Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Việt Nam có những con đường đắt nhất hành tinh là tại công tác quy hoạch chậm

27/05/2019 19:42 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 27/5, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, đó là tình trạng người Việt Nam đứng tên mua nhà nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài và tiêu cực, lợi ích nhóm trong đấu thầu đất.

Minh bạch thông tin đất đai

Quan tâm đến vấn đề minh bạch trong đấu giá, đấu thầu, định giá, lợi ích nhóm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chỉ ra rằng “trăm nẻo đường đấu giá và định giá thất thoát ở đây”. Có câu chuyện các doanh nghiệp núp bóng để can thiệp chuyện đấu giá.

Chỉ ra thực tiễn xử lý vi phạm pháp luật đất đai thời gian qua nổi lên vấn đề Vũ nhôm và Út trọc thâu tóm đất công, chuyển nhượng trái phép, một số lãnh đạo ngành công an và quân đội cũng đã và đang bị xem xét kỷ luật, kể cả một số cán bộ cấp cao và tướng lĩnh, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, đây là một hiện tượng nghiêm trọng, gây bức xúc cho xã hội, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xử lý nghiêm minh những người có liên quan, bất kể người đó là ai. Các cơ quan tư pháp cũng phải xử lý nghiêm minh, sớm thu lại tài sản công đã bị lợi dụng chiếm đoạt thời gian qua.

Chú thích ảnh
Tuyến đường nối từ giao với ngã tư Lò Đúc – Trần Khát Chân đến điểm giao với đê Nguyễn Khoái. Tổng mức đầu tư của tuyến đường này được cho là lập kỷ lục "đường đắt nhất hành tinh" với con số thực tế lên đến 1.139 tỷ đồng

Còn đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị, Quốc hội nên có chuyên đề giám sát về việc sử dụng đất quốc phòng và vùng đất liền kề với các khu vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ quốc phòng, an ninh sang mục đích khác vì đây là khu vực có nhiều vấn đề cần làm rõ. Tránh hiện tượng lợi dụng danh nghĩa quốc phòng, an ninh để trục lợi, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cản trở sự phát triển của cả vùng.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), thông tin về đất đai cần được rõ ràng, minh bạch hơn, thuận lợi hơn cho người dân biết để giảm bớt tiêu cực, lợi ích nhóm. Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế để xử lý việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, thuê đất cho người nước ngoài, đặc biệt, là ở khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh. Cần có hoạt động điều tra trên cả nước về vấn đề này và tổ chức thực hiện thật nghiêm túc.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát thống kê đầy đủ quỹ đất của Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân để theo dõi, quản lý chặt chẽ, khắc phục tình trạng sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho mượn đất sai quy định. Tập trung xử lý có hiệu quả các vụ việc vi phạm gây bức xúc dư luận liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị như: Dự án 8B Lê Trực (Hà Nội), dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh). Kiên quyết không để tiếp tục xảy ra tình trạng thẩm định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, cấp, chuyển quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư định giá đất thiếu tính cạnh tranh, tùy tiện, sai quy định như thời gian qua.

Chú thích ảnh
Dự án 8B Lê Trực (Hà Nội)

Giám sát việc thực hiện quy hoạch

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Sau cuộc giám sát này, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật về quy hoạch quản lý và sử dụng đất đô thị. Đặc biệt là phân loại đất đô thị, sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị.

“Việc thu hồi đất ở 2 bên đường và khu vực lân cận khi Việt Nam thực hiện các dự án giao thông đô thị hoặc các dự án phát triển đô thị, cũng sẽ có một số quy định mới để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn mới phát sinh”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, để hạn chế tình trạng điều chỉnh quy hoạch đô thị tùy tiện, vừa qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu để Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua một nội dung trong Luật sửa đổi 37 luật liên quan tới quy hoạch, trong đó có 2 ý rất quan trọng là việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo trình tự, thủ tục đúng như việc lập quy hoạch và bãi bỏ giấy phép về quy hoạch.

“Trước đây, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chưa có quy hoạch chi tiết, thường có một giấy phép quy hoạch để cấp cho các dự án đầu tư để bảo đảm yêu cầu phát triển, đó là một ý tốt nhưng cũng có nhược điểm là trong thực tiễn, có sự vận dụng tùy tiện khi cấp giấy phép quy hoạch và làm bất cập, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống quy hoạch. Vì thế, trong 37 luật thì cũng đã sửa đổi, bỏ giấy phép quy hoạch này".

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, để tăng tính minh bạch cho công tác quy hoạch, trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành việc lập Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị để người dân có thể tra cứu, nắm bắt được thông tin, đồng thời, là công cụ để giám sát việc thực hiện quy hoạch và hạn chế việc lấy quy hoạch đô thị là công cụ để tạo ra những lợi ích nhóm. 

Kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư

Thẳng thắn chỉ ra thực tế là công tác lập quy hoạch một số nơi còn chậm so với yêu cầu phát triển, dẫn đến khi có yêu cầu quy hoạch rồi lại phải điều chỉnh dự án, ảnh hưởng đến nhà đầu tư, đồng thời phải bồi thường giải phóng mặt bằng lớn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu “có những con đường của Việt Nam là những con đường đắt nhất hành tinh, điều này thấy rõ là tại công tác quy hoạch chậm”. Theo Phó Thủ tướng, việc đầu tư phát triển đô thị (trong đó có phát triển các đô thị, nhà ở, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ…) mới chỉ tuân thủ quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch đã dẫn đến đầu tư phát triển theo phong trào ở nhiều nơi, không phù hợp với nhu cầu và khả năng cung cấp nguồn lực làm lệch pha cung cầu, dư thừa sản phẩm bất động sản, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, làm lãng phí nguồn lực Nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều dự án treo, đất bỏ hoang.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nói chung và phát triển đô thị nói riêng. Chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính kế hoạch và phát triển phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của từng thời kỳ, đảm bảo đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn theo quy định. Công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết tham gia giám sát. Tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, có kế hoạch.

Các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, căn cứ vào nhu cầu của xã hội, yêu cầu phát triển và khả năng đáp ứng của nguồn lực nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo. Phải lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, không có kế hoạch. Kiểm soát đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật. Xây dựng cơ chế kiểm soát việc xác định giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, tránh thiệt hại cho Nhà nước.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link