LH Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012: Kịch Nam đang “thắng thế”?

23/07/2012 14:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Với các sân khấu kịch nói ở TP.HCM, lâu nay vẫn bị đánh giá là thiên về giải trí, hài hước, câu khách… mà thiếu tính chính luận. Thế nhưng, đến nay, với những gì đã thể hiện ở liên hoan tại Huế, đánh giá ấy dường như được nhìn ngược lại.

Liên hoan có 20 đơn vị tham gia với 26 tác phẩm, trong đó, 10 vở diễn của 8 đơn vị đến từ TP.HCM đều của tư nhân. Họ không chỉ “nóng” với Làm…!, Nước mắt người điên (Kịch Hồng Vân), Hồn ma báo oán (Kịch Sài Gòn)…; mà còn hai vở chính luận sâu sắc là Tội ác quyền lực (Kịch Sài Gòn) và Âm binh (Nhà hát Thế giới trẻ) - những tác phẩm phê phán nhiều khía cạnh xấu của xã hội đương thời.



Cảnh trong vở Tội ác quyền lực

Khi kịch Nam đa diện…

Trả lời báo giới, ông Vương Duy Biên (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) cho biết đây là liên hoan chỉ chấp nhận những vở diễn đề tài hiện đại, vì “sân khấu kịch hiện nay đang yếu về các vấn đề nóng bỏng của xã hội, trong khi đây chính là nhiệm vụ quan trọng của thể loại này. Chúng tôi muốn khuyến khích những nhà hát nói thẳng, nói thật chứ không cần thiết phải mượn xưa nói nay nữa”.

Tất nhiên đây cũng chỉ là ý kiến tương đối mà thôi, vì đơn cử như vở Làm…! của Kịch Hồng Vân, vốn chuyển thể từ tác phẩm Làm đĩ mà Vũ Trọng Phụng viết từ đầu thế kỷ 20, về lịch đại, thì đúng là hiện đại, nhưng về tâm thức truyền thống của người Việt thì chưa chắc. Bởi so với áo dài, phở, cải lương… thì Làm đĩ cũng có tuổi đời tương tự, nên trong trường hợp này cũng chỉ là “mượn xưa nói nay” mà thôi. Đó là chưa nói, tính thời đại và bối cảnh thời đại trong nghệ thuật rất khác nhau, “mượn xưa nói nay” sao cho hiệu quả với đương thời, cũng đáng khích lệ.

Tưởng giới hạn như vậy thì sẽ đơn điệu, vì như TT&VH từng đề cập, những vở như Bí mật vườn Lệ Chi, Vương thánh triều Lê… xứng đáng tham dự bất kì liên hoan chuyên nghiệp nào, bởi cách dựng của nó chỉ làm phong phú thêm cách nhìn. Thế nhưng, rất may 10 vở “hiện đại” của kịch miền Nam lại đủ sự đa diện, để người xem có thể “tạng nào thức nấy”. Chống lộng quyền, độc quyền; nỗi buồn Nam bộ; mâu thuẫn giàu nghèo; kinh dị; hiện thực phê phán; tâm lý xã hội… đều có.

… Và “tung chưởng”

Kịch miền Bắc vốn mạnh về chính luận, nhưng tại liên hoan này thì đang tỏ ra yếu thế, vì chưa có vở nào có thể so sánh với Tội ác quyền lực (KB: Nguyễn Đăng Chương, ĐD: NSND Trần Ngọc Giàu). Nó kể về một kỹ sư vì quyền lực mà tống đứa con nghiệp ngập ra đảo với danh nghĩa làm lính giữ đảo, rồi anh mơ chức chủ tịch huyện với nhiều tội ác với nhân dân, đồng nghiệp. Đây là một bi kịch của đất nước thời kỳ phát triển; thời tranh chấp biên cương, hải đảo; lúc chỉnh đốn Đảng… Vở diễn không có ngôi sao này thực sự đã làm bất ngờ người xem, vì ít ai nghĩ kịch miền Nam, đặc biệt là Kịch Sài Gòn của Phước Sang lại “tung chưởng” mạnh bạo như vậy.

Nhận định về vở này, nhà phê bình sân khấu - TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: “Đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã tổ chức vở diễn theo một cách hoàn toàn khác. Theo tôi, bản dựng này hay hơn hẳn, do bàn tay đạo diễn đã làm mới lạ, khác lạ và làm thăng hoa kịch bản gốc. (…) Đối thoại được dựng bởi một tiết tấu nảy lửa, chan chát, nhất là trong xung đột giữa quyền lực, danh vọng và lý tưởng sống, sự trung thực, hi sinh. Mảng miếng đạo diễn rất rõ ràng, mạch lạc, với mục đích nhất quán.

Đạo diễn rất coi trọng và chăm sóc sự “quăng bắt” giữa diễn viên trong thể hiện những liên hệ bên trong của nhân vật chứ không phải những “quăng bắt” hời hợt bên ngoài. Tất cả nhằm mài sắc chủ đề ‘phía sau quyền lực’ của một số nhân vật quan chức là sự giả dối, thủ đoạn, thậm chí tội ác; đối lập với họ là những người trẻ trung quả cảm, trung thực. Vở kịch kết thúc bằng cách bỏ ngỏ để người xem tự suy nghĩ và lựa chọn thái độ sống của mình. Đây chính là cách kết thúc đích đáng của một tác phẩm kịch chính luận”.

Một vở chính luận khác cũng lấy được nước mắt và sự ngưỡng mộ của người xem và giới chuyên môn là Âm binh (KB: Nguyễn Quang Vinh, ĐD: Xuân Hồng); làm một nghệ sĩ kì cựu như NSND Đoàn Dũng phải khóc khi lên tặng hoa. Vở nói về những hệ lụy của chiến tranh, của hai chiến tuyến, mà cụ thể là Quảng Trị mùa Hè đỏ lửa 1972, nơi âm hưởng đau buồn kéo dài hơn 30 năm sau ngày giải phóng.

Những “sao” của liên hoan

Những cảnh nóng đến chân thực và đầy chất điện ảnh trong hai vở diễn Làm…!Nước mắt người điên có đóng góp không nhỏ của “Ốc” Thanh Vân. Tại Kịch Hồng Vân, cùng với Thái Hòa, Thanh Vân là gương mặt “ăn khách”, thuộc thế hệ nghệ sĩ mới. Cách diễn rất đời và sinh động của nữ diễn viên này có thể nói là “hàng độc” tại liên hoan lần này, bởi giới làm nghề cứ nghĩ kịch là ước lệ, trong khi ở đây là trực diện, “sexy” đúng như ý đồ và yêu cầu của kịch bản, vở diễn.

Hoàn toàn ngược lại, chẳng sexy, hài hước hay ma quái, vai của NSƯT Hoàng Yến trong Âm binh cuốn hút người xem bởi sự dằn vặt chân thật của một người phụ nữ với gánh nặng và đau khổ. Từng thành công với vai Đặng Thùy Trâm, do Nguyễn Quang Vinh viết kịch bản; trong vở này Nhi của Hoàng Yến là do Nguyễn Quang Vinh “đo ni”, cô không chỉ diễn đạt cho bằng được sự bối rối của người mẹ trẻ trong đêm mất con thơ mà phải nặn sữa cứu hai người lính ở hai chiến tuyến. Hơn 30 năm sau, sự bất hòa, nghi kỵ lại tiếp tục đặt lên vai của Nhi bao đau khổ.

Một điểm khác biệt của liên hoan lần này là miền Bắc cũng có một số vở được dựng theo phương thức “xã hội hóa”, như: Biển và bờ, Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ, Mùa Hạ cay đắng. Tuy nhiên, do bước đầu làm xã hội hóa, cách dựng của họ vẫn chưa thực sự thoát khỏi những khuôn phép chính quy cũ.

Văn Bảy



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link