Những biểu tượng văn hóa truyền thống như Hồ Gươm, Hoàng Thành – Thăng Long, hay Văn Miếu – Quốc Tử Giám... không chỉ đại diện cho lịch sử, mà còn là nguồn cảm hứng tinh thần cho những thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, để Hà Nội thực sự vươn mình trở thành một trung tâm văn hóa toàn cầu, có ý kiến cho rằng Hà Nội cần có thêm những biểu tượng văn hóa mới, thể hiện sự hiện đại và sáng tạo.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của ông Sơn, việc xây dựng các biểu tượng mới không chỉ dừng lại ở kiến trúc mà còn bao gồm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có tính sáng tạo cao. Chẳng hạn, các Lễ hội đường phố, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, những sân chơi nghệ thuật dành cho giới trẻ, các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa đều có thể tạo nên sức sống mới cho văn hóa Hà Nội. Những sự kiện, hoạt động này, nếu trở thành biểu tượng văn hóa mới, sẽ là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, là minh chứng cho một Hà Nội luôn biết cách làm mới mình, nhưng vẫn luôn giữ vững gốc rễ văn hóa truyền thống.
"Tôi tin rằng, khi chúng ta kết hợp hài hòa giữa những giá trị truyền thống và những sáng tạo mới, Hà Nội sẽ không chỉ là một Thủ đô giàu bản sắc, mà còn là biểu tượng của sự phát triển văn hóa bền vững, kết nối giữa tinh hoa dân tộc và tinh hoa nhân loại" – ông Sơn nhấn mạnh.
Ý tưởng xây dựng những biểu tượng văn hóa mới cho Hà Nội thông qua các sự kiện văn hóa lớn là vô cùng quan trọng và rất đáng hoan nghênh. Bởi điều này không chỉ tạo ra các hoạt động văn hóa mang tầm vóc quốc tế, mà còn góp phần xây dựng một "thương hiệu văn hóa" riêng biệt cho Hà Nội, giúp Thủ đô vươn xa hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Những sự kiện đó không chỉ là nền tảng để quảng bá văn hóa, nghệ thuật mà còn có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua công nghiệp văn hóa đầy triển vọng.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc xây dựng và duy trì những sự kiện văn hóa này không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi không chỉ sự đầu tư về tài chính mà còn là sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách của Nhà nước và sự đồng lòng của cộng đồng. Hà Nội cần có chiến lược dài hạn để hỗ trợ phát triển các sự kiện văn hóa mang tính quốc tế như vậy, từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và quảng bá.
Thực tế, như ông Sơn đã kể ra ở trên, trong nhiều năm qua, nhất là sau khi được công nhận là "Thành phố sáng tạo", Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tạo nên bức tranh sinh động trong việc phát triển công nghiệp văn hoá.
Có thể dễ dàng liệt kê những chương trình, lễ hội có tiếng như:
- Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIFF);
- Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Hà Nội;
- Triển lãm mỹ thuật quốc tế Hanoi March Connecting;
- Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội;
- Lễ hội Singapore:
- Lễ hội văn hóa Hàn Quốc;
- Lễ hội văn hóa - ẩm thực Pháp:
- Lễ hội Đức:
- Lễ hội đường phố Hà Nội:
- Lễ hội ánh sáng:
- Lễ hội Nghệ thuật dân gian đương đại;
- Lễ hội thiết kế sáng tạo RMIT;
- Chương trình Tinh hoa Bắc Bộ.
Đó là chưa kể đến hàng chục những sự kiện khác như: Hội chữ Xuân, Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội, Lễ hội áo dài, Hội sách Hà Nội… và đặc biệt không thể không nhắc đến Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival).
Sở dĩ người viết nhấn mạnh đến Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa là bởi: qua 5 lần tổ chức, Lễ hội này đã chứng minh được giá trị, làm nên thương hiệu "Thành phố sáng tạo" và có thể nói đã trở thành một biểu tượng văn hóa mới của Hà Nội trong lĩnh vực âm nhạc. Chỉ cần đưa ra con số thống kê dưới đây cũng đủ thấy Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa xứng đáng được Bộ VH,TT&DL tôn vinh là sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2014 và được báo giới bình chọn giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cho hạng mục Chương trình của năm và Chuỗi chương trình của năm trong 2 mùa giải liên tiếp (2014 và 2015).
Được chuẩn bị, lên kế hoạch trước cả năm trời và phi lợi nhuận, nhưng Lễ hội đã trở thành nơi gặp gỡ, giao thoa âm nhạc, văn hóa Việt Nam và thế giới. Và, với sự tâm huyết, sáng tạo và đổi mới không ngừng, những người tổ chức Lễ hội âm nhạc Quốc tế Gió mùa – mà nòng cốt chính là nhạc sĩ Quốc Trung đã "định vị thương hiệu văn hóa" trên bản đồ các lễ hội âm nhạc quốc tế và là thành viên chính thức của Music Connet Asia - tổ chức liên kết các lễ hội âm nhạc lớn ở châu Á để thúc đẩy sự trao đổi, giao lưu âm nhạc, nghệ thuật giữa các nước trong khu vực. Đó như một cột mốc đánh dấu sự "trưởng thành", lớn mạnh của Lễ hội âm nhạc quốc tế thường niên lớn nhất tại Hà Nội những năm qua.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa do nhạc sĩ Quốc Trung khởi xướng là một ví dụ rõ nét về cách chúng ta có thể biến một sự kiện văn hóa thành thương hiệu văn hóa cho Hà Nội. "Tôi nghĩ, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa không chỉ là một sự kiện âm nhạc đơn thuần, mà còn là nơi giao lưu của các nghệ sĩ quốc tế và trong nước, thể hiện sự kết hợp giữa văn hóa đương đại và truyền thống. Những nỗ lực xây dựng thương hiệu cho Lễ hội này là minh chứng cho khát vọng tạo ra một lễ hội mang tầm quốc tế, đóng góp cho hình ảnh của Hà Nội như một trung tâm văn hóa sáng tạo" – ông Sơn nói.
Huy Thông – Quỳnh Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất