Về Nam Giang, xem Rối Đầu Gỗ hầu thánh!

04/12/2008 06:00 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Ở xứ Bắc, có lẽ ai cũng từng nghe tiếng chợ Viềng đầu Xuân họp đêm mùng 7 sang ngày mùng 8 tháng Giêng tại cửa chùa xã Nam Giang (nay là thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực - Nam Định). Nhưng ít ai biết ngôi chùa họp chợ ấy tên là Đại Bi tự (gọi tắt là chùa Bi). 20 - 22 tháng Giêng hàng năm là ngày hội chùa và trong ba đêm hội ấy, duy nhất ở đây có một màn trình diễn hát và múa rối hầu thánh trong nội tự. Đây là trò múa rối độc đáo bậc nhất trong các trò rối cạn ở Việt Nam, cũng là trò kịch nghệ dân gian có nguồn gốc nhiều bí ẩn chưa được giải thích, tên chữ gọi là trò Ổi lỗi. Các nhà nghiên cứu tạm gọi là trò Rối Đầu Gỗ…
 
Hai mươi phát tấu chùa Bi
 
Trai đi được vợ, gái đi được chồng

Nguồn gốc bí ẩn của trò Ổi lỗi…

“Gọi là múa rối hầu Thánh tức là múa cho Thánh xem. Một năm chỉ múa ba đêm hội, xong rồi cất Thánh tượng vào hòm”... Trước khi khấn vái để mở tủ lấy tượng Rối Đầu Gỗ cho chúng tôi xem, ông Đoàn Hữu Sòng, năm nay 70 tuổi, trùm phó phường rối chùa Bi giải thích. Thánh ở đây là Thiền sư Từ Đạo Hạnh (thời Lý), có một khám thờ bên cạnh ban thờ Phật trong chùa. Truyền thuyết kể rằng ông là tổ sư của các trò rối nước, rối cạn. Những ngôi chùa gắn với sự tích về ông cũng đều là nơi phát tích nghệ thuật múa rối như chùa Bi, chùa Láng (Hà Nội), chùa Thầy (Sài Sơn - Hà Tây)...
 Ông Song giới thiệu một tượng Tiên
Huyền tích về Từ Đạo Hạnh kể rằng cha ông là Từ Vinh, làm đô thống tăng quan dưới triều Lý, mẹ là bà Tăng Thị Loan. Từ Vinh bị sư Đại Điên hại. Hai mẹ con Từ Đạo Hạnh trốn tránh sự truy sát của kẻ thù, chạy về xã Chân Đàm, huyện Tây Chân, trấn Sơn Nam (nay là xã Nam Giang). Ở đây, ông lập am tu hành và kết bạn cùng Nguyễn Giác Hải và Dương Không Lộ. Ba huynh đệ đồng hành vượt biển cầu đạo, đắc đạo rồi mới trở về. Sư Giác Hải tu ở chùa Cổ Lễ (Nam Định), sư Không Lộ tu ở chùa Keo (Thần Quang tự - Thái Bình), còn sư Đạo Hạnh về tu ở chùa Thiên Phúc (tức chùa Thầy). Ngoài 3 vị thiền sư kể trên, phải thêm thiền sư Vạn Hạnh và Mãn Giác đứng đầu nữa là đủ bốn vị “ngũ đại thiền sư” dưới thời nhà Lý.
 Sáu ông Lộng
Cũng cần nói thêm ba vị Giác Hải, Từ Đạo Hạnh, Không Lộ là những nhân vật khó phân định ranh giới cho minh bạch giữa truyền thuyết và sự thực. Có thể nói họ là những vị thiền sư được “dân gian phong thánh” nhiều hơn là chính sử ghi nhận, cuộc đời và công tích của họ đượm màu huyền hoặc. Những nơi ba vị từng tu hành, còn lưu thờ, đặc biệt đều có trò Ổi lỗi. Ví dụ như chùa Cổ Lễ thờ Giác Hải thiền sư, chùa Keo thờ Không Lộ thiền sư đều còn giữ được một số đầu tượng rối giống như ở chùa Đại Bi, nhưng kinh văn (lời hát) ở những nơi này đã mất, và cũng không còn phường rối, không biết biểu diễn thế nào...
 
Về “lý lịch” của trò Ổi lỗi, hiện tại có ba bốn huyền tích về nó, nhưng chưa thuyết nào được chắc chắn. Truyền thuyết đầu tiên kể rằng khi du hành từ đất Phật trở về, đức Từ Đạo Hạnh có vớt được cái bọc nhấp nhô trên sóng nước. Mở bọc ra có 6 cái đầu người sống hình dáng quái dị, bèn đem về đặt làm tích trò múa rối (tức là sáu đầu tượng ông Lộng). Truyền thuyết thứ hai kể về mười hai ông thần Sóng dâng nước ngập lụt hại dân, đức thánh Từ ra tay phép thuật thu phục được sáu ông, còn sáu ông Sóng bị đuổi ra biển, bèn đặt ra tích trò rối sáu ông thần Sóng múa trên mặt nước (tấm màn che để múa đầu tượng rối phải thêu hình sóng nước). Thuyết thứ ba cho rằng sáu đầu tượng rối chính là đại diện cho các “đức” của người quân tử: Liêm, Sỉ, Trí, Tín, Hiếu, Nghĩa...
 Tam quan chùa Đại Bi nhìn từ bên trong
Căn cứ vào kinh văn, (tức là lời hát, gọi là Kinh Thánh Hội Rối) thì tạm có thể phỏng đoán trò Ổi lỗi được kiện toàn hình thức và nội dung từ thời Lê Sơ. Có bài ca từ ca ngợi về việc “khôi phục đế đô”, có bài ca ngợi đức vua, đức chúa (Lê - Trịnh). Còn lại, hầu hết các bài ca, (gọi là bài Giáo, Vãn, và Dâng,...) hầu hết có ý nghĩa là ca ngợi đời thái bình thịnh trị, chúc thọ quan viên ba xã (là các thôn Vân Tràng, Giáp Tư và Giáp Ba, ba thôn thành viên của Phường Rối), giáo dục răn dạy đạo đức phong kiến “tam cương, ngũ thường”, đạo gia đình, đạo khuyến học, kể tình chinh phu, chinh phụ... Trong ca từ có rất nhiều lời cổ, ví dụ như “hòa” nghĩa là “chàng”, “nường” là “nàng”, bường” là “bình” (“thái bường” tức là “thái bình”). Có câu ca như: “Đôi hàng giọt nguộc đượm chan má nhuần” tức là: Đôi hàng nước mắt chảy ướt má đào. Đó là các từ dễ hiểu, còn rất nhiều từ tối nghĩa (nghĩa cổ) các cụ chỉ hát được mà không hiểu...

Tượng rối, lễ nghi và nhạc cụ của Phường Rối…

“Nhân vật chính” của trò Ổi lỗi là sáu cái đầu tượng cùng cỡ làm bằng gỗ phủ sơn ta, vẽ mày vẽ mặt rất đẹp gọi là “sáu ông Lộng”. Mỗi đầu tượng này làm bằng gỗ, hình đầu người rỗng, có cán cầm tay ở gáy tượng, dài khoảng 40cm, đường kính lòng 30cm, nặng khoảng 3kg/đầu (khi cầm để múa khá nặng). Tại sao gọi là “Lộng” thì những người biểu diễn cũng không giải thích được, lại tạm phỏng đoán, căn cứ vào vẻ mặt tươi tắn của các đầu tượng, thứ nhất có thể là chữ “Lộng” trong chữ “hí lộng”. Hoặc là chữ “Lộng” trong chữ “ra khơi vào Lộng” (căn cứ theo thuyết ông thần Sóng). Trong sáu đầu tượng này thì chia ra hai đầu tượng “chúa Lộng”, hai pho này mặt đỏ, miệng rộng có râu ria (khi múa, thì người của thôn Vân Tràng, thôn “anh cả” cầm hai đầu tượng này). Tiếp theo là hai tượng “cóc vàng” (gọi vậy là vì trên đầu một tượng có một con cóc vàng), hai pho này sơn mặt màu hồng nhạt (thôn Giáp Tư, là thôn “anh hai” cầm múa). Cuối cùng gọi là hai pho tượng “Tùy trắng”, hai pho này mặt sơn trắng, có đặc điểm là mũi rất to, miệng rất rộng, (do người của thôn Giáp Tư, thôn “em út” cầm múa).

Sáu đầu tượng nhỏ hơn làm bằng gỗ đặc, người cầm ở cổ tượng, dài khoảng 30cm, nặng khoảng 1kg/tượng. Gồm các pho: Hai pho tượng Tiên; một tượng gọi là tượng Chàng; một tượng Hậu (hoặc gọi là tượng Nàng Ruông); một tượng ông Mách (tựa như nhân vật dẫn chuyện), và cuối cùng là tượng ông Chớp. Những tượng này đội mũ hoặc vấn tóc theo lối cổ, chân dung cũng rất tươi tỉnh. Mỗi một loại tượng đều có bài múa và hát kèm theo (múa hát Dâng Chàng, Dâng Tiên...).

Nhạc cụ của buổi trình diễn thuần túy là dùng bộ gõ, gồm 2 cái mõ làm bằng gốc tre; 1 trống bảng (đường kính mặt khoảng 40cm, gõ bằng mảnh nứa chứ không phải bằng dùi); 2 trống cơm; 2 thanh la; 1 trống cái để gõ cầm canh chuyển làn điệu; 1 chuông đẩu và 1 trống thày bói dùng để gõ theo trống cái. Khi hát thì có hai người hát, phải khoanh tay mà hát. Tuy chỉ có một bộ gõ thôi, nhưng tới 26 bài ca, 32 làn điệu rất phong phú và phức tạp tinh kỳ (có một bài cuối cùng là bài Dâng Phú, đến màn này là bài văn ca có nhiều tên “húy” của các thánh. Do vậy không được ghi ra giấy, các ông trùm phường rối quỳ đọc lẩm nhẩm, đánh trống lấp tiếng đi không ai nghe rõ. Bài Dâng Phú chỉ được truyền khẩu riêng cho những người kế nghiệp làm trùm phường).

Các con rối của các kiểu rối cạn khác thì gọi là “quân rối” hay “con trò”, riêng quân rối của trò Ổi lỗi được gọi là “Thánh tượng”. Mỗi khi lấy tượng ra biểu diễn (thường ngày cất trong hòm ở giữa chùa, sau gian chính thờ Phật), các cụ phường rối phải áo the khăn xếp, thắp hương cúng lễ cẩn thận. “Áo mặc” cho “thánh tượng” gọi là “the”, vừa là phủ từ cổ tượng trở xuống, vừa che tay người cầm luôn. Khi biểu diễn thì các cụ mắc tấm màn che vào hai cây cột giữa tiền đường trong lòng chùa, người cầm rối múa, hát, gõ nhạc cụ đứng sau tấm màn đó, mặt quay về phía ban thờ Phật và ban thờ đức thánh Từ Đạo Hạnh (thế nên mới gọi là múa rối hầu thánh, mục đích là để “thánh xem” chứ không phải chỉ cho “người xem”). Người múa cầm các quân rối giơ tay múa trồi lên trên tấm màn che (gọi là “dàn”), múa từ trái sang phải. Vì các quân rối khá nặng, nên không khỏe thì không cầm múa lâu được (mỗi đêm diễn phải từ 4 - 5 tiếng đồng hồ), có người mỏi tay, đánh rơi cả tượng rối lăn long lóc...
 
(Còn tiếp)
Đã có một thời chủ trương “bài phong” khiến tượng rối phải đem đi giấu. Rồi được Bảo tàng tỉnh mượn để tới khi đòi được tượng rối về, thì bị vặt hết cả râu tượng... Trò Ổi lỗi, một trong những màn trình diễn dân gian đặc sắc xứ Bắc đã trải qua nhiều thời khắc thăng trầm và nay đang đứng trước nguy cơ mai một... Đón xem tiếp câu chuyện về số phận của trò Ổi lỗi hay Rối Đầu Gỗ tại Nam Giang, Nam Định, trong chuyên mục Báo động từ vốn di sản trên TT&VH Cuối tuần số tới.
 
Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link