Kỷ nguyên âm nhạc số - nghe nhạc bằng lương tâm (kỳ 1): Hãy nghe và tải nhạc có ý thức

28/03/2023 19:00 GMT+7 | Giải trí

Một trong những thay đổi quan trọng của giải Cống hiến 2023 nằm ở phương thức bầu chọn, với việc thu thập thêm những ý kiến từ công chúng yêu âm nhạc qua các hình thức bình chọn công khai, dân chủ, phù hợp với "kỷ nguyên số". 

Từ Mỹ, chuyên gia về Luật Sở hữu trí tuệ Trâm Nguyễn, người đã có nhiều năm hoạt động trong các lĩnh vực sáng tạo, sáng chế và nhãn hiệu, đã có bài viết riêng cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về "kỷ nguyên số" của âm nhạc, cũng như những thay đổi và thích ứng cần có trong đời sống âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Một trong những ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch Covid-19 là việc làm mất đi các hoạt động giải trí và nhạc sống mà cần tương tác con người trực tiếp. Đối với một ngành phụ thuộc nhiều vào doanh thu bán vé và tài trợ từ các buổi biểu diễn trực tiếp, việc hạn chế tụ tập đông người và tụ tập trong nhà là một đòn giáng nặng nề. Nhiều chuyên gia ở thời kì đầu của đại dịch còn dự báo rằng ngành công nghiệp âm nhạc rất khó để tạo ra doanh thu và mảng hòa nhạc, biểu diễn trực tiếp thậm chí đã bị giết chết. Một số công ty âm nhạc, sự kiện, và nghệ sĩ đã cố gắng tìm ra kẽ hở hoặc lách các quy định bằng cách tổ chức các sự kiện giãn cách xã hội, nhưng ngành công nghiệp hòa nhạc vẫn bị mất hơn 30 tỷ USD  do đại dịch này.

Kỷ nguyên âm nhạc số - nghe nhạc bằng lương tâm (kỳ 1): Hãy nghe và tải nhạc có ý thức - Ảnh 1.

Những chiếc đĩa CD nhạc quốc tế giờ đây chỉ còn gắn với ký ức của những thính giả Việt Nam lớn tuổi

Cùng với đó, nhu cầu âm nhạc ở thời kì đầu đại dịch giảm xuống, rất nhiều nghệ sĩ của ngành công nghiệp cảm tưởng như đã phải từ giã nơi tạo ra bản sắc của họ. BBC ước tính rằng các nhạc sĩ đã mất 2/3 thu nhập của họ vào năm 2020. Bởi thế, có nhiều tin đồn rằng nghành công nghiệp âm nhạc đã lụi tàn!

Nhưng không hẳn như vậy, ngành công nghiệp âm nhạc đã sử dụng những nền tảng có sẵn kết hợp với trí tưởng tượng và những phát minh vĩ đại của loài người để đưa âm nhạc lên một tầm cao mới, và cũng nhờ đó, doanh thu âm nhạc bùng nổ kể cả trong năm thứ 2 của đại dịch. Kỷ nguyên âm nhạc số đã bung tỏa tới mọi phần của thế giới!

Sự bùng nổ của kỷ nguyên âm nhạc số

Từ MP3, máy CD Walkman cho đến các nền tảng nhạc số Napster, iTunes, YouTube, Spotify, Pandora và cuộc cách mạng phát trực tuyến, sự ra đời và lan tỏa toàn cầu của âm nhạc kỹ thuật số đã thay đổi mãi mãi cách chúng ta trải nghiệm âm nhạc.

Ngay vào phút giây bạn đọc những dòng này, thật khó để nhớ lại thời điểm bạn sở hữu một album nhạc với 1, 2, hoặc 3 đĩa CD cứng và cách bạn có thể giữ chúng cẩn thận. Sự ra đời của nhạc kỹ thuật số đã làm được nhiều điều hơn là tái tạo lại ngành công nghiệp âm nhạc. Nó buộc người hâm mộ âm nhạc và các nhà sưu tập âm nhạc quên đi mọi thứ họ biết về quyền sở hữu âm nhạc - bộ sưu tập của họ tồn tại ở đâu, hình thức nào và cách truy cập ra sao.

Để hiểu được sự bùng nổ này, chúng ta cần quay lại quá khứ một chút vào khoảng thời gian mà Apple ra mắt iTunes và thiết bị di động iPod. IPod được phát hành vào cuối năm 2001 và phát triển vô cùng nhanh chóng. Tuy nhiên để hiểu việc truy cập nhạc thời kỳ này hạn chế ra sao so với các nền tảng số, bạn nên biết rằng những chiếc iPod đầu tiên chỉ có thể chứa nhạc trị giá 10 gigabyte - khoảng vài trăm album, nhiều hơn hoặc ít hơn - và không thể xử lý nhiều dữ liệu.

Kỷ nguyên âm nhạc số - nghe nhạc bằng lương tâm (kỳ 1): Hãy nghe và tải nhạc có ý thức - Ảnh 2.

Ra đời vào năm 2021 thiết bị nghe nhạc iPod của Apple gắn với thời điểm nhạc số bắt đầu bước vào thị trường

Với iTunes, người nghe vẫn phải trả phí, dù là rất nhỏ, để sở hữu bài hát và để nó vào trong playlist của riêng bạn. Playlist của bạn giống cái tủ đựng đầy đĩa CD của bố bạn những năm 1990, chỉ khác là bạn có thể bật chúng bất cứ lúc nào, ở đâu, và không phải tốn chỗ trong tủ để lưu giữ chúng. Dù còn đơn sơ, ở những năm 2007, 2 hình thái này được coi là hình thái đầu của nhạc số. Nó đánh dấu thời điểm nhạc kỹ thuật số thực sự bước vào thị trường. 

Cuộc cách mạng nghe nhạc trực tuyến thực sự nhảy vọt bởi sự ra đời của Spotify, YouTube, và Pandora. Ra mắt tại Thụy Điển vào năm 2006, Spotify đã giới thiệu một mô hình mới cho nhạc kỹ thuật số dưới dạng cho thuê hoặc mượn. Đây không phải là dịch vụ đầu tiên cung cấp nhạc "liên kết" (tức là nhạc vẫn do chủ sở hữu công ty kiểm soát), nhưng được cho là dịch vụ đầu tiên biến nó thành tiêu chuẩn của ngành. Đến năm 2018, 75% tổng doanh thu âm nhạc đã được chia sẻ bởi Spotify và các dịch vụ phát trực tuyến khác, bao gồm Pandora, Apple Music, YouTube, và Napster.

Về YouTube, hiện nay trên thế giới hầu như ai cũng có tương tác với YouTube theo cách riêng. Điều đó dẫn tới những con số ấn tượng: Với 2,6 tỷ khách truy cập mỗi tháng và 5 tỷ video được xem mỗi ngày, YouTube hiện được xếp hạng cùng với Facebook và thậm chí Google là một trong những trang web được truy cập nhiều nhất (và vượt xa Spotify về phát trực tuyến). Có nhiều lời phàn nàn và nỗi lo lắng về việc YouTube sẽ thúc đẩy việc nghe nhạc miễn phí và làm suy giảm doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc cũng như của nghệ sĩ. Tuy vậy, thay vì phàn nàn về việc mọi người được xem các video âm nhạc miễn phí, các hãng thu âm lớn đã bắt tay vào hành động.

Năm 2009, Universal, Sony và Warner đã hợp tác với nhau và ra mắt Vevo, cung cấp một kho lưu trữ video khổng lồ để xem theo yêu cầu có đính kèm quảng cáo, và về cơ bản biến YouTube thành phiên bản MTV hiện đại bóng bẩy. Hiện nay, cách các công ty âm nhạc toàn cầu xem xét điều đó là: Vì nhạc trên YouTube không thể tải xuống được nên lượt xem trên YouTube đóng vai trò thúc đẩy doanh số bán hàng (bán bản ghi âm/sản phẩm âm nhạc kèm theo) chứ không thay thế chúng.

Việc có 5 tỷ video được xem mỗi ngày thể hiện một lượng lớn dân số toàn cầu dành thời gian của họ để nghe nhạc số. Xu hướng nhạc số là không thể bị đẩy lùi hay làm chậm lại mà chỉ có thể phát triển vượt trội hơn. Các nghệ sĩ mới vào nghề hay các ngôi sao đang lên và các siêu sao đều hiểu rằng các nền tảng online giờ mới là nơi quảng bá cho sản phẩm, tạo danh tiếng, và tạo thu nhập. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi mọi người gia nhập kỷ nguyên nhạc số với lương tâm và thực hiện việc " nghe nhạc có ý thức".

"Liệu trong kỷ nguyên âm nhạc mới này, việc video của nghệ sĩ không có đủ view hay không lọt vào bảng xếp hạng của các nền tảng số có được cho là thước đo thất bại?" - chuyên gia về luật sở hữu trí tuệ Trâm Nguyễn.

Phát triển ngành công nghiệp âm nhạc: Hãy nghe và tải nhạc có ý thức

Mỗi khi một bài hát hay một bài nhạc được phát sóng trên nền tảng xã hội hay ở các địa điểm khác nhau, có ai đó sẽ được trả tiền cho việc đó. Nhưng câu hỏi quan trọng ở đây là: Người được trả tiền có phải chủ sở hữu hay nghệ sĩ hay nhà viết nhạc của bài hát đó không?

Phần đông dân số quen nghe nhạc miễn phí, không bản quyền trên các nền tảng nhạc lậu không quan tâm đến việc này do một số nền tảng còn cho phép tải các bài hát xuống miễn phí. Thế giới có thuật ngữ cho việc này đó là: tải nhạc lậu bất hợp pháp (illegally downloaded music).

Kỷ nguyên âm nhạc số - nghe nhạc bằng lương tâm (kỳ 1): Hãy nghe và tải nhạc có ý thức - Ảnh 4.

Từng là biểu tượng của sự sành điệu, nhưng ipod rồi cũng bị khai tử do không còn đáp ứng được nhu cầu của khán giả trong giai đoạn mới

Nghe và tải nhạc lậu xuất hiện và ngay lập tức phổ biến kể từ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi âm nhạc được cung cấp qua internet và người dùng đang tải xuống các tệp nhạc đồng thời tránh việc thực sự bỏ tiền túi để mua nhạc.

Nghe và tải nhạc bất hợp pháp đã và vẫn đang được thực hiện phổ biến nhất thông qua mạng chia sẻ tệp hoặc mạng ngang hàng. Nghe và tải nhạc bất hợp pháp được coi là vi phạm luật sở hữu trí tuệ, bởi không ai có thể sử dụng nhạc của người khác cho các mục đích khác nhau, đặc biệt là mục đích thương mại, mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền bài nhạc (trừ các ngoại lệ được quy định theo luật).

Hiệp hội Ghi âm Mỹ (RIAA) báo cáo rằng doanh số bán nhạc ở các bang đã giảm tới 47% kể từ khi dịch vụ tải xuống bất hợp pháp Napsterra mắt vào năm 1999. Về mặt kinh tế, việc tải nhạc bất hợp pháp đang gây thiệt hại lớn cho Mỹ, khiến ngành công nghiệp âm nhạc thiệt hại 12,5 tỷ USD vào năm 2012. RIAA tiết lộ rằng do vấn nạn tải nhạc bất hợp pháp, hơn 71.000 việc làm đã bị mất. Những vị trí đã bị cắt bao gồm những người từng làm nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất, kỹ sư, kỹ thuật viên và hỗ trợ tiếp thị. Điều này đã khiến RIAA và nhiều nghệ sĩ khác nhau kiện những người tạo ra các loại nền tảng này để khiếu nại việc nền tảng vi phạm bản quyền. Vụ kiện này dẫn đến nhiều người dùng các nền tảng này cũng bị kiện vì tải nhạc bất hợp pháp.

Vụ kiện nổi tiếng và phổ biến nhất liên quan đến việc tải xuống nhạc bất hợp pháp là vụ kiện chống lại Napster và người tạo ra nó, Shawn Fanning. Nhiều nghệ sĩ khác nhau, chẳng hạn như ban nhạc rock Metallica kết hợp với  RIAA, đã khởi kiện Fanning và nói rằng nền tảng của Fanning đang tạo điều kiện cho việc tải xuống nhạc bất hợp pháp và do đó, vi phạm luật bản quyền. Không dừng ở vi phạm luật, nó cũng thúc đẩy tư tưởng ăn cắp ở cá nhân cũng như cổ xúy cho việc không trân trọng các sản phẩm âm nhạc thực sự có giá trị. Về lâu dài, nó là sự thiệt hại về kinh tế và văn hóa cho quốc gia.

Các chuyên gia dự báo rằng với việc nghe và tải nhạc bất hợp pháp, tương lai của ngành công nghiệp âm nhạc có thể gặp nguy hiểm. Các nghệ sĩ và hãng thu âm đã buộc phải tìm ra những cách mới để phân phối âm nhạc nhằm giải quyết vấn đề tải xuống bất hợp pháp. Một trong những chiến thuật mới được sử dụng là cấp phép âm nhạc kỹ thuật số cho các trang web như YouTube, Pandora và Spotify, việc cấp phép này bao gồm cấp phép một album hay toàn bộ catalog nhạc của hãng thu âm.

Con số thiệt hại do nghe nhạc không có ý thức hay chính là nghe và tải nhạc lậu ở Mỹ đã được đo lường và cho ra một con số báo động. Vậy Việt Nam thì sao? Kể cả khi không có sự đo lường, liệu chúng ta có thể cảm nhận được ảnh hưởng của việc nghe và tải nhạc trái phép lên ngành âm nhạc của chúng ta?

Dồi dào về nhân lực và giàu có về trí sáng tạo nhưng ngành công nghiệp âm nhạc của Việt Nam vẫn xếp vào loại nhỏ và phát triển tủn mủn, chưa chuyên nghiệp. Thu nhập chính thống từ âm nhạc và nền tảng số của nghệ sĩ Việt không phải là nguồn thu chính. Thậm chí bởi lối tư duy tận hưởng nhạc không có ý thức hay chính là việc nghe nhạc và tải nhạc bất hợp pháp, nhiều nghệ sĩ khó lòng kiếm bất cứ thu nhập nào mà được coi là đáng kể từ nền tảng số.

Ai sẽ tiếp tục lên một nền tảng để nghe một bài nhạc có lẫn chạy Ad (quảng cáo) hoặc trả phí thường niên để nghe, khi trang nhạc lậu cho nghe và tải xuống không mất phí? Nếu bài nhạc hay video không có lượng view, mặc dù do ảnh hưởng của các nền tảng nhạc lậu khác, thì thu nhập nghệ sĩ sẽ được tính ra sao? Người nghe sẽ trân trọng sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ thế nào thông qua các cánh cổng số? Và liệu trong kỷ nguyên âm nhạc mới này, việc video của nghệ sĩ không có đủ view hay không lọt vào bảng xếp hạng của các nền tảng số có được cho là thước đo thất bại?

Đây đều là những câu hỏi khó cho nền âm nhạc Việt!

Nghe và tải nhạc lậu tại Mỹ

Ở Mỹ, vào những năm 2000, tỷ lệ nghe và tải nhạc bất hợp pháp ở mức cao nhất với các chương trình chia sẻ tệp như Napster và Kazaa, nơi nhạc được mua bán và tải xuống mà không có bất kỳ loại kiểm soát cụ thể nào. Hơn 30 tỷ bài hát đã được tải xuống bất hợp pháp từ năm 2004 đến 2009 và con số vốn đã cao này lại đang tăng lên trong thời gian gần đây. Việc nghe và tải nhạc bất hợp pháp tiếp tục gây ra tổn thất về lợi nhuận và việc làm. Ngoài ra, nó đã thay đổi cách truyền tải âm nhạc đến đại chúng.

(Còn tiếp)

Trâm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link