Kỳ 1: Từ làng mộc Kim Bồng

27/07/2009 15:57 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) -  “Chỉ có thể khôi phục, gìn giữ và phát triển làng nghề khi việc đó gắn liền với sự no ấm của người làm nghề!” - câu nói của ông Hữu Sự, Bí thư Thành ủy Hội An đã phần nào lý giải được vì sao Hội An thành công trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, phát triển theo hướng nào thì gìn giữ được vốn cổ? Câu chuyện từ làng mộc Kim Bồng...

Từ phố cổ Hội An, muốn sang làng Kim Bồng phải đi đò. Làng ở bên kia sông Hoài, xã Cẩm Kim, một địa danh đã được Lê Quý Đôn nhắc đến trong Phủ biên tạp lục viết hồi thế kỷ 18. Sông Hoài không rộng, đò đi chỉ mất khoảng mười phút là tới bến. Trái với hình dung của tôi về ngôi làng truyền thống hơn 500 năm tuổi nức tiếng trong, ngoài nước, Kim Bồng giống như khu công nghiệp có nhà xưởng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm được xây dựng trên một khoảnh đất riêng được bê tông hóa. Cổng làng có ghi hàng chữ “Làng mộc Kim Bồng” sơn màu gỗ nhưng được làm bằng bê tông cốt thép nằm chơ vơ ở đầu mỏm sông, chẳng mấy người qua lại bởi đó chỉ là “cổng du lịch”, nghĩa là chỉ những chiếc thuyền được sơn phết cẩn thận, chuyên chở khách du lịch theo tour lữ hành mới cập vào cái cổng này, còn đò chở dân làng thì chỉ cập cái bến không có một chiếc cổng cụ thể nhưng vẫn được dân làng gọi là cổng làng...

Chuyện của nghệ nhân trẻ

Làng nghề vắng tanh, đâu đó vang lên tiếng đẽo gỗ. Các cửa hàng trưng bày đầy ắp tượng phật, đồ lưu niệm. Nếu tổng quan làng mộc đúng là khu quy hoạch này thì mộc Kim Bồng ngày nay dường như đã “trượt” ra khỏi diện mạo truyền thống vẫn được ghi lại trên các trang thông tin về nơi này. Truyền thống mộc Kim Bồng có ba nhóm nghề: mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, mộc dân dụng và đóng tàu thuyền, thợ cũng chỉ tay dùi tay đục, đi khắp nơi làm việc chứ không co cụm ở làng làm những món đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch.


Anh Huỳnh Sướng làm hoa văn cho chiếc mặt bàn gỗ

Chẳng mấy khó khăn, tôi tới ngay được xưởng mộc của gia đình nghệ nhân ưu tú Huỳnh Ri - truyền nhân đời thứ 12 của mộc Kim Bồng, cháu ruột cụ Huỳnh Kim Đài từng được vua nhà Nguyễn phong là Cửu phẩm tùng đội trưởng - người được coi là chịu trách nhiệm trùng tu hầu hết nhà cổ ở khu phố cổ Hội An! Ở khu làng nghề được quy hoạch với chưa đầy một chục nhà xưởng này, gia đình ông Huỳnh Ri có tới hai cơ sở mộc. Ông Huỳnh Ri đi vắng. Người hàng xóm của ông cho tôi biết ông đi Đà Nẵng từ sáng sớm, còn con trai ông ở xưởng thì sau vài cú điện thoại không thành đã kết luận: “Chẳng biết ông già đi đâu rồi!”. Nhưng bù lại, anh mau mắn tiếp chuyện. Người con trai này tên Huỳnh Sướng, là con thứ tư của nghệ nhân Huỳnh Ri và cũng là một trong hai người con còn nối nghiệp tổ tiên (nhà ông Huỳnh Ri có năm người con trai).



Những hoa văn mộc mạc đặc trưng
Kim  Bồng
Tôi mở đầu bằng một nghi vấn: “Nghe nói cha anh là người đã trùng tu hầu hết nhà cổ ở Hội An?” và được ngay một câu phủ định có kèm giải thích: “Không phải đâu! Cha con tôi chỉ được trùng tu những ngôi nhà khó trùng tu quá hoặc những công trình mang tính nghệ thuật cao như đình, chùa thôi, còn nhà cổ thì nhà thầu người ta không mời!”. “Thế thì ai là người được mời?”. Anh trả lời: “Thợ ở Huế, ở Bắc!” Và câu chuyện của chúng tôi cứ thế đi về cái mạch trùng tu nhà cổ. Anh Huỳnh Sướng nói một mạch, vẻ như mọi thứ từ lâu đã chất chứa: “Vấn đề là cơ chế thị trường. Bây giờ việc xây dựng hay trùng tu cũng đều phải có nhà thầu, bên A bên B, thế nên chuyện có hay không nhận được công trình cũng không phụ thuộc vào vấn đề nghệ nhân hay không. Đến cái đình Tiền Hiền thờ ông Tổ làng nghề này khi trùng tu lần đầu tiên người ta cũng không mời nghệ nhân Kim Bồng.

Năm nay đình được trùng tu tiếp, trúng thầu là một công ty của người làng Kim Bồng nên chúng tôi được làm nhưng kỳ thực phần phục dựng về gỗ cũng không nhiều, vì phần chính đã được trùng tu từ lần trước rồi”. Tôi hỏi: “Nhưng việc đó có ảnh hưởng gì đến nhà cổ không ngoài chuyện gia đình anh bớt đi việc làm?”. Anh bức xúc: “Ảnh hưởng nhiều chứ, thợ không phải người Hội An thì chỉ làm cho xong việc để lấy được tiền công, họ đâu có trăn trở với việc gìn giữ của gia truyền? Hơn nữa, quan trọng là phong cách chạm trổ của thợ ở mỗi vùng rất khác nhau. Chẳng hạn, thợ ở Huế thì làm những hoa văn rất sắc, nếu làm rồng thì là rồng quắc thước, uy nghiêm, miệng ngắn, mặt xương, nanh vuốt dữ bởi Huế là đất kinh thành, thường làm đồ cho cung đình. Còn thợ Kim Bồng làm những hoa văn rất hiền lành, nếu là rồng thì mặt cũng tròn và phúc hậu. Mộc Kim Bồng nổi tiếng vì có phong cách thể hiện sự dung hòa giữa phong cách làm mộc của Nhật, Hoa, Việt và Pháp sau này, không ảnh hưởng phong cách mộc dành cho vua chúa, đồ mộc Kim Bồng đưa cành hoa, tre trúc, con trâu... lên các tác phẩm trang trí. Đó là phong cách dân dã và có tính tín ngưỡng”.

Anh chỉ cho tôi tất cả những chi tiết hoa văn tạo nên phong cách mộc Kim Bồng trên những món đồ mà xưởng mộc của anh làm ra rồi tiếp tục câu chuyện trùng tu nhà cổ. Anh hỏi tôi có chú ý đến những cái mắt cửa trước các căn nhà cổ trong phố Hội không, rồi giải thích: “Mắt cửa là đặc điểm nổi bật của nhà cổ Hội An. Hai con mắt đó thực chất là cái đà cửa (giống như cái chốt nhưng đặt ở trên cao), nhưng người xưa đã sáng tạo nó thành đôi mắt để ngụ ý căn nhà được trông giữ - đó là tín ngưỡng - và biến cải nó thành đôi mắt mà có hình bông hoa. Mắt cửa thường chỉ có ở cửa chính nhưng nếu không hiểu người ta sẽ đặt thêm nhiều đôi mắt ở những cái cửa khác trong nhà... Trùng tu là phải giữ được cái hồn nhưng giờ người ta thấy khó làm quá thì đem phá đi rồi làm cái mới và làm cho cái mới cũ đi theo kiểu giả cổ, như thế người bình thường có thể không nhận thấy nhưng người trong nghề nhìn là biết ngay”. Anh Huỳnh Sướng cho biết năm 1992, anh từng bỏ quê vào Sài Gòn làm nghề mộc và kiếm được 200.000đ mỗi ngày, một mức lương khá cao ở thời điểm đó, nhưng vì thấy mình còn nặng nợ với nghề gia truyền, anh quay về, cùng cha và người anh thứ hai mở xưởng. Hiện nay, thu nhập của xưởng nhà anh là từ việc gia công, bán sản phẩm gia dụng như bàn ghế, giường tủ và các đồ trang trí, tượng chứ từ làm mộc xây dựng, kiến trúc hay trùng tu nhà cổ không đáng kể... Lợi nhuận thu được là khoảng 200 triệu một năm, anh khẳng định: “Nếu không vì muốn bảo tồn nghề gia truyền, chúng tôi đi làm đồ công nghiệp theo catelogue của Đài Loan, Trung Quốc như các làng mộc ngoài Bắc họ vẫn làm thì thu nhập có khi gấp bội lần bây giờ. Nhưng không làm thế được, mình phải làm cái của mình, cái có bản sắc chứ không thể gia công, nếu gia công thì còn gọi gì là làng nghề?”...

Đón đọc Kỳ 2: Chuyện của nghệ nhân già

Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam. Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.


Bài và ảnh: Dương Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link