Thể thao Việt Nam 2016: Olympic, ABG và bóng đá

04/01/2016 05:46 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sau một năm 2015 khá "im ắng" chỉ với SEA Games 28, thì năm 2016 chắc chắn sẽ "nhộn nhịp" khi Thể thao Việt Nam không chỉ tham dự Thế vận hội mùa hè tại Rio de Janeiro (Brazil) mà còn tổ chức Đại hội thể thao bãi biển - ABG lần thứ V tại Đà Nẵng.

Và dĩ nhiên không thể không nhắc đến một mùa sôi động, nhưng cũng đầy thách thức thành - bại của bóng đá.

SEA Games 28 được xem là một kỳ Đại hội khu vực thành công nhất của Thể thao Việt Nam khi 85% số HCV giành được đều thuộc về các môn Olympic - thước đo chuẩn cho sự phát triển của bất kỳ nền thể thao quốc gia nào. Nhưng thành công đó có thực sự trọn vẹn hay không, thì Olympic Rio 2016 chính là câu trả lời.

Olympic Rio và giấc mộng huy chương

Từng tham dự 8 kỳ Thế vận hội tính từ Olympic 1980 tại Liên Xô (cũ) và với 2 tấm HCB của Hiếu Ngân (Sydney 2000) cùng Hoàng Anh Tuấn (Bắc Kinh 2008), Thể thao Việt Nam đã ghi danh lên ngôi đền dành cho những người chiến thắng trên đỉnh Olympia cùng 145 quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Tuy nhiên, với một nền thể thao về cơ bản chưa vượt ra khỏi tầm khu vực, Olympic vẫn cứ là cái sân chơi quá tầm và việc giành huy chương vẫn cứ là giấc mộng lớn. Olympic Rio 2016 cũng chẳng là ngoại lệ. Đặt chỉ tiêu có khoảng 15 suất tham dự chính thức, tức là vượt qua vòng đấu loại châu lục và thế giới, tính tới hết năm 2015, Thể thao Việt Nam mới chỉ có được 6 của: Ánh Viên (bơi); Xuân Vinh, Quốc Cường (bắn súng) cùng 3 suất của cử tạ (chưa chốt danh sách cụ thể).

Theo tính toán của giới quản lý chuyên môn, các suất còn lại được trông vào những: Hoàng Quý Phước (bơi); Nguyễn Thị Huyền (điền kinh); Phan Thị Hà Thanh, Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ); Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông), cùng môn như rowing, taekwondo, boxing nữ...

Thực tế, 15 suất đi "cửa chính" là hoàn toàn có thể, thế nhưng, cơ hội để tranh chấp tấm huy chương lịch sử thứ 3 lại là không nhiều. Đơn cử như Ánh Viên, dù đang là gương mặt số 1 của cả làng thể thao quốc gia, được tạp chí  Swim Swam của Mỹ xếp trong Top 5 nữ VĐV bơi châu Á xuất sắc năm 2015, thì vẫn còn một khoảng cách lớn nếu so với thành tích giành huy chương thế vận hội.

Chẳng khó để nhận ra cửa huy chương của Thể thao Việt Nam vẫn chỉ trông vào 1, 2 gương mặt đạt tới đẳng cấp thế giới như Thạch KimTuấn (cử tạ), Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Xuân Vinh (bắn súng)... Nói giấc mộng là thế!



Hy vọng huy chương của Thể thao Việt Nam ở Olympic Rio 2016 vẫn chỉ trông vào 1, 2 gương mặt đạt tới đẳng cấp thế giới như Thạch KimTuấn. Ảnh: Hữu Quý

ABG V cùng bài toán gắn kết du lịch

Xin rút quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019, nhưng trong năm 2016, Thể thao Việt Nam vẫn là chủ nhà của một ngày hội thể thao châu lục khác, Đại hội thể thao bãi biển châu Á - Asian Beach Games (ABG) lần thứ V tại Đà Nẵng.

Là 1 trong 4 Đại hội thể thao châu lục thuộc Hội đồng Ủy ban Olympic châu Á (OCA), ABG được tổ chức lần đầu vào năm 2008 tại khu du lịch nổi tiếng Bali (Indonesia) nhằm mục tiêu phát triển các môn thể thao biển mang tính giải trí, qua đó quảng bá tiềm năng du lịch biển của các quốc gia trong khu vực.

Vinh danh tài năng thể thao TP.HCM năm 2015

Vinh danh tài năng thể thao TP.HCM năm 2015

Sau gần 2 tháng phát động và tiến hành bầu chọn, tối 31/12, BTC đã chính thức công bố những cá nhân và tập thể xuất sắc nhất của thể thao TP.HCM năm 2015.


Những mục tiêu đó rõ ràng càng trở nên quan trọng hơn với Việt Nam, quốc gia có hơn 3000 km đường bờ biển với rất nhiều tiềm năng kinh tế, xã hội. Bởi vậy, không khó để nhận ra, dù đây là lần đầu tiên đăng cai tổ chức sân chơi này với 14 môn thi đấu với 22 phân môn và 165 bộ huy chương cùng khoảng 3.100 VĐV đến từ 45 đoàn thể thao của quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á tham gia, thì yếu tố chuyên môn thể thao không hẳn đã là lớn nhất.

Điều quan trọng hơn, phải xác định ABG V tại Đà Nẵng là cơ hội thuận lợi để quảng bá du lịch biển, thu hút khách du lịch, khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch biển kết hợp với thể thao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình thể thao khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, và của Việt Nam.

Bài học về Đại hội thể thao trong nhà châu Á - Asian Indoor Games lần thứ III năm 2009 rõ ràng chưa hề nguội, khi mà Thể thao Việt Nam cũng đã phải rất tốn kém để tổ chức, thậm chí đứng thứ 2 toàn đoàn, nhưng tính hiệu quả thì rất ít.


Không phải VCK U23 châu Á, AFF Cup mới là sân chơi chính của BĐVN trong năm 2016. Ảnh: Phạm Tuân


Bóng đá trông cả vào AFF Cup

Bóng đá chính là môn mở hàng cho Thể thao Việt Nam 2016 bằng chuyến du đấu VCK U23 châu Á của đội tuyển U23 tại Qatar. Nhưng có lẽ xét cả về năng lực, trình độ lẫn tham vọng chinh phục, thì AFF Cup vào cuối năm nay mới là mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam.  

Thậm chí, so với 2 năm trước, giải đấu này còn được đặt kỳ vọng nhiều hơn, khi mà lứa cầu thủ tài năng của HAGL gồm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường gần như chắc chắn có mặt sau một thời tu nghiệp tại Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như được rèn giũa cùng đội tuyển ở giải U23 châu Á cũng như vòng loại World Cup 2018 - Asian Cup 2019.

Điều mà có lẽ không ai dám dự báo trước là ai sẽ ngồi trên chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia dự AFF Cup vào cuối năm nay khi mà tương lai của ông thày Nhật Toshiya Miura đang bị bỏ ngỏ...

Cũng như đội tuyển nam, đội tuyển nữ với vị thuyền trưởng mới mà cũ Mai Đức Chung cũng sẽ có 2 giải đấu quan trọng trong năm nay. Mở đầu sẽ là vòng loại cuối môn bóng nữ Olympic Rio 2016 khu vực châu Á tại Nhật Bản, đến cuối tháng 5 sẽ là giải bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á.

Ngoài ra, trong năm 2016 còn các giải đấu quốc tế đáng chú ý khác như: VCK giải U19 và U16 nam châu Á; VCK futsal châu Á... và dĩ nhiên, cả sân chơi nội mùa giải 2016 vốn luôn ẩn chứa mọi bất ngờ.

Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link