21/06/2012 09:08 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro
Nơi được UEFA lựa chọn để tập huấn cho các trọng tài là khu thể thao của câu lạc bộ Agrykola, nằm gần trung tâm thủ đô Warsaw. Agrykola là đội bóng mà thủ thành của đội tuyển quốc gia Ba Lan và câu lạc bộ Arsenal, Wojciech Szczesny, từng khởi nghiệp khi còn là một tài năng trẻ. Khoảng 50 trọng tài đã đến sân trên một chiếc xe bus trang trí logo của EURO 2012.
Các trọng tài được chia thành nhiều nhóm khác nhau, tùy theo chức năng và nhiệm vụ mà họ thường đảm nhiệm trên sân. Mỗi nhóm tập luyện một bài riêng, nhưng thường có sự phối hợp với nhau, đặc biệt giữa trọng tài chính và các trợ lý. Trên sân tập, các trọng tài cũng có huấn luyện viên, đưa ra các bài tập cũng như yêu cầu cụ thể cho từng người và giám sát việc thực hiện.
Với tình huống giả định là một pha phản công nhanh, trọng tài chính và trợ lý trọng tài tập luyện cách phối hợp với nhau để nhận định và đưa ra quyết định chính xác nhất có thể, hoặc sẽ bắt việt vị, hoặc sẽ bắt lỗi của hậu vệ đang phòng thủ, hoặc sẽ bắt lỗi của tiền đạo đang tấn công..., tùy thuộc vào tín hiệu mà trợ lý huấn luyện viên đưa ra.
Đổ môi trên sân tập để quyết định chính xác hơn trên sân đấu. Ảnh: Đ.H
Bàn thắng hay không bàn thắng?
Một trong những bài tập được chú trọng hơn cả là cách xác định tình huống bóng đã vào lưới hay chưa, phối hợp giữa trọng tài chính và trợ lý ở biên ngang. Sở dĩ chuyện này trở nên quan trọng vì ở trận đấu khép lại vòng bảng giữa Anh và Ukraina, đội chủ nhà đã bị trọng tài Viktor Kassai từ chối một bàn thắng rõ ràng khi John Terry phá bóng phía sau vạch vôi từ cú sút bật tay thủ môn Joe Hart của Marko Devic.
Nội dung của bài tập này là một cầu thủ sẽ đá bóng từ khoảng cách chừng 11m hướng vào khung thành, nơi có thủ môn và một hậu vệ, mượn của đội Agrykola làm, đứng lót. Hậu vệ và thủ môn sẽ bắt bóng trên, hoặc trong vạch vôi một chút, đồng thời cố tình che người để buộc trợ lý trọng tài phải đưa ra quyết định đó có phải là một bàn thắng hay không. Mỗi cặp trọng tài - trợ lý sẽ thực hiện đưa ra phán quyết trong 10 tình huống như thế.
Cùng xem và phân tích các quyết định thông qua hình ảnh do camera ghi lại. Ảnh: Đ.H
Các tình huống của bài tập này đều được ghi lại bằng một chiếc camera đặt ngang với khung thành. Cứ sau mỗi cặp trọng tài - trợ lý thực hiện xong bài tập, tất cả cùng xem lại video được chiếu qua màn hình tivi và phân tích quyết định nào đúng, quyết định nào sai, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết cho quá trình làm nhiệm vụ thực tế trên sân. Hình thức ghi hình rồi xem lại cũng được áp dụng trong bài tập bắt lỗi việt vị ở những tình huống cố định.
Ngoài các bài tập thiên về chuyên môn, đội ngũ trọng tài còn phải tập luyện thể lực với cường độ khá cao, nhằm đáp ứng nhu cầu vận động, di chuyển rất lớn trong quá trình điều hành trận đấu. Những bài tập về chuyên môn cũng như thể lực được thực hiện luân phiên giữa các nhóm trọng tài.
Ông Pierluigi Collina: “Đáng tiếc, trọng tài đã mắc sai lầm” Trong cuộc họp báo tổ chức vào chiều hôm qua ở Trung tâm báo chí tại sân vận động quốc gia ở Warsaw, ông Pierluigi Collina đã thừa nhận tình huống gây tranh cãi trong trận Anh thắng Ukraine 1-0, khi John Terry phá bóng “trên vạch vôi”, là một bàn thắng hợp lệ nhưng không được công nhận. “Thật đáng tiếc khi trọng tài đã mắc sai lầm. Dù bóng chỉ đi qua vạch vôi vài centimet thôi thì đó vẫn phải là một bàn thắng”, cựu trọng tài người Italia và hiện đứng đầu bộ phận trọng tài của UEFA thừa nhận. Ông Collina cũng cho biết, trong 24 trận đấu đã qua ở vòng bảng EURO 2012, có ba tình huống gây tranh cãi về việc có bàn thắng hay chưa. “Trọng tài đã quyết định đúng ở các trận Đức gặp Bồ Đào Nha và Italia gặp Croatia. Nhưng đến lần thứ ba, thật không may, trọng tài đã sai”. Ông Collina cũng nhấn mạnh rằng tuy đó là lỗi của con người nhưng xác suất xảy ra rất thấp. “Ở vòng bảng, có đến 95,7% quyết định của trọng tài là chính xác”, vẫn lời của ông Collina. Những bàn thắng ma, hoặc bàn thắng bị đánh cắp như trong trận Anh - Ukraina một lần nữa dấy lên các tranh cãi về việc áp dụng công nghệ xác định bàn thắng. Hiện có hai hệ thống đang được FIFA thử nghiệp là Hawk-eye của Anh, xác định bàn thắng bằng các camera gắn trên mái vòm của sân vận động, và GoalRef của Đức, sử dụng cảm biến gắn bên trong quả bóng và ở mặt cắt ngang khung thành. Tuy nhiên, ông Collina cho rằng sử dụng công nghệ xác định bàn thắng không phải là một ý hay. “Suốt ba năm qua ở Europa League, và hai năm ở Champions League cùng 24 trận ở EURO 2012, trọng tài chỉ mới mắc lỗi một lần duy nhất qua hàng nghìn trận đấu. Đó là một tỷ lệ rất thấp và chấp nhận được”, ông Collina bảo vệ quan điểm dùng 5 trọng tài của UEFA, thay vì dùng công nghệ trong việc xác định bàn thắng.
Đ.H |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất