29/10/2014 12:55 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Cái tên Lê Văn Công cũng là niềm tự hào khác của thể thao khuyết tật Việt Nam hiện tại. Với thành tích 181,5 kg, Lê Văn Công đã phá kỷ lục thế giới do VĐV Yakubu (Nigeria) thiết lập ở giải vô địch thế giới hồi tháng 4 năm nay.
Dù không phải đối chọi với VĐV lão làng người Nigeria ở ASIAN Para Games II, nhưng Lê Văn Công lại vướng phải những khó khăn khác trong nỗ lực chinh phục tấm HCV.
Văn Công tâm sự: “Thời tiết quá lạnh ở Hàn Quốc vừa rồi khiến tôi bị cóng tay và rất khó thao tác. Hơn nữa chưa bao giờ tôi chinh phục thành công mức tạ 181,5kg trong các giải đấu nên cũng hơi hồi hộp. Nhưng rồi mọi chuyện cũng đã diễn ra như đúng mong đợi. Khi chinh phục thành công mức tạ, tôi nghĩ ngay đến gia đình và những người thân của mình. Thành công vừa rồi là những tháng ngày nỗ lực không ngừng trên sàn tập. Để chinh phục thêm 0,01gram thôi cũng đã là vấn đề chứ chưa nói đến việc phá kỷ lục thế giới”.
Giống như Thanh Tùng, Văn Công cũng có nghề sửa chữa đồ điện tử chỉ cho mức thu nhập vài triệu đồng/tháng. Nhưng vì thường xuyên phải tập luyện và thi đấu xa nhà nên Văn Công phải chấp nhận gác sự nghiệp sang một bên.
Tại ASEAN Para Games hồi đầu năm, Văn Công chinh phục thành công mức tạ 176kg để tái lập kỷ lục thế giới với Yakubu (Nigeria). Ở giải VĐTG hồi tháng 4, Văn Công đã đua tài với Yakubu trong trận chiến mà anh và HLV Nguyễn Hồng Phúc tuyên bố là “sướng nhất trong sự nghiệp”.
Văn Công chinh phục mức 180kg trước khiến Yakubu chịu nhiều sức ép. Nhưng ngay sau đó, lực sĩ đang giữ thành tích vô địch Paralympic đã vượt lên ở mức tạ 181kg và cũng phá kỷ lục thế giới. Với thành tích ở đẳng cấp thế giới mới đây, Văn Công đương nhiên là kỳ vọng hàng đầu cho thể thao khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Brazil 2016, đấu trường mà thể thao Việt Nam chưa thể vươn tới trong quá khứ.
Đánh giá về cậu học trò, HLV Nguyễn Hồng Phúc cho biết: “Để đạt được thành tích như Văn Công là ước mơ của rất nhiều người. Trong hoàn cảnh khá thiếu thốn từ tập luyện lẫn chế độ dinh dưỡng như hiện nay nhưng Văn Công đã cho thấy sự tiến bộ không ngừng.
Với một người lành lặn chuyên huấn luyện cho các VĐV khuyết tật như tôi thì tôi nghĩ nên dùng từ phi thường để nói về những VĐV khuyết tật. Dù gặp không ít bất công trong cuộc sống, nhiều người phải làm thợ đụng, cuộc sống bấp bênh nhưng họ vẫn vượt lên bản thân, sống tốt bằng nghị lực của mình.
Sang Hàn Quốc, tôi thấy người khuyết tật được chăm lo đầy đủ hơn so với Việt Nam. Từ chỗ đi đứng, ăn ở, những dụng cụ chuyên biệt cho người khuyết tật đều có đầy đủ.
Dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng chúng ta vẫn chưa thể so sánh với nhiều nước về chuyện chăm lo cho người khuyết tật. Hy vọng trong thời gian tới, xã hội sẽ có những sự quan tâm tốt hơn cho những con người có số phận không may trong cuộc sống”.
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất