Từ chuyện một cây gạo “qua đời”...

25/06/2008 14:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Đó chỉ là một cây gạo cổ thụ bình thường trong một làng quê nhỏ. Nhưng đối với chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên ở làng quê đó thì sự ra đi của cây gạo thực sự là một mất mát. Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ tới cây đa Tân Trào. Khi cây đa đứng trước nguy cơ bị chết, lập tức được nhiều cấp, ngành quan tâm tìm các phương án để cứu chữa...Giá như tất cả các cây cổ thụ gắn liền với ký ức của mọi miền quê đều được quan tâm, chăm sóc như những... người cao tuổi, thì có lẽ...
 Cụ gạo lúc sinh thời

1. Đó cây gạo ở quê tôi: Thôn Thạch-xã Thạch Xá-huyện Thạch Thất-tỉnh Hà Tây. Xin phép phải gọi cây gạo này bằng Cụ - vì khi tôi sinh ra, bước những bước chân lon ton ra phía đầu làng, đã thấy Cụ lừng lững một góc trời, thân cành tua tủa đâm lên trời xanh. Tôi đứng dưới gốc Cụ, tay bấu lấy những u mấu sần sùi, săn chắc và đoán rằng, chắc Cụ đã sống lâu trăm tuổi.

Những năm tháng tuổi thơ của tôi dần dần cũng trôi đi, tôi lớn lên cùng với sự già đi của Cụ gạo. Và những trò chơi của bọn trẻ chúng tôi quanh gốc gạo làng cũng mãi là một kỷ niệm ấu thơ của tôi, của những đứa bạn như Cường, như Quang, như Toán, như Tuấn, như Kiểm, như Chung, như Chinh… Bây giờ mỗi đưa một nơi, mỗi đứa một nghề. Kiểm trôi dạt vào Sài Gòn sinh cơ lập nghiệp. Tuấn cũng như nhiều bạn khác ở lại làng, lấy vợ sinh con, nhưng Tuấn mở xưởng mộc ngay chếch gốc Cụ gạo, và không rõ nhờ phúc phận hay nhờ “lộc” Cụ mà sớm trở thành đứa thành đạt nhất, sắm xe ôtô đẹp làm phương tiện đi lại.

Tôi đã đi khắp cả xứ Đông xứ Đoài, vẫn chưa gặp cây gạo nào già nua và có cái gốc to như vậy. Và từ thành phố mà tôi trở về. Làng lại dang rộng những cánh tay, vẫn mát lành gió đồng xào xạc. Cụ gạo vẫn đứng im lìm, dù cho bây giờ chỗ ấy không còn là nơi cuối làng, và đường bê tông đã chạm đến tận gốc sần sùi của Cụ.

2. Tháng Ba vừa rồi, khi cả xứ Bắc đã thấp thoáng những bông hoa gạo thắp lửa thì tôi đưa đám bạn thị thành về làng, dự hội chùa Tây Phương. Đứa nào cũng xuýt xoa trước cây gạo cổ thụ, và tranh nhau đứng dưới gốc Cụ mà chụp ảnh. Cụ gạo vẫn im lìm những thân cành khẳng khiu. Tháng Ba. Không một bông hoa nở. Tôi hiểu, Cụ đã đến tuổi không thể ra hoa. Nhưng tôi không thể có cách nào khác hơn là viết một bài báo nhỏ, như một lời nhắc nhở tới những cơ quan chức năng của ngành văn hóa, hay của tỉnh Hà Tây với hi vọng có cách gì đó để cứu lấy một biểu tượng của làng Việt – giống như người ta đang nỗ lực cứu cây đa Tân Trào, hay đã từng cứu được một trong 3 gốc gạo của quần thể Chùa Thầy.

Khi viết bài báo ấy, tôi cũng đã biết Sở VH-TT Hà Tây hiện đang chủ trì một đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản cây cổ thụ”. Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tây có 1.140 cây cổ thụ được phân bố rải rác, trong đó chiếm 797 cây (gần 70%) nằm ở các di tích lịch sử, văn hoá còn lại là ở trong các khu dân cư, ngõ làng cổng xóm hay ngoài đồng... Chi li như vậy, cụ thể như thế, nhưng tiếc là, “lời kêu cứu” của tôi trong bài báo ấy quá nhỏ bé nên đã rơi tõm vào thinh không.

Để đến một ngày cuối tháng sáu, tôi về làng, và giật mình, ngạc nhiên khi chỗ Cụ gạo vẫn đứng giờ chỉ còn là một khoảng trống. Người ta thấy Cụ không nở hoa, những thân cành phía trên trụi lá đã bàn phương án… chặt hạ để bán. Bán nhanh để còn được giá. Nếu để thêm thời gian nữa, khi “cái chết” lan xuống đến thân Cụ thì thì chẳng có ai mua nữa. Vì gỗ gạo khi đã khô thì trở nên bở bục, làm củi đun cũng không đỏ bếp. Còn gỗ gạo tươi, thấy người mua bảo mang về để làm áo quan cho những gia đình có người hỏa táng. Nghe nói Cụ gạo hàng trăm tuổi đã “qua đời” đúng vào mùng 1 âm lịch. Người ta chọn ngày ấy, có thắp khấn Cụ bằng một thẻ hương, rồi mang cưa đến. 6 triệu đồng được những người mua Cụ đếm ra sòng phẳng.
 
Và giờ đây chỉ còn một cái gốc và một khoảng trống mênh mông

3. Tôi nao lòng khi nghe mẹ già, 75 tuổi, kể về cái ngày người ta quyết định bán Cụ gạo, về hai ngày xe cẩu đến “hạ” từng khúc một. Mấy hôm ấy, cả làng như có chuyện. Nhà nhà xôn xao, người người ai cũng chạy đến… để nhìn Cụ lần cuối. Những Cường, những Tuấn, những Vân… bạn tôi hôm đó cũng có mặt. Cường còn rút điện thoại di động ra quay lại hình ảnh đến thắt lòng về những khúc gỗ có đường kính tới gần 2 mét nằm chỏng chơ dưới đất, và người ta cũng nhắc nhau ghi lại chân dung người đàn bà bỏ tiền ra mua, lại bỏ tiền thuê thợ thuyền về “hạ” Cụ.

Tôi nghĩ, đã đến lúc phải bắt tay quy hoạch cho vị trí của cây cổ thụ, khi các ngôi làng Việt đang đứng trước “cơn lốc” của đô thị hóa… Khi viết thêm những dòng này, tôi chợt nhớ tới cây đa Tân Trào. Khi cây đa đứng trước nguy cơ bị chết, lập tức được nhiều cấp, ngành quan tâm, tổ chức hội thảo và bàn các phương án để cứu chữa. Hay như 3 gốc gạo cổ thụ trong quần thể Chùa Thầy cũng vậy. Nhờ có sự quan tâm kịp thời mà 1 gốc trong số đó đã kịp hồi sinh, tháng Ba vừa rồi vẫn thả những đốm hoa màu lửa xuống Thủy đình Chùa Thầy.

Sinh, lão, bệnh, tử là điều khó tránh khỏi đối với cả con người, nói gì là một cái cây. Nhưng, nếu cố gắng, thì biết đâu có thể giúp cây gạo phục hồi – tiếp tục là biểu tượng của một ngôi làng Việt cổ?

Nguyễn Thanh Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link