19/05/2015 06:43 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - "Nghệ thuật không có khái niệm "nhân dịp" hay "chào mừng". Tôi viết về Bác như để trả một món nợ riêng từ trái tim mình, chứ không phải để hướng tới giải thưởng nọ kia" - tác giả Lê Quý Hiền chia sẻ về kịch bản sân khấu Bệ phóng cũng như những tác phẩm anh viết về Bác trước đó.
"Bệ phóng" của nhà viết kịch Lê Quý Hiền vừa giành giải B cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2015. Xa hơn, ở Giải thưởng sân khấu năm năm 2010 "Bác không phải là vua" - một kịch bản khác của anh - cũng từng được Hội Nghệ sĩ sân khấu VN trao giải B và sau đó được đoàn kịch Thái Nguyên dàn dựng.
Không viết về Bác kiểu “cúng cụ”
Bệ phóng là vở thứ ba Lê Quý Hiền viết về Bác Hồ, lấy bối cảnh từ 1963 trở đi – khi Người đưa ra những chỉ đạo trực tiếp cho ngành phòng không không quân về việc chuẩn bị chống B 52 trên bầu trời Hà Nội. 2 vở trước đó là Cờ chuẩn Điện Biên (viết về Người trong giai đoạn diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ) và Bác không phải là vua (viết về giai đoạn Người trở về Hà Nội sau 1954).
“Bảo rằng mình không biết gì về giải thưởng này thì không đúng. Nhưng, sự thật, như hàng triệu công dân Việt Nam khác, tôi luôn yêu mến và kính trọng từ đáy lòng khi nghĩ về hai gương mặt của lịch sử hiện đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và, với tư cách là người cầm bút, tôi từ lâu cũng tự "đặt hàng" cho chính mình: viết về họ để chứng minh rằng lãnh tụ hoàn toàn có thể xuất hiện trong nghệ thuật một cách sống động và có chiều sâu, chứ không phải là chỉ là theo kiểu "cúng cụ".
Theo nhà viết kịch thì một vở diễn về Bác đúng nghĩa luôn cần tới việc xây dựng Bác như một nhân vật trung tâm. Nghĩa là có đầy đủ về phát triển tâm lý, mâu thuẫn nội tâm, xung đột kịch. Được như vậy, vở diễn sẽ có giá trị nghệ thuật hơn – thay vì nói về những câu chuyện,sự kiện chung chung, để rồi "đưa" Bác xuất hiện vài lần như một nhân vật phụ.
“Sự thực, cuộc đời của Bác gắn với hầu hết các dấu mốc trong lịch sử VN. Nhưng ở những sự kiện quá lớn, chúng ta đã có quá nhiều những tư liệu và công trình nghiên cứu về Người. Viết về Bác trong những sự kiện ấy, tác giả rất khó tránh khỏi việc minh họa một chiều cho lịch sử. Còn những mốc thời gian tôi chọn thì tạo điều kiện để tác giả dễ dàng tìm kiếm những sáng tạo về Người hơn” – Lê Quý Hiền nói thêm.
Hư cấu dựa trên tính cách của Người
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những “nguyên tắc” của riêng tác giả khi viết về Bác, Lê Quý Hiền chỉ ra ví dụ cụ thể: “Chẳng hạn, trong chiến dịch Điện Biên, chúng ta chủ yếu vẫn chỉ nhắc tới Bác qua lời dặn đại ý rằng tướng quân tại ngoại, có toàn quyền quyết định. Thế nhưng, trong Cờ chuẩn Điện Biên, tôi dựng lên những trăn trở của Bác về các cố vấn Trung Quốc, về tính sáng tạo cá nhân, về vấn đề dám chịu trách nhiệm để vượt thoát khỏi những quyết định nhân danh tập thể... Từ những suy nghĩ ấy, chúng ta sẽ lý giải được vì sao Bác trao cho tướng Giáp một thanh "thượng phương bảo kiếm" bằng những lời dặn dò như vậy, để rồi Đại tướng tự tin đưa ra những thay đổi quan trọng và làm nên chiến thắng Điện Biên”.
Còn trong Bệ phóng, tác giả bắt từ tư liệu cho biết: Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo Quân chủng phòng không không quân quan tâm nghiên cứu cách chống máy bay B52 ngay từ 1963, nghĩa là trước cả thời điểm người Mỹ bắt đầu ném bom trên miền Bắc. Có nghĩa, tầm nhìn chiến lược,cũng như những chuẩn bị công phu của Bác và ngành phòng không chính là "bệ phóng" để có chiến thắng lịch sử trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 sau này....
Nói về sự hư cấu với nhân vật lãnh tụ Hồ Chí Minh, tác giả cho rằng, tất cả cần dựa dựa trên những gì chúng ta đã được biết, cũng như đã hình dung, về các đức tính của Người. Nếu hình tượng Bác được xây dựng có tính cách, có logic thì sẽ được khán giả chấp nhận.
“Để có điều ấy, khi viết về Bác, tôi phải đọc hàng nghìn trang sách viết về Bác, thậm chí vào Bảo tàng tìm tư liệu, rồi vào thư viện để đọc cả báo chí tư liệu để tìm hiểu không khí xã hội trong thời kỳ mà kịch bản xảy ra. Như đã nói, những hư cấu trong Cờ chuẩn Điện Biên và Bệ phóng đều dựa trên những tư liệu có thật.
Với Bác không phải là vua, tôi đọc một tài liệu kể câu chuyện Bác Hồ đi trong vườn cây của Phủ Chủ tịch. Mấy cô công nhân đang đi xe đạp, nói chuyện cười đùa vui vẻ, thấy Bác liền luống cuống xuống xe chào Bác, không may một cô bị ngã. Bác đến gần nâng cô ấy dậy và nói: “Bác có phải là Vua đâu mà các cô phải hạ mã”.
Trong kịch bản, tôi xây dựng nhân vật Bác Hồ là trung tâm, đặt nhân vật vào nhiều tình huống đời thường để khắc tạc nên hình tượng con người giản dị của Bác. Ở đó, khán giả bắt gặp một con người đời thường, với những khát khao hết sức đời thường. Đó là hình ảnh một người con có hiếu muốn tự tay đi chợ, nấu nướng, làm một mâm cơm, cắm lọ hoa huệ để thắp hương mẹ. Đó là hành động Bác Hồ xếp hàng mua thịt giống như những người dân thường. Hay Bác vay tiền của anh Ngọc bảo vệ, tự bỏ tiền cá nhân để mua bánh kẹo, hoa quả mời mọi người mừng nhà mới... Tất cả, như đã nói, đều có mối liên hệ với cuộc sống hôm nay” – nhà viết kịch chia sẻ thêm.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất