01/04/2022 09:03 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu thế hệ những Quang Hải, Hùng Dũng, Tuấn Anh, Công Phượng... đã và đang tạo tiền đề, thậm chí là một diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam ở các cấp độ ĐTQG suốt hơn 4 năm qua, thì dường như lứa kế cận lại tạo cảm giác hụt hơi.
Đội tuyển U23 Việt Nam với kế hoạch chuẩn bị kép cho cả SEA Games 31 và VCK U23 châu Á 2022 đã chỉ có được kết quả khá nghèo nàn ở giải đấu mời U23 Dubai Cup 2022, với 2 trận thua và 1 trận hoà. Họ thậm chí không ghi được bàn thắng nào.
Đây là một bộ mặt rất khác với U22 Việt Nam của HLV Đinh Thế Nam tại giải Đông Nam Á vừa kết thúc tại Campuchia cách đây không lâu. Tất nhiên, giải Đông Nam Á khác với Dubai Cup rất nhiều về đẳng cấp.
Theo HLV Đinh Thế Nam, đội tuyển U22 Việt Nam vô địch Đông Nam Á có thể cung ứng khoảng 3-4 cầu thủ cho tuyến trên. Cơ bản đây vẫn là “của để dành”, bởi phần lớn học trò ông Nam đều mới 20-21 tuổi.
Các giải tập huấn, ví như Dubai Cup 2022, vốn dĩ nằm trong kế hoạch - chiến thuật chuẩn bị của đội bóng trước giải đấu chính thức, có ý nghĩa quan trọng.
Chúng ta hẳn chưa quên trước khi tạo được cơn địa chấn ở Thường Châu năm 2018, đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Park Hang Seo đã chơi hay đến đâu ở M-150 Cup 2017. Thành tích tốt sau đó của bóng đá Việt Nam ở hàng loạt các hạng mục giải đấu - sân chơi, cũng là từ tính kế thừa mà ra.
Trở lại với lo lắng không thừa của những người làm bóng đá, khi cảm giác rất thật rằng, các lứa cầu thủ trẻ gần đây chất lượng không đồng đều như lứa Công Phượng, Quang Hải... Kinh nghiệm và cơ hội thi đấu quốc tế của lứa đàn em cũng hạn chế.
Với thế hệ U19 Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG ra ràng năm 2014, bổ sung thêm những Quang Hải, Văn Hậu..., họ đã chơi hàng chục, thậm chí hàng trăm trận đấu quốc tế cùng nhau, thành ít, mà bại thì nhiều, trước khi gặt hái thành công cùng HLV Park Hang Seo.
Năm 2016, đội tuyển U19 Việt Nam dưới của HLV Hoàng Anh Tuấn gây được tiếng vang ở VCK U19 châu Á, với suất chơi bán kết (đồng nghĩa với vé đi FIFA U20 World Cup 2017 lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nền bóng đá), cũng là nhờ được cọ xát nhiều.
Giữ quan điểm ấy, năm nay, ông Tuấn “con” cùng các trợ lý lại đề xuất và được chấp thuận chuyến tập huấn tại Đức cho đội tuyển U17 Việt Nam. Đây là lộ trình bắt buộc cho sự phát triển của bóng đá trẻ, song mấy ai tính được như HLV Hoàng Anh Tuấn.
Trở lại với vấn đề mà chúng ta đề cập ở đầu bài viết. Đội tuyển Việt Nam đã đi vào lịch sử bóng đá Đông Nam Á với 4 điểm tại Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022.
Điểm số mà chúng ta có được trước Trung Quốc và Nhật Bản không những giúp bóng đá Việt Nam cải thiện được thứ hạng trên FIFA Ranking, mà còn nhận được sự nể trọng đáng kể từ những nền bóng đá hàng đầu Á châu. Đây cũng là điều xưa nay hiếm, khi bóng đá Việt Nam vẫn bị cho là khiêm tốn về mặt tầm vóc.
Lứa Quang Hải, Công Phượng, Hoàng Đức, Tiến Linh, Văn Hậu..., người trẻ năm nay 23-24, người lớn hơn chút 27-28 tuổi, về lý, họ sẽ vẫn là nòng cốt của ĐTQG trong khoảng 3-5 năm nữa. Chiến dịch Vòng loại FIFA World Cup 2026, sẽ bắt đầu từ năm 2023, đó cũng chính là lúc thế hệ này chín muồi nhất.
Chỉ có rất ít cơ hội cho lứa U23 hay U22 lúc này chen chân vào, ngoại trừ những cá nhân kiệt xuất, kiểu như “thiếu niên anh hùng”. Chúng ta cần phải vạch ra một chiến lược hành động cụ thể.
Nền bóng đá chắc chắn không chỉ mãi tận thu một vài thế hệ cầu thủ tốt, vì bóng đá là sự kế thừa liên tục và điều đó khiến cho những lo lắng không mơ hồ chút nào cả.
Thực ra, ngay cả các nền bóng đá phát triển thì cũng được lứa mà phất lên được, nhưng hiếm khi họ để lỗ hổng quá lớn ở các lứa kế cận. Tạo được vị thế đã khó, giữ được nó còn khó hơn. Khó nhưng không phải không thể!
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất