21/03/2011 10:56 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, sáng 19/3, tại đền Quán Đế (28 - Hàng Buồm, Hà Nội) đã diễn ra lễ ra mắt album Ca trù - Singing house. Đây là CD chung đầu tiên của 2 tên tuổi trong làng ca trù hiện nay: Danh cầm Nguyễn Phú Đẹ và đào nương Phạm Thị Huệ (hiện là giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia).
Với 6 bài ca trù chọn lọc, album là thành quả và sự nỗ lực của Phạm Thị Huệ sau 5 năm, kể từ ngày được hai người thầy là nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và danh cầm Nguyễn Phú Đẹ đồng ý cho làm Lễ mở Xiêm áo (ngày 28/5/2006) để trở thành danh cầm chuyên nghiệp, được phép đi hát, mở lớp dạy học trò.
TT&VH trò chuyện cùng chị sau buổi ra mắt album.
* Tại sao lại là Ca trù- Singing house. Chắc hẳn cái tên có cả tiếng Việt, tiếng Anh này hẳn phải có nhiều ý nghĩa, thưa chị?
- Tôi nghĩ rằng âm nhạc là không biên giới và chính nó là một trong những cánh cửa mở ra để trao đổi giữa các nền văn hóa khác nhau. Ca trù hiện nay đã là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi nghĩ việc sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh cũng là sự thể hiện tính không biên giới của môn nghệ thuật này. Đây cũng là ước mong được truyền thông điệp về ca trù với các bạn bè quốc tế. Vì hiện nay, có rất nhiều người nước ngoài quan tâm đến ca trù, coi nó như một thể loại hát chơi. Tôi dùng từ Singing house của tiếng Anh cũng muốn diễn đạt điều đó. Trong qua trình truyền dạy ca trù, rất nhiều người hỏi tôi ở đâu bán đĩa về ca trù, bao giờ thì chị ra mắt đĩa...; và từ những ý tưởng, mong muốn của họ tôi đã ra đĩa này.
* Album không nhiều, chỉ gồm 6 bài, chắc hẳn ở đây đều là những bài đặc sắc nhất ấp ủ trong nhiều năm hát ca trù của chị?
- Trong giai đoạn hiện nay khi chưa có nhiều người Việt Nam quan tâm đến ca trù này, thì số lượng không quan trọng mà quan trọng phải là chất lượng. Chính vì thế mà tôi chỉ chọn 6 bài mà tôi cảm thấy ưng ý nhất. Đó là: Thét nhạc (thơ cổ), Gửi thư (thơ cổ), Chữ Nhàn (Nguyễn Công Trứ), Giai nhân nan tái đắc (Cao Bá Quát), Phận hồng nhan (Cao Bá Quát), và Tràng An hoài cổ (Cao Bá Quát). 6 bài này là sự cảm ơn, tri ân với những người thầy đã cho tôi câu hát tiếng đàn chắt chiu cả đời người. Bên cạnh đó, tôi cũng hi vọng các bạn trẻ sẽ thích ca trù và sẽ cố gắng gìn giữ cũng như vượt lên chính mình, ra những sản phẩm CD như tôi. Đặc biệt, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, trong album này ghi lại tiếng đàn của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, kép đàn duy nhất còn có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát ca trù cửa đình. Cụ cũng là người đã lưu giữ những ngón đàn mà các nhà nghiên cứu gọi là “độc chiêu”.
* Trong quá trình thu album này, chị và nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ có gặp những khó khăn về tập luyện? Kỹ thuật phòng thu có làm mất không khí biểu diễn của ca trù như khi nghe trực tiếp?
- Thực ra nghe biểu diễn ca trù trực tiếp và nghe qua CD là có sự khác biệt rất lớn. Hiện nay, vào thứ Bảy hàng tuần tại 28 - Hàng Buồm, chúng tôi tổ chức biểu diễn ca trù. Chúng tôi hát mộc hoàn toàn, truyền cảm trực tiếp tới khán thính giả. Còn khi ra CD, ca trù sẽ có thêm cơ hội đến được với nhiều người hơn, nhưng đồng thời cũng sẽ gặp những rào cản so với việc được thưởng thức trực tiếp, nhất là việc hiểu lời ca, tiếng đàn. Tôi thường khuyên thính giả của tôi hãy nghe ca trù bằng cả trái tim, đừng cố gắng phải hiểu chi li... Chúng ta có nghe được âm nhạc của nước ngoài thì không có lý do gì chúng ta không thưởng thức được âm nhạc dân tộc mình!
Vào 8h tối thứ Bảy hàng tuần tại 28 Hàng Buồm, Giáo phường ca trù Thăng Long của Phạm Thị Huệ tổ chức hát ả đào, có thu phí để trang trải các hoạt động và hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài.
* Trong làng ca trù hiện nay, chị là nghệ nhân duy nhất được biết đến với tư cách là “đào đàn” (có thể vừa đàn vừa hát). Chị cũng đã học hết các ngón đàn “độc chiêu” của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, vậy tại sao chị không ra một album riêng?
- Để làm riêng một album là dự định trong tương lai. Cần ghi âm lại tiếng đàn tuyệt kỹ của cụ Đẹ là điều tôi mong muốn và đây còn là kỷ niệm của thầy trò, điều mà cần lưu giữ lại. Tôi cũng đang ấp ủ dự án sẽ ra đời CD riêng với nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc nữa.
* Chị từng nói rằng ca trù rất khó học và các nghệ nhân khó “xiêu lòng” khi nhận học trò, chỉ truyền dạy cho những học trò “chân truyền”. Nhưng khi đã thành “thầy”, chị lại rất cởi mở với các bạn trẻ?
- Thực ra tôi cũng kén học trò vì ca trù quá khó học, không dễ như các môn hát khác, chỉ 5-10 ngày thì không học nổi. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, nếu tôi kén thế, thì có khi đến 80 tuổi mới tìm được học trò. Đấy là lý do tại sao tôi mong muốn cởi mở với tất cả các bạn trẻ, những ai muốn học ca trù tôi đều cố gắng truyền dạy.
Thực ra, trong ca trù có khoảng hơn 20 làn điệu và khoảng 100 bài. Nói tôi học hết của các thầy rồi thì không đúng, phải học kinh nghiệm cả đời, đến tuổi các cụ có khi tôi mới hoàn thiện được.
* Xin cảm ơn chị!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất