Bài 2: LHP Cannes 2010 đã chọn phim như thế nào?

25/05/2010 07:01 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Mặc dù tại Cannes năm nay, phim Việt xuất hiện rầm rộ nhất từ trước tới nay với 1 phim tranh giải trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ của các nhà phê bình, 1 phim tham dự khu vực chiếu phim của khách mời và 1 phim chiếu trailer quảng bá, song tới nay Việt Nam vẫn chưa có phim nào được dự tranh giải thưởng chính thức Cành cọ vàng của LHP Cannes. Vậy LHP Cannes đã chọn phim dự thi chính thức như thế nào?

Ống kính phải bắt mạch thời đại


 Poster phim Trung Quốc Nhật chiếu Trùng Khánh của đạo diễn Vương Tiểu Soái
Ông Thierry Fremeaux, trưởng BTC, nói một cách khái quát tiêu chuẩn chọn phim tại LHP Cannes 2010, là những tác phẩm mà ở đó “điện ảnh phải tiếp tục phản ánh tình hình thế giới. Ống kính đạo diễn phải là phương tiện hữu hiệu nhất để bắt mạch thời đại. Đó là điều mà chúng tôi quan tâm hơn cả”.


Trong 4 tháng, BTC đã xem hơn 1.600 bộ phim để chọn ra khoảng 50 tác phẩm điện ảnh cho các chương trình chiếu phim tại Cannes. Theo họ, Cannes lần này đã có được nhiều bộ phim mang tính thời sự cao với các chủ đề “nóng bỏng một cách bất ngờ”. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay tình hình chính trị bất ổn tại Đông Âu đã được một vài bộ phim đề cập một cách trung thực nhất, như bộ phim tài liệu Inside Job của đạo diễn Mỹ Charles Ferguson, nói về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính lên thị trường lao động hay Money never sleeps của đạo diễn Oliver Stone, là một góc nhìn “từ bên trong” về các sàn giao dịch chứng khoán. Với tình hình tại Đông Âu, ban tổ chức đặc biệt quan tâm đến bộ phim truyện My Joy do đạo diễn trẻ tuổi người Ukraina Sergei Loznitsa thực hiện. Đây là tác phẩm đầu tay của anh, kể lại hành trình xuyên Ukraina của một thanh niên hành nghề tài xế xe vận tải, nhưng cuộc hành trình còn là một ẩn dụ cho thấy toàn cảnh một nước Ukraina nhiều biến động về chính trị và xã hội.

Tuyển chọn để tìm tài năng mới

Về phần mình, Gilles Jacob, giám đốc LHP Cannes 2010, bày tỏ hi vọng cuộc hội ngộ điện ảnh năm nay vẫn duy trì được chất lượng nghệ thuật, mặc dù tình hình chung của ngành công nghiệp sản xuất điện ảnh trong thời điểm này không mấy khả quan. Điều mà ông quan tâm hơn cả là niềm đam mê tìm tòi, khám phá của các đạo diễn nhằm mang lại những bất ngờ thú vị cho bất cứ ai yêu chuộng và quan tâm đến nghệ thuật thứ bảy. “Tôi rất háo hức chờ xem những bộ phim mới, bởi vì, khác với các thành viên trong ban tuyển chọn, tôi ít khi được dịp xem trước mà phải đợi đến các buổi trình chiếu chính thức trước ban giám khảo. Có lẽ chính vì thế mà suốt hơn ba thập niên tham gia ban tổ chức LHP Cannes, năm nào tôi cũng khám phá ra được nhiều điều thú vị trong số các tác phẩm được chọn. Sau các nước Nam Mỹ và Đông Âu, Liên hoan phim Cannes lần này đã có cơ hội đón tiếp đại diện châu Phi với bộ phim Un homme qui crie của đạo diễn Mahamat-Saleh Haroun đến từ Tchad, quốc gia lần đầu tiên gửi phim đến tranh giải Cành cọ vàng. Trong chuyên đề Một góc nhìn khác, tôi thích thú với bộ phim Life above all của đạo diễn Nam Phi Oliver Schmitz”.

Một thay đổi nhỏ nhưng bất ngờ đã đến từ phía châu Á, khi bộ phim Trung Quốc của đạo diễn Vương Tiểu Soái (Nhật chiếu Trùng Khánh) lúc đầu dự định được trình chiếu trong thể loại chuyên đề Một góc nhìn khác nhưng cuối cùng đã được “nâng bậc”, lọt vào danh sách tranh giải Cành cọ vàng.

Cần ủng hộ “làm điện ảnh” theo một cách khác

Đạo diễn Thierry Frémaux, trưởng BTC LHP Cannes 2010, trả lời phỏng vấn L’Express.

* Ông đã gặp những khó khăn gì trong việc tổ chức tuyển chọn phim cho LHP Cannes 2010?

- Tuyển chọn phim là một công việc tế nhị. Năm nay, chúng tôi phải giải quyết hai vấn đề nổi cộm, thứ nhất, các tác giả lớn tham gia ít hơn, kế đến là cuộc khủng hoảng tác động lên quá trình sản xuất phim. Điều này khiến chúng tôi phải cố gắng để có được những khám phá mới và phải làm việc “táo bạo” hơn. Nhưng tôi tin rằng việc tuyển chọn phim năm nay diễn ra tốt đẹp, và tạo được nhiều bất ngờ thú vị.

* Chủ đề của LHP Cannes 2010 là gì?

- Thật ra không thể nói chữ “chủ đề” mà đó là một “hướng đi”. Có nhiều bộ phim được gửi đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, nhưng tại sao chúng tôi lại chọn bộ phim A, hay B này mà không chọn bộ phim C hay D kia? Theo một cách nào đó có thể gọi là “chủ đề”, nhưng đó là một hướng đi xuyên suốt và chặt chẽ, gần như là việc tổng hòa từ kinh nghiệm mà chúng tôi đã đúc kết được qua nhiều kỳ LHP Cannes khác nhau.

* Không kể các trường hợp ngoại lệ, Cannes vẫn luôn là nơi hội ngộ của cùng những gương mặt tên tuổi như nhau. Vậy tại sao chúng ta không tìm thêm xem “thực tế điện ảnh” hiện nay có gì mới hơn ngoài những tên tuổi đã quen thuộc?

- Một câu hỏi tuyệt vời! Bởi chúng tôi chưa từng được hỏi một cách “trực tiếp” như thế. Thông thường, nhiều người phàn nàn là có quá nhiều “người quen” hiện diện tại Cannes. Vậy hãy cho phép tôi giải đáp như thế này: trước hết, những đạo diễn tên tuổi luôn làm ra những bộ phim tầm cỡ, và những bộ phim này sẽ có mặt thường xuyên không phải chỉ ở Cannes mà còn tại tất cả các LHP khác trên thế giới, chúng sẽ được chiếu ngoài rạp, sẽ được in vào DVD, và được chiếu trên truyền hình… Kế đến, ngay khi chúng tôi phải xem rất nhiều bộ phim trước khi tuyển chọn, chúng tôi cũng khó mà có được những kết quả trọn vẹn nhất. Song, chúng tôi cố gắng làm một cách tốt nhất có thể, để không chỉ nhắm vào một hay hai quốc gia nào đó mà thôi. Chúng tôi không thể chỉ quan tâm đến Mexico, Hàn Quốc, Rumani, Trung Quốc, hay Israel, Liban, Palestin… mà năm nay, đã có nhiều đại diện mới đến Cannes tranh tài.

* Ông phải ngồi xem rất nhiều phim, vậy ông có nhớ chính xác chi tiết từng bộ phim một không? Việc xem quá nhiều phim liên tiếp nhau như thế có khiến ông bị “bối rối” khi đưa ra những đánh giá không?

- Bởi vì công việc của chúng tôi là xem phim mà. Tôi có nhiều người bạn là độc giả trung thành của các tác phẩm văn học, còn chúng tôi, nghề nghiệp của chúng tôi là những “khán giả xem phim trung thành”. Phòng chiếu phim đối với chúng tôi là một trong những nơi ấm áp nhất thế giới. Bạn hỏi tôi có nhớ hết tất cả chi tiết các bộ phim không? Đương nhiên là không. Nhưng chúng tôi cảm nhận được tất cả chúng. Có những lần, một vài bộ phim được chiếu lại với một tựa đề khác, nhưng chúng tôi nhận ra ngay.

* Ông nghĩ sao về thực tế LHP Cannes năm nay, khi cuộc khủng hoảng đã giáng một đòn mạnh vào công nghiệp điện ảnh toàn cầu?

- Tôi muốn bạn hiểu rằng quá trình tuyển chọn phim tại Cannes không bao giờ là dễ dàng và phải biết dung hòa giữa nhiều yếu tố. Rõ ràng rằng hiện nay chúng ta đang cần một sự đổi mới trên bình diện thế giới. Điện ảnh là một nghệ thuật công nghiệp cần có tiền để tồn tại. Khi thiếu tiền thì quá trình sáng tạo cũng bị lung lay. Nhưng về lâu về dài, chúng tôi hoàn toàn không bi quan. Song song đó, cũng cần nhắc lại rằng chúng ta cần phải ủng hộ những ai muốn “làm điện ảnh” theo một cách khác.

* Liệu có khi nào LHP Cannes sẽ không còn nữa không? Tôi vẫn tự hỏi rằng Cannes giống như một cuộc diễu hành của những người nổi tiếng hơn là một cuộc bình chọn phim thật sự. Chúng ta vẫn có thể tổ chức đơn giản hơn nhưng kết quả vẫn mỹ mãn như vậy chứ?

- À, cá nhân bạn nhìn vấn đề là thế. Trước đây, có người cho rằng chúng tôi đã quá sa đà theo kiểu “tinh hoa chủ nghĩa”. Tôi nghĩ rằng cân bằng một sự kiện là một công việc khó, nhưng cứ mỗi năm chúng tôi đều cố gắng tìm tòi những cái mới. Còn những người nổi tiếng đến với Cannes? Đó là những người nghệ sĩ đã làm nên một nền điện ảnh cho chúng ta.

* Ông nghĩ sao về sự thành công vượt bậc của Avatar? Kỹ thuật 3D có phải là tương lai của điện ảnh không?

- Tôi rất thích bộ phim Avatar, bởi trước khi nói đó là một bộ phim 3D, tôi nói, đó là một bộ phim hay. Mấu chốt vấn đề ở chỗ này: nếu anh ứng dụng kỹ thuật mới 3D để có được những tác phẩm điện ảnh để đời, thì 3D sẽ còn mãi. Trước đây, một Marcel Poust (nhà văn Pháp) đâu đã có máy vi tính để viết văn, nhưng tác phẩm văn học của ông vẫn sống mãi với thời gian. Nói cho cùng, thật tuyệt vời khi chúng ta có thể quan sát được xem điện ảnh, sau 120 năm ra đời, vẫn còn đầy sức sáng tạo và đổi mới như thế nào.

Cao Điêu (theo L'Express)


Bài 3: Ngoảnh lại và hướng tới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link