Ca sĩ Kim Anh 'Mùa Thu lá bay': Sống được đến hôm nay là một phép màu

28/10/2014 16:00 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm 1980, ca sĩ Kim Anh nổi tiếng ở hải ngoại với ca khúc Mùa Thu lá bay (nhạc Hoa, lời Việt). Cuộc đời gắn liền với tai nạn, ma túy và sự cô đơn, nhưng bà đã nỗ lực vượt qua, để mãi mãi giữ danh hiệu Mùa Thu lá bay, đêm đêm đem tiếng hát của mình đến với khán giả phòng trà. Hiện, Kim Anh sống ở Việt Nam nhiều hơn ở Mỹ.

* Được biết, chị hát ca khúc Mùa Thu lá bay vì cha mình?

- Trước khi được nhiều người biết đến, tôi vẫn đi hát tại các quán bar, nhà hàng tại Mỹ. Chủ yếu hát tiếng Anh và tiếng Hoa. Năm 1983, hay tin cha tôi ở Việt Nam bệnh nặng nằm một chỗ không qua khỏi. Người nhà tôi ra bưu điện gọi cho biết, cha tôi muốn nghe giọng tôi lần cuối.

Tên đầy đủ của tôi là Mạch Kim Anh, thuộc dòng Minh Hương gốc Quảng Đông, Trung Quốc, sinh ra tại Lai Vung, Đồng Tháp. Lúc đó tôi nghĩ mình nên thu âm một bài hát vừa có tiếng Việt vừa có tiếng Hoa gửi về cho cha nghe. Thế nhưng, thời đó còn cách trở nhiều thứ, khi bản thu âm Mùa Thu lá bay về đến quê nhà thì cha tôi đã mất. Người nhà tôi nói lại, cha tôi mất không nhắm mắt, cho đến khi nghe giọng tôi vang lên Mùa Thu lá bay, thì mắt cha mới từ từ khép lại và nước mắt ông ứa ra.


Ca sĩ Kim Anh thời trẻ

* Và chị đã nổi tiếng với Mùa Thu lá bay một cách ngẫu nhiên khi thu âm bài hát này vì cha mình?

- Tôi thu âm bài hát này và gửi tặng rất nhiều người quen. Tôi không ngờ ca khúc do mình trình bày lại có sức lan tỏa đến thế. Rất nhiều người Việt ở hải ngoại và trong nước đã chia sẻ với nhau bài hát này. Từ bản thu âm Mùa Thu lá bay, tôi nhận được nhiều lời mời đi hát các ca khúc nhạc Việt, thay vì chỉ hát nhạc tiếng Anh hay tiếng Hoa.

* Chị qua Mỹ từ nhỏ, vậy lần đầu chị trở về Việt Nam biểu diễn là khi nào?

- Tôi sang Mỹ năm 1969, khi 16 tuổi, đi theo diện du học. Đến năm 1974 tôi sang Pháp học tiếp theo diện trao đổi du học sinh. Cuối tháng 4/1975 thống nhất đất nước, tôi từ Pháp trở lại Mỹ và ở luôn cho đến hôm nay. Năm 1989, sau 20 năm đi xa, tôi về nước vào đúng đêm Giao thừa, khi biết tin mẹ tôi sắp mất. Năm 1991, tôi chính thức về diễn tại TP.HCM (từ mùng 1 đến mùng 3 Tết) và Hà Nội (mùng 4 - 5). Đêm nhạc đầu tôi diễn tại TP.HCM có các nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn... tham gia. Và đêm ấy, anh Trịnh Công Sơn cũng đã đàn cho tôi hát một ca khúc của anh.

* Chị từng bị tai nạn giao thông thảm khốc, rồi nghiện ma túy..., chị đã vượt qua những việc này như thế nào?

- Năm 1978, khi tôi đang hát trong một nhà hàng, thì cả nước Mỹ phải hứng chịu một trận bão tuyết có thể nói là lớn nhất trong lịch sử. Đêm ấy, tất cả ô-tô đều bị tuyết che phủ không dùng được, chỉ còn một chiếc xe của anh đầu bếp là có thể nổ máy. Tôi đã đi nhờ chiếc xe này về nhà. Do đường đóng băng, nên xe bị trượt bánh và đâm vào một chiếc ô-tô ngược chiều. Tai nạn khiến tôi bị thương ở mặt (hiện còn vết thẹo lớn ở cằm) và bị liệt chân tay. Để giảm đau về thể xác và tinh thần, tôi đã dùng chất ma túy đến độ nghiện.

Năm 1984, một hôm tôi thấy da mặt vàng một cách kỳ lạ. Đi xét nghiệm, bác sĩ nói tôi bị ung thư gan phải mổ. Tôi không muốn làm con ma bị mổ bụng nên trốn bệnh viện về nhà khóa cửa.

Trong khoảng một tuần, tôi chỉ uống rượu và hít ma túy với mong muốn mình được chết còn nguyên vẹn. Tôi ngất đi lúc nào không rõ, chỉ biết tôi tỉnh dậy khi con tôi tìm đến nhà do gọi điện cho tôi không được. Có lẽ, tôi sống được đến hôm nay là một phép màu.

* Và sau đó chị tự cai nghiện?

- Sau khi tự tử bằng rượu thoát chết, cả bệnh ung thư cũng tự dưng biến mất, tôi quyết tâm cai nghiện. Năm 1985, trong lần qua Pháp đi hát, tôi đã tìm đến một nghĩa trang quân đội thời Thế chiến 2. Vợ chồng người giữ nghĩa trang đã cho tôi ở cùng họ. Trong khoảng 8 tháng ở đây là những ngày vật vã cắt cơn nghiện. Tôi phải mất thêm 2 năm nữa đóng cửa ở trong nhà để chính thức từ giã ma túy.

Những năm ấy, mỗi lần đi qua nơi mình từng mua ma túy là một lần cực hình. Phải quyết tâm lắm tôi mới không tái nghiện.

* Nghe nói chị từng gặp rắc rối khi hát tại Hà Nội?

- Vào năm 1992, tôi ra Hà Nội diễn 16 suất tại rạp Công Nhân nhằm quyên tiền cho trẻ em khiếm thị. Khi gặp các em, tôi có nói: “Nếu đổi 10 năm tôi sống để lấy ánh sáng cho các em, tôi xin sẵn lòng”. Sau 16 suất diễn, tôi muốn có một suất thứ 17 hát chung với trẻ em khiếm thị được tổ chức tại rạp Dân Chủ. Tại đây, khán giả yêu cầu tôi hát bài Phố đêm. Ngày đó, tôi chưa ý thức chuyện bài hát được cấp phép hay không, nên thấy nhiều khán giả yêu cầu là tôi hát. Hát xong bài này, tôi bị cơ quan chức năng mời làm việc. Nhạc sĩ Trần Hoàn biết việc đã viết giấy bảo lãnh cho tôi, đại ý rằng: Người nghệ sĩ xa quê muốn hát trên quê hương là một điều tốt. Do họ chưa biết các quy định, nên lần đầu có thể bỏ qua. Nhạc sĩ Trần Hoàn còn tặng tôi 300 USD nhưng tôi đã gửi lại cho anh em đồng nghiệp ở Hà Nội.

* Hiện tại, chị sống ở Việt Nam ra sao?

- Năm 2007, tôi về Việt Nam đi hát thường xuyên từ sự bảo lãnh của phòng trà Tiếng Xưa. Như mọi người Việt, lá rụng về cội, tôi muốn được sống tại Việt Nam đến hơi thở cuối cùng. Hiện, tôi sống trong một khách sạn ở Q.10, TP.HCM. Cha mẹ tôi đã không còn, anh em thì ở quê Đồng Tháp, tôi có hai người con nhưng ít khăng khít vì các con sống như người Mỹ tự lập từ nhỏ.

 Hàng đêm, tôi đi hát ở các phòng trà We, Đồng Dao, Nam Quang, Không Tên... cũng đủ nuôi sống bản thân. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là đêm nào cũng được hát và có khán giả yêu quý mình, chính khán giả làm tôi bớt cô đơn.

* Và ở Việt Nam, chị có “huyền thoại” nằm trên sân khấu để biểu diễn, chị có thể nói về việc này?

- À, lúc đó tôi đi Cà Mau, khi bước chân xuống một chiếc xuồng bị trượt chân ngã, chấn thương ở lưng. Đến đêm diễn ở phòng trà Tiếng Xưa thì vết thương trở nặng không thể đứng được. Tôi không thể phụ lòng những người đã đến nghe mình hát, nên xin phép nằm và hát. Tôi hát một mạch hơn 20 bài. Ngay đêm đó, tôi được một số khán giả kết nghĩa anh em, tôi cảm ơn các anh em đã thương tôi.

Bùi Chí Vinh ứng khẩu thành thơ tặng Kim Anh

Trong đêm diễn tại TP.HCM vào Tết năm 1991, ca sĩ Kim Anh đã được nhà thơ Bùi Chí Vinh ứng khẩu tặng bài thơ Hoa muội sau khi nghe ca khúc Mùa Thu lá bay.

Bùi Chí Vinh cho biết: “Đêm ấy có rất nhiều lãnh đạo và văn nghệ sĩ tham dự. Ông Võ Văn Kiệt nghe Kim Anh hát xong, nói với tôi: Bùi Chí Vinh có bài thơ nào tặng ca sĩ Kim Anh không? Và tôi đã ứng khẩu bài thơ Hoa muội tặng Kim Anh tức thời. Đây là một kỷ niệm đẹp của chúng tôi”.

Hoa Muội

“Mùa Thu lá bay em đã đi rồi”

Nghe tiếng lòng tôi một bài hát cũ

Tôi không biết về mùa Thu Trung Hoa

Nhưng tôi biết là lá xanh vẫn ở

Lá vẫn ở nên tôi nghe em thở

Lá rung rinh nên tôi thấy em cười

Khi em bước vào mùa Thu thiếu phụ

Là lá vàng đã rơi ngập vườn tôi

“Em đã đi rồi”, tôi phải về thôi

Em đã sống một đời không cội rễ

Tôi trụi trần như một thân cây

Đâu biết lá gọi mùa nhanh chóng thế

Hãy là lá đậu cây tình tôi nhé

Ngắm vầng trăng đàn nguyệt ở trên đầu

Nếu “đất đá ong khô nhiều ngấn lệ”

Thà “sống trong lòng người đẹp Tô Châu”...

(Bùi Chí Vinh)

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link