Những “kỷ vật sống" đang mai một dần...

12/03/2008 14:15 GMT+7 | Phóng sự

Gốc gạo đầu làng Thạch Xá
(Thạch Thất, Hà Tây) đã không còn

Nếu có ai hỏi tôi, đâu là biểu tượng của làng quê Việt Nam ở thế kỷ 21 này?, chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại để trả lời: Đây, những gốc gạo già nua sần sùi này.
 
Những gốc gạo luôn đứng ở đầu làng, chỉ im lặng đưa và đón những người ra đi và trở về, chỉ im lặng bừng thức những bông hoa lửa vào mỗi độ tháng ba.
 
Theo thời gian, tránh đi sự tụt hậu, làng quê đang dần dần khoác lên mình tấm áo mới. "Khuôn mặt quê" đương nhiên phải đổi khác. Đừng cực đoan nhìn quê trong một góc nhìn mang tính "bảo tồn" có lợi cho một nhóm người và thiệt thòi cho những cư dân vùng đất...

Nhưng, những gốc gạo già này, và cả những gốc đa, hay cái giếng làng hay những sân kho, đình làng, ao làng kia nữa... thì rõ ràng là cần, để khu biệt với những khu phố xá hay những làng bản mang sắc màu văn hóa khác. Và, mãi mãi, những gốc cổ thụ mang màu thời gian này, thì cần lắm sự bảo tồn, cần lắm sự chăm sóc và vun trồng để thực sự là biểu ượng của những làng Việt…

Câu chuyện “cứu” cây đa Tân Trào gần đây đã được một số tờ báo đề cập, trong đó có TT&VH. Có khá nhiều người quan tâm, từ nhà sử học, nhà khoa học cho đến những người nông dân hay ông chủ của một vườn cây cảnh ở Hà Nội. Tuy nhiên, cây đa Tân Trào thì tiếp tục héo mòn và rơi rụng thân cành.
Cây đa Tân Trào đang gặp nhiều nguy cơ
Tôi may mắn đã được ngồi dưới tán cây đa Tân Trào này để chụp một tấm ảnh khi cây còn xanh tốt. Và tới bây giờ, khi thấy những cành cây đa đã bị cắt cụt được đưa lên một diễn đàn du lịch trên mạng internet, tôi thấy rõ sự trống rỗng giống như là mất mát.
Cây đa Tân Trào khi còn khỏe
 
Ở Hà Nam, cách đây chừng 3 năm, tôi đã bị mê hoặc suốt một thời gian dài bởi con đường hoa gạo tuyệt đẹp bên dòng kênh dẫn nước (kèm ảnh). Dù đây chưa thực sự là những gốc cổ thụ lưu niên, nhưng cứ mỗi dịp tháng ba đến, tôi đều ao ước trở lại.
Hàng cây gạo ở Hà Nam từng tồn tại
Tuy nhiên, chỉ với một quyết định mở đường, trong lần trở lại hồi tháng ba năm ngoài, những “biểu tượng” ấy cũng đã biến mất, hay nói cách khác, chỉ còn trong kí ức - trên những bức ảnh.

Nhiều người trong chúng ta hẳn vẫn chưa quên những gốc cây cổ thụ từng là hình ảnh thân thuộc gắn với các thắng cảnh ở Hà Nội như cây gạo trước cổng đền Ngọc Sơn, cây đa trong khu di tích Cổ Loa.

Cây đa ở Cổ Loa mất đi để lại bao nuối tiếc

Còn bây giờ, suốt hàng chục năm nay, cây gạo được người ta trồng thế vào vị trí cũ vẫn chưa thể tỏa bóng che được khoảng trống đó. Thế mới biết, phải đặt mình vào vị trí người trồng cây, hàng ngày vun trồng và chăm sóc, thì mới thấy được để một mầm cây trở thành cổ thụ cần bao nhiêu sức lực và thời gian.

3 gốc gạo cổ thụ gắn liền với thủy đình của quần thể thắng cảnh Chùa Thầy ở Hà Tây, từng được quay phim Nguyễn Hữu Tuấn khai thác trong phim Bến không chồng cũng phải tới lúc báo chí lên tiếng thì mới được quan tâm. Và sau 6 năm (từ 2002), khi chúng tôi trở lại Chùa Thầy trước ngày hội hàng năm diễn ra vào cuối tuần này (7/3 âm lịch), thì 2 cây gạo đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một cây với duy nhất một cành hoa ủ rũ.

3 cây gạo chùa Thầy từng lên phim
 nay chỉ còn một cây

Rồi đây làng quê sẽ “thay da đổi thịt” với những ngõ xóm khang trang, sạch sẽ; những con đường làng rộng rãi và ôtô đậu kín ven đường. Đó là một giấc mơ đẹp và đó cũng là một hiện thực. Và khi đó, chúng ta chỉ có thể nhận diện ra làng quê qua những cây đa, gốc gạo cổ thụ tỏa bóng xuống ao làng hay đình làng. Một làng quê cổ kính và truyền thống, ấy là khi có những “nhân chứng” sống qua thời gian. Tôi nhớ tới sự ví von của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – một người lớn lên và hiện gắn bó với Làng Chùa (Hà Tây) -những cây cổ thụ như những “công dân chính thức” của một vùng đất, có tính cách và có cả linh hồn. Và ông cũng cho rằng: “Khi một cái cây biến mất thì nó để lại nơi đó một lỗ thủng. Nó để lại một sự trống rỗng không bù đắp được. Một ngôi nhà bị đổ có thể xây lại trong hai, ba năm. Nhưng một cái cây 100 năm tuổi biến mất chúng ta phải đợi 100 năm nữa mới được nhìn thấy”. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã đồng cảm: “Tôi nghĩ để xây một toà nhà trăm tầng nếu đủ tiền thì chậm lắm 10 năm là xong. Nhưng trồng cây thì có dùng bao nhiêu tiền đổ vào gốc cũng chẳng thể có được như cây đã chết. Cái cây nó cũng giống như con người, cũng sinh- lão- bệnh- tử, cuộc sống của nó cũng cần có thời gian và cả tình yêu nữa”.

Xin đừng để, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng sẽ được cha mẹ dẫn tới vườn Bách Thảo để giới thiệu, đây là cây đa, kia là cây gạo… Xin hãy bắt đầu, khi đang trở nên quá muộn…
 
Nguyễn Thanh Bình

“Mỗi cái cây trong thành phố bị hạ gục bởi cưa máy sẽ mãi mãi ra đi như những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta hãy tưởng tượng một ngày tỉnh giấc, chúng ta không còn nhìn thấy một cái cây nào nữa ở trong vườn, trước cửa nhà hay dọc con phố của mình. Có thể chúng ta không nhận thấy sự cần thiết vô cùng của họ trong một thời gian dài. Nhưng tâm hồn chúng ta sẽ giống như người ủ bệnh nhiều năm” (Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều) 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link