Kỳ lạ cây cổ thụ đa - gạo “hợp nhất”

30/04/2012 17:24 GMT+7 | Thế giới


Một cây đa, một cây gạo cổ thụ cùng xoắn vào nhau, bám cành vào nhau, đan xen như một thể thống nhất.

Nếu chỉ nhìn vào khối gốc thì người ta đều lầm tưởng chỉ có một cây cổ thụ ở đó. Cụm cây đa - cây gạo cổ thụ đặc biệt này vừa được vinh danh là Cây di sản Việt Nam.



Cụm cây đa - cây gạo cổ thụ đặc biệt này vừa được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Ảnh:TG

Huyền thoại cây đa, cây gạo miếu Nghè

Nằm cách Hà Nội gần 100 km, cụm cây cổ thụ đa - gạo quý hiếm nằm trên địa phận làng Lưỡng Quán, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nơi đây cũng chính là vùng đất gắn liền với kinh đô Phong Châu cổ xưa, gắn liền với lịch sử những ngày đầu dựng nước của Vua Hùng. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một nền văn hóa Việt cổ đồ sộ tại di chỉ Đồng Đậu - Gò Mun (huyện Yên Lạc).

Đây cũng chính là di chỉ khảo cổ học lớn nhất nước. Nằm ngay trên vùng đất thiêng cổ xưa nên sự hợp nhất của hai cây cổ thụ đa - gạo càng thêm nhuốm màu huyền bí. Những người khách phương xa khi đến thăm di tích đều hết sức ngạc nhiên bởi kỳ quan đa - gạo gắn kết thành một cụm cây khổng lồ. Hai gốc cây gạo tổ nằm gọn phía trong, được bao quanh bởi những gốc đa khổng lồ.
 
Thậm chí, một nhánh cây gạo tổ còn bám chặt vào gốc đa, tạo thành một cây thống nhất. Cây đa, cây gạo cổ thụ khổng lồ trở thành bức tượng đài thiên nhiên, cùng nhau che bóng mát cho dân làng. Nhưng ngay cả các cụ bô lão trong làng cũng không biết cây có tự bao giờ, chỉ nghe cha ông xưa bảo cây đã có từ lâu lắm rồi. Người ta cũng không lý giải được vì sao hai cây đa, cây gạo - vốn theo tục xưa cây đa được trồng ở đầu làng, cây gạo trồng ở cuối làng để phân chia ranh giới giữa hai làng - giờ lại có thể hợp nhất thành khối cổ thụ lớn như vậy.

Những lời đồn thổi về sự linh thiêng, ứng nghiệm của miếu Nghè cùng cây đa, cây gạo cổ thụ cũng vì thế mà ngày càng lan xa. Trên con đường đê ngoằn ngoèo bụi đỏ dẫn tới miếu Nghè, từng đoàn khách thập phương tấp nập đến nơi đây khấn vái, cầu xin phúc lộc và điều lành. Câu chuyện về cây cổ thụ linh thiêng ở miếu Nghè cùng con trăn khổng lồ như câu chuyện bí ẩn truyền từ đời này sang đời khác.

Chị Bùi Thị Nga (xã Trung Kiên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) hiện ở ngôi nhà ngay đầu lối dẫn vào miếu Nghè kể: "Nghe các cụ già kể lại thì từ xưa, ở cây trong miếu đã có những con rắn lớn. Không ai dám động vào cả. Cách đây hơn chục năm nơi đây còn là bờ mương hoang vắng, ít người qua lại. Chỉ duy nhất có vài ba gia đình mua đất xây nhà ở gần miếu. Một người hàng xóm nhà tôi, cách đây hơn chục năm trước xách xô sang xin nước bên Miếu thì nhìn thấy con trăn lớn nằm trong góc miếu".

Người dân nơi đây còn truyền tai nhau nhiều câu chuyện đầy màu sắc liêu trai, bí ẩn.



Trải qua hàng trăm năm mưa gió, bom đạn chiến tranh, cây vẫn hiên ngang đầy sức sống.

Cây cổ thụ gần 300 năm

Cụm cây Đa - cây Gạo miếu Nghè làng Lưỡng Quán có chu vi xấp xỉ 11 mét, đường kính gần 4 mét, chiều cao cây lên tới 38 mét, chu vi tán cây lên tới gần 200 mét.

Gốc đa cổ thụ lớn bao quanh hai gốc cây gạo ở giữa. Tán lá rộng lớn của hai cây cổ thụ rợp bóng cả một vùng cánh đồng xanh mướt. Người dân nơi đây vẫn thường gọi cây gạo ở miếu là cây gạo tổ, nhưng qua năm tháng bây giờ chỉ có một gốc gạo vươn lên sừng sững, vượt qua cả ngọn đa tạo thành một khối hợp thể độc đáo trên bầu trời. Gốc gạo tổ khổng lồ còn lại thì chẳng hiểu vì sao chỉ cao chừng hơn chục mét rồi bám chặt vào cây đa thành một khối thống nhất. Cũng chẳng hiểu do thổ nhưỡng hay do khí trời nơi vùng đất thiêng xưa mà cây đa, cây gạo nơi đây có sức sống vô cùng mãnh liệt.
 
Một loạt cây đa cổ thụ nổi tiếng ở các vùng đất khác như cây đa Đình Bảng, cây đa Thổ Hà hay cây đa ở thành Cổ Loa xưa đều đã bị bật gốc hoặc bom đạn chiến tranh tàn phá. Nhưng cây đa, cây gạo cổ thụ ở Yên lạc trải qua hàng trăm năm mưa gió bão bùng, bom đạn khói lửa của chiến tranh vẫn hiên ngang đầy sức sống.

Chị Nguyễn Thị Yến (Yên Phương, Yên Lạc) kể rằng: "Qua bao trận mưa bão lớn mà cành cây không bao giờ thấy bị quật gãy, chỉ thi thoảng có cành đa lâu ngày bị mục mới tự gãy xuống. Trong những năm chiến tranh, giặc tàn phá nhiều nơi, nhưng cây đa cây gạo cổ thụ vẫn còn nguyên vẹn. Tôi cũng chưa bao giờ thấy cây bị sâu bệnh. Vào mùa này, hoa gạo rụng đỏ rực cả sân miếu trông như một tấm thảm hoa rất đẹp, nhưng cũng chẳng ai dám ra đó nhặt, chỉ có các bà từ trông miếu ngày ngày loẹt xoẹt chổi tre vun lá rụng, hoa rơi thành những đống lớn ở góc sân".

Cụm cây cổ thụ có niên đại gần 3 thế kỷ này nằm trong quần thể cụm di tích lịch sử văn hoá đình chùa, miếu làng Lưỡng Quán trước đây đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá của tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây còn như một nhân chứng lịch sử cho những năm tháng hoạt động cách mạng hào hùng của nhân dân. Đó là những năm 40 của thế kỷ trước, khu vực quanh gốc cây cổ thụ chính là điểm hẹn của các cán bộ Việt Minh do đồng chí Đinh Đức Thiện - Xứ ủy Bắc kỳ lãnh đạo và hoạt động. Đây cũng là nơi xưa kia Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Trung Kiên thường tổ chức họp.

Cây di sản với nguồn gene quý hiếm

Cụm cây Đa - Gạo cổ thụ ở miếu Nghè, làng Lưỡng Quán là cây đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. Trưởng ban quản lý di tích, ông Doãn Văn Tạo cho biết: "Ban Quản lý cụm di tích lịch sử văn hóa làng Lưỡng Quán vừa tổ chức nhận bằng vinh danh Cây di sản theo nghi lễ văn hóa truyền thống địa phương. Xưa kia, khi cha ông xây miếu và trồng cây để thờ vong ngài Tiến sỹ, thì đây là lần đầu tiên làng Lưỡng Quán tổ chức ngày hội để đón tiếp đoàn cán bộ khoa học cũng do Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam dẫn đầu để vinh danh cụm cây đa- cây gạo là cây di sản Việt Nam. Điều này như một nhân duyên".

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng, việc lựa chọn và vinh danh cụm cây Đa - cây Gạo miếu Nghè, làng Lưỡng Quán, xã Trung Kiên là Cây Di sản của Việt Nam không chỉ nhằm trực tiếp bảo tồn nguồn gene tiêu biểu của Việt Nam, bảo vệ sự đa dạng sinh học mà còn giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với các nhà khoa học, với bạn bè thế giới.
 
Đồng thời còn góp phần nâng cao ý thức tôn trọng lịch sử tín ngưỡng, tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng. Cụm cây Đa - Gạo cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của nhân dân địa phương, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với tất cả mọi người. Không chỉ là thể hiện sự trân trọng và biết ơn đối với các bậc cha ông, mà đồng thời cũng khơi dậy sức mạnh của cộng đồng, cùng nhau gìn giữ những di sản vô giá này cho con cháu mai sau.
 

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT VN, Chủ tịch Hội đồng CDS Việt Nam: "Nếu như phong tục ngày xưa thì nơi đây là mốc giới phân chia giữa 2 làng (trồng cây đa ở đầu làng và cây gạo ở cuối làng) Nhưng vượt qua thời gian và như có phép lạ: cụm Đa - Gạo này đã quấn quýt với nhau và cùng nhau che bóng mát cho dân làng và mời gọi chim chóc, côn trùng trong vùng về tụ hội. Cụm cây này đã trở thành bức tượng đài thiên nhiên do các bậc tiền nhân đã dựng lên, trong đó chứa đựng những thông điệp rất rõ ràng cho hậu thế, về sự đoàn kết, tu dưỡng đạo đức và ý thức bảo vệ môi trường".


Theo GDVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link