24/07/2015 12:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Xiao Yuan (57 tuổi), giám tuyển một phòng trưng bày tại Học viện Mỹ thuật Quảng Châu (Trung Quốc) vừa bị cáo buộc đánh cắp 143 bức tranh của các bậc thầy hội họa và thay bằng tranh giả tự vẽ. Tuy nhiên vụ việc còn có nhiều tình tiết kỳ lạ hơn thế.
Trong số các kiệt tác hội họa bị Xiao Yuan đánh cắp có nhiều bức tranh phong cảnh và thư họa của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất Trung Quốc, trong đó có bức Những tảng đá và những con chim của Bát Đại Sơn Nhân (1626-1705), ước tính trị giá khoảng 45 triệu NDT (7,3 triệu USD).
Trộm tranh để mua tranh
Tại Tòa án Nhân dân Quảng Châu, Xiao Yuan biện hộ rằng hành vi trộm cắp và vẽ tranh giả của ông Xiao xuất phát từ thực tế việc vẽ tranh giả và trộm tranh này đã có từ trước tại phòng trưng bày và nó vẫn diễn ra ngay cả sau khi tranh thật đã bị đánh tráo.
Xiao cho biết ông ta phát hiện nhiều bức tranh giả của mình bị thay thế bằng những bức tranh khác vẽ vô cùng cẩu thả. “Tôi nhận ra ai đó đã thay tranh của tôi bằng tranh của họ, vì tôi thấy những bức vẽ của họ rất xấu” – Xiao nói.
Tại tòa, Xiao nhận tội, xin lỗi Học viện Mỹ thuật Quảng Châu, các đồng nghiệp và gia đình, đồng thời cảm thấy rất ân hận về hành vi tội ác của mình. Xiao cho biết, ông ta chấm dứt hành vi đánh cắp tranh khi chúng được chuyển tới một phòng trưng bày khác.
Xiao khai rằng, từ năm 2004 đến năm 2011, ông ta đã bán 125 bức tranh lấy cắp được. với giá hơn 34 triệu NDT (5,4 triệu USD) cho chi nhánh của hãng đấu giá China Guardian. Đây là một trong những hãng đấu giá hàng đầu Trung Quốc, tại Quảng Châu. Xiao đã sử dụng số tiền đó để mua bất động sản và nhiều bức tranh khác.
18 bức tranh bị đánh cắp còn lại hiện nằm trong bộ sưu tập của Xiao, ước tính trị giá hơn 70 triệu NDT (12 triệu USD). Những tác phẩm này chưa bán được bởi hãng đấu giá coi chúng là hàng “rởm”.
Xiao bắt đầu làm việc tại thư viện của Học viện Mỹ thuật Quảng Châu từ năm 2003. Lúc đó, ông ta được thuê số hóa bộ sưu tập tranh và thư họa của phòng trưng bày tranh thuộc Học viện. Khi lên làm trưởng phòng thư viện, Xiao đã bí mật đánh riêng một bộ chìa khóa để có thể vào phòng trưng bày trong dịp cuối tuần.
Qua đó, Xiao có thể lấy được các bức tranh thật và thay vào đó tranh giả mà không ai biết. Tuy nhiên “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, hành vi của Xiao đã bị phát giác khi một cựu sinh viên của Học viện nhận ra các dấu hiệu của trường trên các tác phẩm nghệ thuật đang được bán ở Hong Kong. Xiao đã bị bắt hồi tháng 5/2014.
Các bức tranh khác bị Xiao đánh cắp còn gồm tác phẩm của Tề Bạch Thạch - họa sĩ có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20, nổi tiếng với những bức tranh màu nước mô tả thiên nhiên. Ngoài ra còn phải kể tới tác phẩm của Trương Đại Thiên (1899-1983), người nổi tiếng với các bức tranh phong cảnh. Trương Đại Thiên từng coi mình là một bậc thầy chép tranh và vẽ theo phong cách của nhiều bậc tiền bối trứ danh, gồm có Bát Đại Sơn Nhân.
“Truyền thống” làm giả
Vụ việc của Xiao một lần nữa nhắc nhở người ta về hoạt động làm giả tác phẩm nghệ thuật ở Trung Quốc, vốn không phải chuyện hiếm.
Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã phanh phui rất nhiều vụ trưng bày tác phẩm nghệ thuật rởm. Cụ thể, hồi năm 2013, Bảo tàng Jibaozhai với chi phí xây dựng 60 triệu NDT (9,9 triệu USD) ở tỉnh Hà Bắc, đã buộc phải đóng cửa sau khi bộ sưu tập trong bảo tàng này, gồm khoảng 40.000 cổ vật, bị phát hiện hầu hết là đồ giả.
Năm ngoái, Pei Shen Qian, họa sĩ người Mỹ gốc Hoa 75 tuổi, bị cáo buộc làm giả các tác phẩm của nghệ sĩ Mỹ Jackson Pollock và Mark Rothko. Đây được xem là một trong những bê bối nghệ thuật lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Qian đã “chế” hàng chục bức tranh rởm và 2 nhà buôn Tây Ban Nha đã bán chúng cho các phòng trưng bày danh tiếng, với giá hàng chục triệu USD. Trước khi phải hầu tòa, Qian đã trốn về Trung Quốc, ẩn náu ở đây do Mỹ và Trung Quốc không ký kết hiệp ước dẫn độ.
Năm 2014, Bảo tàng Lucheng ở tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc, đã phải đóng cửa sau khi gần 1/3 trong số 8.000 hiện vật trưng bày bị phát hiện là đồ rởm. Hồi năm 2013, một bảo tàng ở tỉnh Hà Nam bị phát hiện trưng bày rất nhiều đồ giả, trong đó có một chiếc bình được trang trí bằng nhiều nhân vật hoạt hình hiện đại, song lại được mô tả là cổ vật có niên đại từ đời Thanh?!
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất