Núi lửa Merapi ngoài tầm dự báo

06/11/2010 13:06 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 5/11, báo chí Indonesia cho biết núi lửa Merapi ở nước này đã tiếp tục đợt phun trào mới nhất và qua đó mở rộng vùng nguy hiểm tính từ miệng núi lên tới hơn 20km. Đợt phun trào mới cũng khiến hơn 50 người thiệt mạng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của cả trăm ngàn người khác, trong khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy cường độ hoạt động của ngọn núi sẽ yếu đi trong thời gian tới.

Hoạt động dữ dội của ngọn núi lửa trong đêm 4/11 đã đẩy các dòng khí bụi nóng bỏng lan ra xa hơn dự đoán, qua đó thiêu cháy nhiều ngôi nhà nằm ven vùng nguy hiểm và đẩy số người chết vì núi lửa trong hơn 1 tuần qua lên tới hơn con số 100.

Số người chết liên tục tăng cao

Quân đội Indonesia đã huy động đông đảo binh lính, hoạt động suốt đêm hôm trước để cứu hộ làng Bronggang, nằm cách miệng núi lửa 15km và không xa thành phố Yogyakarta thuộc vùng Java. Họ đã phải lôi những thi hài cháy đen ra khỏi nhiều ngôi nhà và đưa tới bệnh viện. Hàng chục người bị thương, phần lớn bị bỏng nặng, cũng đã được binh lính cứu thoát.


Binh lính Indonesia chuyển thi thể một người xấu số thiệt mạng do khói bụi nóng của núi lửa

“Chúng tôi hoàn toàn bị quá tải bởi số lượng các bệnh nhân” - Heru Nogroho, một phát ngôn viên ở bệnh viện Sardjito nằm tại thành phố Yogyakarta cho biết, trong bối cảnh các thi thể được đưa tới bệnh viện đã tăng lên 58 người. Những cái chết mới đã đưa tổng số người thiệt mạng vì Merapi lên 102 nạn nhân, kể từ khi ngọn núi này bắt đầu phun trào vào ngày 26/10.

Rất nhiều người thiệt mạng là trẻ em sống ở làng Argomulyo, nằm cách miệng núi lửa 16km. “Làng Argomulyo đã bị thiêu trụi vì các đám mây bụi nóng bỏng. Nhiều đứa trẻ đã chết ở đó, khi tôi vào làng, nền đất vẫn còn rất nóng” - bác sĩ Teguh Dwi Santosa thuộc lực lượng cảnh sát Yogyakarta nói.

Con số những người chết đã khiến người dân vùng Yogyakarta bị sốc. Không ít người đặt câu hỏi giận dữ, rằng vì sao người dân làng không được sơ tán trước khi núi lửa tiếp tục phun trào. Thực tế, việc núi lửa phun trào dữ dội trong đêm đã khiến người dân ở hai ngôi làng kể trên hoàn toàn không có cơ hội chạy trốn.

Trong khi đó, 100.000 người dân đang phải sống chen chúc, khổ sở trong các địa điểm lánh nạn do chính phủ lập nên. “Khu lánh nạn khẩn cấp giờ đã hoàn toàn quá tải” - điều phối viên Widi Sutikno nói.

Ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất

Núi lửa Merapi nằm ở khu vực biên giới giữa tỉnh Java và Yogyakarta, Indonesia. Nó là núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia và cũng là ngọn núi trẻ nhất trong nhóm các núi lửa ở phía nam tỉnh Java.

Các đo đếm cho thấy ngọn núi bắt đầu phun trào cách đây 400.000 năm. Giai đoạn gần đây núi lửa hoạt động mạnh hơn và các hoạt động phun trào cũng dữ dội hơn. Thông thường cứ 2-3 năm, núi lửa lại có các cuộc phun trào nhỏ trong khi các vụ lớn xảy ra trung bình 10 - 15 năm một lần.


Núi Merapi vẫn đang phun trào rất mạnh

Trong tiếng Java, cái tên Merapi cũng có nghĩa “núi lửa”. Bằng mắt thường, người ta có thể thấy khói bốc lên ở đỉnh núi Merapi trong ít nhất 300 ngày của một năm. Các đợt phun trào đáng chú ý và gây ra nhiều cái chết đã xảy ra trong những năm 1006, 1786, 1822, 1872 và 1930, khi 13 ngôi làng bị phá hủy, 1.400 người bị dòng khí nóng của núi lửa sát hại. Ngày 22/11/1994, khí nóng hình thành từ hoạt động phun trào của Merapi cũng đã giết chết 27 người, với phần lớn nạn nhân sống tại thị trấn Muntilan, phía Tây ngọn núi.

Subandrio, một chuyên gia về núi lửa Indonesia nói rằng sau cuộc phun trào mới nhất, vùng nguy hiểm của núi Merapi đã mở rộng từ 5km lên 20km, tính từ miệng núi. Ngay cả các nhà khoa học chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của Merapi cũng đã phải khăn gói lên đường để tránh bị đe dọa tới tính mạng.

Chưa thấy dấu hiệu kết thúc

Giới chức Indonesia cho biết mối nguy lớn nhất hiện nay là các dòng khí nóng đang tỏa xuống sườn phía Nam của Merapi. Các đám mây bụi này có nhiệt độ lên tới 750 độ C và di chuyển với tốc độ lên tới 100km/h. Chúng dễ dàng thiêu cháy bất kỳ thứ gì nằm trên đường.

Ngoài ra, điều khiến giới nghiên cứu lo lắng là hoạt động của Merapi chưa có dấu hiệu giảm nhiệt như dự báo. Trước đó, một số chuyên gia nói rằng các vụ nổ lớn, theo sau vụ nổ đầu tiên diễn ra hôm 26/10, có thể giảm bớt áp lực tích tụ bên trong núi lửa và qua đó giảm nhẹ cường độ hoạt động của núi lửa. Song thực tế các vụ phun trào vẫn diễn ra hết sức mạnh mẽ. “Tôi chưa từng chứng kiến điều gì giống như thế” - Surono, một chuyên gia về núi lửa, người đã quan sát Merapi trong 15 năm qua nhận xét - “Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp”.

Các nhà khoa học nói rằng áp suất hiện vẫn đang tăng lên bên trong miệng Merapi và điều đó không mang lại tín hiệu gì tốt đẹp. “Có vẻ như chúng tôi sẽ phải bước vào một giai đoạn mới còn tệ hơn hiện nay” - Surano nói.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link