01/04/2014 08:08 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn lại lịch sử Á vận hội Asiad kể từ khi ra đời đến nay, đã từng có tới 3 quốc gia sau khi được lựa chọn đăng cai đã xin rút vì những lý do khác nhau. Và hầu như cũng chưa có quốc gia chủ nhà nào tránh được chuyện bị đội kinh phí tổ chức sau khi kết thúc.
3 quốc gia từng xin hủy đăng cai Asiad
Đầu tiên phải kể đến chính là Hàn Quốc với Asiad năm 1970. Ngay sau khi được trao quyền đăng cai, giới truyền thông của đất nước xứ sở kim chi ở thời điểm đó đã ngay lập tức đưa ra nhận định về tình hình kinh tế khó khăn của Hàn Quốc và cho rằng nên trả lại quyền đăng cai.
Cuối cùng, ngày 30/4/1968, Ủy ban Olympic Hàn Quốc chính thức đưa ra thông báo xin rút quyền đăng cai Asiad 1970 với lý do không đảm bảo được an ninh, do khi đó tình hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến phức tạp.
Tại kỳ Asiad 8 năm sau đó, thậm chí có tới 2 quốc gia xin hủy quyền đăng cai. Năm 1972, Singapore vượt qua Nhật Bản trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Asiad 1978. Thế nhưng, ngay thời điểm đó, một số nhà lãnh đạo Singapore trong đó có Thủ tướng Lý Quang Diệu đã cho rằng không có ích lợi nào cho một quốc gia nhỏ bé như Singapore khi đăng cai Asiad.
Vì thế, vào đầu năm 1974, Ủy ban Olympic Singapore đã chính thức trả quyền đăng cai Asiad 1978 với lý do nền kinh tế Singapore đang gặp phải những vấn đề về mặt tài chính. Ngay sau đó, Islamabad, Thủ đô của Pakistan, được OCA lựa chọn là nơi diễn ra Á vận hội 1978.
Tuy nhiên, những cuộc xung đột vũ trang với Bangladesh và Ấn Độ ở thời điểm đó, cộng thêm tình hình suy thoái, lạm phát nghiêm trọng lan rộng, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu đã khiến cho Pakistan phải hủy bỏ kế hoạch đăng cai Asiad 1978 3 năm trước thời điểm khai mạc. Và một lần nữa, Thái Lan, quốc gia có kinh nghiệm nhiều lần tổ chức Á vận hội, lại đứng ra “đóng thế”.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á giàu kinh nghiệm nhất trong việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn của châu lục và thế giới như Asiad Seoul 1986, Olympic Seoul 1988, Asiad Busan 2002, World Cup 2002 (cùng với đồng chủ nhà Nhật Bản). Thế nhưng, việc tổ chức Asiad 17 đang buộc thành phố Incheon phải gánh chịu những áp lực tài chính nặng nề.
Theo ước tính, để tổ chức Asiad 2014, Hàn Quốc đã chi hết 1,62 tỉ USD, trong đó thành phố Incheon gánh 79% (khoảng 1,28 tỉ USD), 21% còn lại do chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng (được quyết toán sau Đại hội) mà “hứa hẹn” sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới.
Thực tế từ trước đến nay cho thấy quốc gia nào đăng cai Asiad cũng phải gánh chịu việc “đội giá” kinh phí tổ chức. Dự trù kinh phí tổ chức Asiad 1998 của Thái Lan chỉ có 80 triệu USD nhưng rồi cuối cùng “nhảy vọt” lên thành 600 triệu USD - tăng 7,5 lần. Hàn Quốc tổ chức Asiad Busan 2002 dự trù chỉ 167,4 triệu USD nhưng rồi đội lên thành 2,9 tỉ USD - tăng 17,3 lần.
Gần đây nhất, con số ban đầu mà Quảng Châu định bỏ ra tổ chức Asiad 2010 là 3 tỷ USD nhưng rồi đến khi quyết toán thành tới 19,7 tỷ USD - tăng 6,6 lần.
Chính vì thế, nhận định trên Korea Times, nhiều chuyên gia kinh tế Hàn Quốc tỏ ra hoài nghi về sự thành công của kỳ Á vận hội này, đặc biệt là về mặt tài chính. Ngay cả người dân Incheon khi được phỏng vấn trên Korea Times cũng cho rằng những sự kiện thể thao lớn như Asiad nên đưa về tổ chức ở Thủ đô Seoul – nơi mà điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông… tương đối sẵn sàng, thay vì đưa về tổ chức tại Incheon khiến thành phố này phải gánh thêm số nợ lớn do đầu tư quá nhiều hạng mục, trong khi các khoản nợ xây dựng hạ tầng giao thông trước đó vẫn chưa thanh toán hết.
Hương Thùy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất