Có ý kiến cho rằng, biểu tượng văn hóa được xem như "dấu vân tay văn hóa" của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nếu vậy, ở phạm vi một thành phố như Hà Nội thì số "vân tay văn hóa" ấy là rất nhiều.
Vậy để có thêm những "dấu vân tay văn hóa mới" cho Hà Nội thì biểu tượng ấy sẽ là gì?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho biết nếu được "hiến kế" cho Hà Nội trong việc xây dựng biểu tượng văn hóa mới, ông sẽ đề xuất một ý tưởng mang tính kết nối sâu sắc giữa truyền thống và hiện đại, giữa con người và thiên nhiên. Đó là Công viên văn hóa và sáng tạo Sông Hồng.
Theo ông, ý tưởng này sẽ biến bãi giữa sông Hồng trở thành một không gian công cộng đa chức năng, kết hợp giữa di sản văn hóa, thiên nhiên và sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ là một địa điểm mang giá trị lịch sử, công viên sẽ là nơi giao thoa của các nền văn hóa, nơi các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và người dân cùng góp phần tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô.
Công viên sẽ dành riêng cho các nghệ sĩ đương đại, nơi họ có thể:
- Biểu diễn nghệ thuật công cộng;
- Trưng bày tác phẩm sáng tạo;
- Tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế...
Các không gian sáng tạo này sẽ phản ánh sự hội nhập của Hà Nội với thế giới, mang lại sức sống mới và sự kết nối với nền nghệ thuật toàn cầu. Đồng thời, công viên sẽ là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa cho thanh thiếu niên, tạo ra những không gian mở để thế hệ trẻ tiếp cận và học hỏi về di sản văn hóa, cũng như khám phá tiềm năng sáng tạo của bản thân. Đồng thời, đây cũng sẽ là điểm đến cho các hoạt động cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của mọi người trong việc xây dựng và bảo vệ biểu tượng văn hóa mới.
"Với ý tưởng này, công viên sẽ là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội – một thành phố năng động, sáng tạo, giàu bản sắc và không ngừng đổi mới. Hà Nội sẽ không chỉ gìn giữ những giá trị của lịch sử ngàn năm, mà còn tạo dựng được những dấu ấn văn hóa mới, khẳng định tầm vóc và vị thế của mình trên trường quốc tế" – ông Sơn nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm: "Những biểu tượng văn hóa ở mỗi thời kỳ đều để lại dấu ấn. Ở thời đại mới đó là những hiện tượng mới, dấu hiệu mới nếu nó thực sự mang lại hiệu quả căn bản cho Hà Nội. Đó có thể là một công trình kiến trúc, một tác phẩm, một gương mặt… Điều quan trọng là người dân có thừa nhận hay không mà thôi. Và mỗi thế hệ lại có sự thừa nhận khác nhau. Ông lấy ví dụ, xưa kia, xe điện là một biểu tượng của Hà Nội mặc dù so với tàu điện bây giờ nó không hiện đại bằng.
Nhìn rộng hơn, ông Quốc lấy ví dụ về ngọn núi Phú Sĩ – một biểu tượng luôn gắn với hình ảnh đất nước, con người Nhật Bản hay dãy núi Alps luôn gắn với hình ảnh của 8 quốc gia châu Âu mà nó bao quanh, từ đó ông cho rằng, nếu xây dựng biểu tượng văn hóa mới cho Hà Nội, ông chọn núi Tản – Sông Đà, qua đó thể hiện sự quyết tâm của chúng ta trong việc biến Hà Nội mở rộng thành động lực phát triển, khai thác được những giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó có cả giá trị về tâm linh, có cả giá trị về lịch sử. Tuy nhiên, như ông nói, mong muốn ấy có thành hiện thực hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của cộng đồng chứ không của riêng ai.
GS-TS-KTS Doãn Minh Khôi (Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị - ĐH Xây dựng) - một người con Hà Nội, một KTS tài hoa của Thủ đô cho rằng, phương án phát triển trục sông Hồng với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô là một thách thức lớn trong việc nghiên cứu và quy hoạch.
"Sông Hồng là một không gian mở, chảy qua rất nhiều địa phương nên rất đa dạng về văn hóa. Tất nhiên, nó có một khúc lắng đọng ở Hà Nội và lan tỏa theo dòng chảy. Phát triển sông Hồng trở thành "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô là một ý tưởng hay, nhưng còn cần phải nghiên cứu thêm" – GS-TS-KTS Doãn Minh Khôi.
Trả lời câu hỏi: Nếu được "hiến kế" cho Hà Nội trong việc xây dựng biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô, ý tưởng của ông sẽ là gì, GS-TS-KTS Doãn Minh Khôi cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng những biểu tượng văn hóa mới bằng các hoạt động văn hóa quy mô, chất lượng. "Tôi mong muốn Hà Nội có những sự kiện biểu diễn thời trang quốc tế" - ông Khôi hào hứng. "Vì thời trang của Việt Nam tôi thấy rất đặc biệt, trong đó có áo dài, những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc và tài năng của các nhà thiết kế Việt Nam cũng không kém cạnh so với quốc tế.
***
Nhìn chung, Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là vị trí địa lý và hệ thống di sản văn hóa. Vấn đề còn lại là, Hà Nội cần phải tối ưu hóa các nguồn lực này để phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa và gia tăng giá trị kinh tế từ văn hóa.
Như kết luận của GS-TS Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) trong tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu" tổ chức ngày 7/10/2024 tại Hà Nội: "Một khi đã xác định được vai trò của văn hóa, coi trọng văn hóa và luôn thấy nó ở mọi khía cạnh của cuộc sống thì ắt sẽ có những nhìn nhận phù hợp cho sự phát triển, một sự phát triển có văn hóa. Trong bối cảnh Hà Nội mới làng sẽ dần mai một, dân số tăng nhanh, và nhiều khu phố mới sẽ xuất hiện, có văn hóa làng, có văn hóa phố. Hà Nội mở rộng sẽ có phố trong làng và làng trong phố theo đó là những hoạt động văn hóa mới xuất hiện, chưa được định hình, hoàn thiện. Văn hóa truyền thống vừa có sự mai một, vừa tiếp tục được duy trì, tuy nhiên nó sẽ không dừng lại như cũ, vì trong bối cảnh mới, không gian mới. Nắm bắt trước được những xu thế ấy để có tâm thế, có sự chuẩn bị sẽ có những ứng xử thích hợp với những thách thức đặt ra mà đưa ra những quy hoạch thích hợp đưa văn hóa Hà Nội phát triển".
Huy Thông – Quỳnh Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất