Lâm Huỳnh Linh 'lặng' để trừu tượng 'nổi'

06/12/2023 07:50 GMT+7 | Văn hoá

Triển lãm Lặng của Lâm Huỳnh Linh đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến ngày 10/12, bày toàn tranh sơn mài trừu tượng, được sáng tác gần đây. So với 2 triển lãm Flow (Dòng chảy, 2018) và Wanderers Bass Note (Nét trầm phiêu lãng, 2017), đây là cuộc lột xác mạnh mẽ của Lâm Huỳnh Linh (sinh năm 1970, Sài Gòn).

Xem Lặng, nhà báo Nguyễn Trọng Chức nhận định: "Tuân thủ kỹ thuật của các bậc tiền bối song Lâm Huỳnh Linh vẫn không ngừng tìm cho mình một bảng màu riêng biệt, đặc biệt là những gam màu xanh lục, xanh lam, lam nhạt, tím phớt… Và làm thế nào để chúng hòa quyện thật ngọt với son, then, xám đậm và nhạt, quỳ vàng và vỏ trứng, từ đó hình thành một tổng phổ hòa sắc trong tranh".

Vì sao lại lặng?

Lâm Huỳnh Linh chia sẻ rằng anh muốn âm thầm làm việc và âm thầm thay đổi. Vì sao phải âm thầm? "Cá tính của tôi luôn vậy, nhẩn nha tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ, rồi nhẩn nha làm việc, không thích tuyên ngôn hoặc giải thích gì về ý tưởng hoặc tác phẩm" - Lâm Huỳnh Linh nói.

Lâm Huỳnh Linh 'lặng' để trừu tượng 'nổi' - Ảnh 1.

Họa sĩ Lâm Huỳnh Linh tại triển lãm “Lặng”

Về đời riêng, Lâm Huỳnh Linh là con trai thứ của họa sĩ Nguyễn Lâm (sinh năm 1941, Cần Thơ), gia đình ông Lâm có 5 con gái và 4 con trai, có đến 8 họa sĩ, trong đó 6 người cùng lúc là hội viên của Hội Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Gia đình này có kinh nghiệm về sơn mài khoảng 50 năm, nhiều giai đoạn trong quá khứ gần như làm khép kín từ làm voóc, trộn sơn… cho đến hoàn chỉnh tác phẩm, trừ khâu dát lá vàng, lá bạc. Vì sơn mài có tính khép kín như vậy, nên gia đình Nguyễn Lâm có nhiều bí kíp và bản sắc riêng. Trong sáng tác sơn mài, Nguyễn Lâm đã có một lối đi riêng, đặc biệt ở mảng tranh trừu tượng, ảnh hưởng không chỉ đến con cháu, mà nhiều họa sĩ khác.

Lâm Huỳnh Linh 'lặng' để trừu tượng 'nổi' - Ảnh 2.

Họa sĩ Nguyễn Lâm (ngồi xe lăn) và các con xem trước triển lãm

Nên nói lặng mà không lặng, vì đến triển lãm cá nhân lần thứ 3 này, Lâm Huỳnh Linh đã có những bứt phá để ra khỏi "bản sắc quen" của gia đình, để tạo ra những bảng màu khác, lạ.

Sự bứt phá này, nói thì đơn giản, nhưng thực tế thì lại rất khó. Vì Nguyễn Lâm vẫn còn sáng tác, ông và các con lại quây quần chung một xưởng vẽ, nên việc ảnh hưởng cha cũng là khá bình thường, thậm chí là tình cảm tự nhiên trong nghề nghiệp. Hơn nữa, qua Nguyễn Lâm, ít nhiều tranh của các con sớm được đến với các nhà sưu tập; đã có những nhận xét kiểu như "vẽ giống cha thì dễ bán hơn". Dù không nói ra, nhưng đây có lẽ cũng là một lý do để Lâm Huỳnh Linh âm thầm làm việc và thay đổi.

Lâm Huỳnh Linh 'lặng' để trừu tượng 'nổi' - Ảnh 3.

Tác phẩm “Lặng 3” (sơn mài, 150 x 300cm, 2020)

Trừu tượng Lâm Huỳnh Linh có gì lạ?

Lâm Huỳnh Linh theo đuổi trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction), nên chất thi ca, âm nhạc và cả chất "hương xa" của tranh thủy mặc rất dạt dào.

Nhìn xuyên suốt hội họa châu Á thế kỷ 20, trong đó có Việt Nam, 1 trong số ít kỹ thuật Tây phương dễ giao thoa với tinh thần Đông phương nhất, chính là tranh trừu tượng. Ngay cả với trừu tượng hình học (geometric abstraction), tưởng thiên về lý tính, thì khi giao thoa với thư pháp, triết lý về tánh không, cũng đã tạo ra những nét thú vị, mới mẻ.

Lâm Huỳnh Linh 'lặng' để trừu tượng 'nổi' - Ảnh 4.

Tác phẩm “Lặng 6” (sơn mài, 150 x 480cm, 2022)

Khoảng chừng 20 năm trước thôi, nếu nói ra ý này, hẳn sẽ bị nhiều người lấy nghệ thuật châu Âu làm trung tâm phản bác, nhưng bây giờ thì đã khác rất nhiều. Khác vì khái niệm trừu tượng Đông phương (Orient style abstraction/ Oriental abstraction) đã được Tây phương tiếp nhận một cách cởi mở hơn.

Lâm Huỳnh Linh 'lặng' để trừu tượng 'nổi' - Ảnh 5.

Tác phẩm “Lặng 8” (sơn mài, 150 x 241cm, 2023)

Trở lại với Lâm Huỳnh Linh, như đã nói, anh xuất thân từ một gia đình có bản sắc về sơn mài, thấm đượm tinh thần Đông phương, nên việc bứt phá này càng đáng ghi nhận. Từ các tác phẩm có tên dễ nhận diện ý nghĩa như Mây trắng (2018), Đất xanh (2019), Giếng cổ (2020), Vòng xoáy (2021), Khoảng không (2022), Cánh đồng (2022)… cho đến bộ tác phẩm Lặng, muốn giấu ý nghĩa, là cả một hành trình lột xác, bứt phá. Lâm Huỳnh Linh càng cố gắng yên lặng và giấu ý nghĩa trong sáng tạo, thì các bức tranh lại càng tự nổi lên bằng bảng màu xao động, như nhảy múa, đầy chất nhạc và mời gọi ca hát.

Lâm Huỳnh Linh 'lặng' để trừu tượng 'nổi' - Ảnh 7.

Một góc triển lãm “Lặng”

Thấy con rẽ vào một lối khác

Chiều 3/12, trước khai mạc 1 ngày, họa sĩ Nguyễn Lâm và 8 người con còn lại có mặt ở triển lãm của Lâm Huỳnh Linh. Ngồi xe lăn xem 1, 2 vòng, nét mặt Nguyễn Lâm xen kẽ giữa hạnh phúc và chút xíu âu lo khi thấy con trai thay đổi trong cách vẽ.

"Nó vẽ lúc nào hay ghê, vài bức lần đầu mới thấy luôn" - Nguyễn Lâm nói.

Lời chia sẻ nhẹ nhàng này như đánh dấu cột mốc mới của Lâm Huỳnh Linh, khi anh đang rẽ vào một lối khác, nơi đó sẽ không có cha và anh chị em đi cùng.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link