân dân) một cách văn minh, sòng phẳng. Hay gần đây nhất, vở bi kịch Tục lụy của họ vừa công diễn, đã cho thấy họ chấp nhận đưa ra những “khẩu phần khó nhai” mà không e ngại khán giả quay lưng vì nó nặng nề, dị biệt.
Khi được hỏi, đạo diễn Ái Như, đại diện Kịch Hoàng Thái Thanh nói rằng bà xin miễn bàn luận về bất cứ điều gì liên quan đến LHCN lần này, còn sự thật là đơn vị bà không được mời, chứ không than phiền gì về sự vắng mặt của mình cả.
Một sân khấu bề thế với 15 năm kinh nghiệm là Kịch IDECAF cũng không có mặt, dù họ là nhà tiên phong trong việc xã hội hóa sân khấu tại Việt Nam. Tháng 7 này họ cũng có hai vở cổ trang được đầu tư công phu và hoành tráng là Bí mật vườn Lệ Chi và Vương thánh triều Lê. Nhìn vào nội dung của 26 vở tại LHCN, thiếu một trong hai vở này chắc chắn là điều đáng nuối tiếc, vì nó có quan niệm và cách dàn dựng kịch khá riêng.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Kịch IDECAF nói với TT&VH rằng sân khấu của ông tự thấy mình không đủ tầm và không đủ tiền để tham dự LHCN lần này, cho dù nó có diễn ra tại TP.HCM đi nữa. Từ nay, Kịch IDECAF cũng sẽ không tham gia bất kỳ liên hoan nào, nếu cung cách làm việc của nó vẫn theo phương thức cũ.
Đồng ý là đang có nhiều công ty tổ chức biểu diễn và hoạt động theo thời vụ, nhưng nói những đơn vị đang hoạt động theo hướng bài bản như Kịch Hoàng Thái Thanh là “thời vụ” thì hơi thiếu công bằng. Một ông bầu tại Hà Nội (muốn giấu tên) nói rằng cần phải tái định nghĩa lại “tính thời vụ” và cả các khái niệm như “định hướng hoạt động”, “phục vụ nhân dân”… Vì nói gì thì nói, rõ ràng nhân dân đang thích cách phục vụ của các sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM hơn, ở đó có vở liên tục đạt được những suất diễn cháy vé, nhiều vở phải đặt vé trước cả hai, ba tháng.
Sẽ thiếu vắng khán giả?
Một số vở tham dự LHCN của các đoàn tư nhân TP.HCM: Tội ác quyền lực (Kịch Sài Gòn), Hồn ma báo oán (Kịch Quốc Thanh), Đời như ý (Kịch Gia Định), Tình cha (Kịch Nụ cười mới)… |
Trong giới, ai cũng biết liên hoan là chỗ “góp vui thôi”, chứ tính chuyên nghiệp thực sự của nó thì còn lâu mới đạt được. Một vở diễn được xem là thành công, phải đủ tối thiểu ba yếu tố chuyên nghiệp: một, đoàn kịch chuyên nghiệp; hai, sân khấu chuyên nghiệp; ba, khán giả chuyên nghiệp. Xét theo tiêu chí này, thì rất ít sân khấu tại Việt Nam hội đủ, nhất là các sân khấu ở địa phương, họ đang thiếu trầm trọng khán giả chuyên nghiệp. Vậy mà LHCN kỳ này lại diễn ra ở Huế, một địa phương chưa hội đủ các yếu tố chuyên nghiệp cho một sân khấu kịch (?).
Với các vở diễn thông thường, sân khấu tư nhân mất khoảng một tháng để đoàn kịch tập luyện, mất khoảng một tuần để hậu đài chạy kỹ thuật. Đây là nói với các sân khấu đã quen thuộc, khi chuyển đến địa điểm lạ, việc chạy hậu đài sẽ rất khó khăn. Đa số đoàn kịch TP.HCM chỉ đến trước LHCN khoảng hai, ba ngày, việc chạy hậu đài sẽ khó suôn sẻ, gây ảnh hưởng đến chất lượng chung của vở diễn là điều chắc chắn.
Hơn nữa, LHCN diễn ra trong khoảng hai tuần (từ 14 – 28/7), mà các đoàn thì chỉ đến một vài ngày để thi rồi vội vã trở về, vì họ còn khán giả ruột của mình ở nhà. Cho nên việc các nghệ sĩ xem nhau là điều khó thành hiện thực, mà khán giả tại Huế thì chưa có thói quen đi xem kịch nói, nên việc thiếu vắng khán giả là điều đã được dự báo trước.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất