Kuala Lumpur, biểu tượng của vẻ đẹp văn hóa Malaysia (Phần 1)
(Dulich - Thethaovanhoa.vn) - Malaysia là một trong những đất nước có nền văn hoá đa dạng phong phú nhất khu vực Đông Nam Á với sự pha trộn hoà quyện của vẻ đẹp hiện đại và truyền thống. Thủ đô Kuala Lumpur chính là điển hình cho nét đẹp đặc sắc này.
- AirAsia khuyến mãi vé giá rẻ đi Bangkok, Kuala Lumpur
- Đi chợ tại Kuala Lumpur - Một thú vui
- Không khí trung thu trên đường phố Kuala Lumpur, Malaysia
Trên chuyến bay từ Hà Nội đến Kuala Lumpur, tôi tình cờ ngồi cạnh hai bạn trẻ người Malaysia đến Việt Nam du lịch. Sau một hồi làm quen trò chuyện, tôi khá bất ngờ vì khả năng ngoại ngữ của hai bạn này vì các bạn có thể nói đến ba thứ tiếng. Nhưng sau khi nghe các bạn giải thích, tôi mới hiểu ra đó là chuyện thường thấy với các bạn trẻ ở đất nước này.
Ở Malaysia có tới 24% là người gốc Hoa, hơn 7% là người gốc Ấn, còn lại là người Malay. Các bạn của tôi là người gốc Hoa, nên tiếng mẹ đẻ là tiếng Trung Quốc, nhưng để được học ở các trường công thì các bạn phải học tiếng Bahasa Malaysia, còn tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông ở các trường học, công ty và thành phố lớn. Vậy nên đa số các bạn trẻ ở đây đều có thể thông thạo ít nhất ba ngôn ngữ là vì vậy.
Hai mẹ con người Ấn Độ trong đền thờ
Rời Hà Nội trong tiết trời se lạnh nhưng Kuala Lumpur đón tôi với bầu trời cao xanh vời vợi, nắng chói chang. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, tôi đón chuyến xe bus vào trung tâm thành phố. Sau quãng đường gần 30km đi qua những mảnh đất và rừng cọ ngút tầm mắt, tôi đến với KL Sentral - là bến xe trung tâm của Kuala Lumpur. Bước xuống xe, cảnh tượng hiện ra trước mắt làm tôi thật sự bất ngờ.
Toàn bộ sảnh chính của KL Sentral ngập tràn màu sắc rực rỡ của những chiếc khăn choàng đầu của các cô gái Malaysia, và mặc dù trời nắng nóng cực độ nhưng họ vẫn rất thoải mái vui vẻ trong những bộ quần áo trùm kín từ đầu đến chân, đó là những cô gái theo Hồi giáo hoặc Ấn Độ giáo.
Đây cũng là hình ảnh tôi thường thấy nhất trong suốt một tuần sau đó, và lúc nào tôi cũng tự hỏi mình là tại sao trời nóng như thế này mà họ vẫn có thể đi lại như vậy trong những bộ quần áo như vậy.
Đón tôi tại nhà ga LRT (tên gọi tàu điện ngầm ở Malaysia) là người bạn Couchsurfing cho tôi ở nhờ. Gia đình anh là người gốc Hoa, sống ở khu ngoại ô Kuala Lumpur.
Điểm đầu tiên tôi ghé thăm là toà tháp đôi Petronas nổi tiếng. Quả đúng như tôi tưởng tượng, đứng bên ngoài nhìn lên toà tháp đôi sừng sững, tôi vừa có cảm giác choáng ngợp vừa trầm trồ khen ngợi kiến trúc của toà tháp.
Tháp đôi Petronas dưới ánh đèn rực rỡ
Toà tháp đẹp nhất vào buổi tối nên ban ngày chúng tôi dành thời gian khám phá khuôn viên xung quanh với hồ nước, vòi phun nước đẹp mắt và công viên cây xanh rộng lớn. Hồ nước này cũng chính là địa điểm tổ chức nhạc nước mỗi buổi tối.
Đi vòng quanh công viên, ban đầu tôi rất ngạc nhiên vì nhiều người uống nước từ vòi nước công cộng. Thì ra nước máy ở Malaysia không thể uống trực tiếp được như ở Singapore, nhưng rất nhiều vòi nước công cộng ở các khu vui chơi giải trí đều cung cấp nước sạch để người dân và du khách có thể uống.
Bữa tối đầu tiên, tôi chọn Nasi Lemak là món cơm dừa truyền thống rất nổi tiếng của Malaysia. Quán tôi ăn là một quán bình dân ven đường, đĩa cơm dừa đơn giản với một ít cơm, trứng ốp la, một miếng thịt tẩm bột cari, ăn kèm đậu phộng (lạc), dưa chuột và nước sốt cari, trộn chung với nhau tạo thành vị ngon béo ngậy và cay cay bùi bùi.
Đĩa cơm gà Nasi Lemak
Ngay gần quán chúng tôi ăn là một đền thờ Ấn Độ giáo. May mắn cho chúng tôi, hôm ấy đúng vào dịp có lễ hội, nên chúng tôi được chứng kiến rất nhiều nghi thức đặc biệt.
Mặc dù là người ngoại đạo, chúng tôi vẫn được phép vào trong đền thờ (tất nhiên là phải bỏ giày dép ở ngoài), đi một vòng bên trong đền và sau đó được phát một đĩa thức ăn miễn phí.
Có một sảnh lớn ở trong đền nơi các tín đồ ngồi nghỉ ngơi và ăn uống. Tất cả đều ăn bốc bằng tay, đồ ăn thì toàn cari nên chúng tôi cũng hơi e ngại việc này, nhưng nhập gia tuỳ tục nên chúng tôi vẫn ngồi và bốc ăn như tất cả những người xung quanh. Anh bạn tôi tỏ ra rất thú vị và bảo tôi là nếu không đi với tôi chắc chẳng bao giờ anh ăn bốc như thế này.
Bên ngoài đền thờ có rất nhiều nghi lễ truyền thống khác diễn ra, trong đó nổi bật nhất là đập dừa. Tuy nhiên ở đây họ không dùng đầu để đập dừa, mà chỉ dùng các dụng cụ như gậy để đập vỡ quả dừa nhằm cầu may mắn.
Thấy tôi cầm máy ảnh lên, anh bạn tôi bảo những nơi như thế này không nên quay phim chụp ảnh, vì người dân họ rất kỵ việc này và có thể sẽ tịch thu máy hoặc làm tôi bị thương, nên tiếc là tôi không ghi lại được hình ảnh nào của những nghi lễ này.
Bài & Ảnh: Kaze Hoa
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần