09/10/2012 08:00 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Văn hóa đọc VN đang yếu tới mức nào, hay thậm chí là chưa có? Lần thứ... “n”, những vấn đề ấy lại được mang ra mổ xẻ trong cuộc hội thảo về việc thành lập Ngày đọc sách VN (8/10).
Việc chính thức có một ngày đọc sách riêng của VN là ý tưởng được Bộ Thông tin & Truyền thông đưa ra, sau khi chúng ta đã 2 năm liền hưởng ứng ngày Sách và bản quyền thế giới (23/4). Dự kiến, khi thành hiện thực, Ngày đọc sách VN sẽ được tổ chức kèm theo chuỗi hoạt động của một Tuần lễ sách trọn vẹn – chứ không chỉ “thoáng qua” trong 2 ngày như những dịp 23/4 vừa qua.
Sẽ đi trước thế giới... 2 ngày?
“Phải có Ngày đọc sách VN” – 100% các ý kiến tại hội thảo (do Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì) đều khẳng định điều này. Kèm theo đó là hàng loạt lí do: tôn vinh giới làm sách, kích cầu cho ngành xuất bản, khơi lại truyền thống ham học, ham đọc sách trong văn hóa Việt xưa. Tất nhiên, lí do quan trọng nhất vẫn là lời khẳng định đồng thanh của cử tọa về việc văn hóa đọc đang sa sút và khủng hoảng.
Cũng từ lí do đầy bi quan ấy, nhiều ý kiến đề nghị Ngày đọc sách VN cần được tổ chức riêng và kéo dài trong dăm bảy ngày, thay vì đơn thuần “hòa nhịp” với ngày đọc sách chung của thế giới vào 23/4 hàng năm. Từ gợi ý của BTC, ông Nguyễn Kiểm (Phó Chủ tịch Hội Xuất bản VN) ủng hộ nhiệt tình ý tưởng chọn ngày 21/4 hằng năm (vốn được coi là ngày ra mắt tác phẩm Đường cách mệnh của Hồ Chủ tịch) làm Ngày đọc sách VN.
Ông Nguyễn Kiểm cho rằng nên chọn 21/4 là Ngày đọc sách VN |
“Chuỗi hoạt động kéo dài từ ngày 21/4 sẽ giúp chúng ta kết nối với ngày Sách và bản quyền thế giới diễn ra vào 2 ngày sau đó. Đây là quãng thời điểm mà UNESCO, cũng như nhiều cơ quan quốc tế tại VN, rất tích cực chú ý tới văn hóa đọc” - ông Kiểm nói - “Ngoài ra, tháng 4 là dịp sau Tết Nguyên đán, khoảng thời gian thuận lợi cho các hoạt động của người Việt. Tiết Xuân cũng rất phù hợp để tổ chức những hoạt động văn hóa ngoài trời”...
Cũng theo một số đại biểu, tên gọi của sự kiện văn hóa này cần được cân nhắc. Đơn cử, cụm từ “Ngày đọc sách VN” sẽ khiến ý nghĩa của sự kiện bị khuôn lại ở khái niệm “đọc” – trong khi mục đích tổ chức là “tôn vinh sách, những người làm ra sách và đưa sách tới công chúng”. Bởi vậy, BTC nên nghĩ tới việc lựa chọn những cái tên khác như Ngày Sách VN, ngày Hội sách VN, Tết sách...
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, những vấn đề cụ thể về Ngày đọc sách VN sẽ tiếp tục được Ban Tuyên giáo Trung ương lấy ý kiến từ các ban ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt với tinh thần: “Việc chọn tên, chọn ngày cho sự kiện này cần đảm bảo tính thuyết phục để huy động được sự tham gia và nguồn lực trong toàn xã hội”.
Đừng tổ chức để lấy thành tích!
Bên cạnh những háo hức ban đầu, một số lo ngại về “căn bệnh hình thức” Ngày đọc sách VN rất hoành tráng nhưng... thiếu hiệu quả cũng bắt đầu được đưa ra. Thực tế, từ 2011, nhiều trường đại học đã huy động hàng ngàn sinh viên tới Văn Miếu (Hà Nội) trong dịp 23/4 để tham dự các hoạt động hưởng ứng trong ngày đọc sách thế giới. Tuy nhiên, việc thiếu phối hợp từ BTC đã khiến một số lần tổ chức sự kiện này chưa hiệu quả.
Bởi vậy, trường hợp thành công của Ngày hội sách TP.HCM những năm qua được nhắc tới như một bài học điển hình. “Ngoài vấn đề địa điểm tổ chức và lượng công chúng có nhu cầu, ngày hội đọc sách cần tới cả những yếu tố khác về các hoạt động phụ trợ, cũng như sự phối hợp của các cơ quan văn hóa khác” - TS Phạm Xuân Thạch, giảng viên khoa Văn, ĐH Quốc gia HN nói - “Bởi vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta trước mắt chỉ nên tổ chức tại một vài địa phương lớn như HN, TP.HCM chứ không nên tổ chức tràn lan khắp mọi nơi. Tiếp đó, từ thực tế, những ngày hội sách này sẽ lên kế hoạch để duy trì trong một thời gian dài”.
Phải chăng, như ý kiến của đại diện nhiều nhà xuất bản, sự xuất hiện Ngày đọc sách VN cũng chỉ là bước đầu trong việc khắc phục sự xuống dốc văn hóa đọc VN - một hành trình quá phức tạp và phụ thuộc vào nhiều vấn đề?
Văn hóa đọc VN đang ở mức nào? Nhiều thống kê từ báo chí được nhắc lại tại hội thảo khi nói về sức đọc của độc giả hiện nay: lượng sách được đọc nhiều nhất là truyện tranh (60% số người được hỏi), truyện ngắn (50 %), truyện dịch (35%). Tỉ lệ mua sách trung bình là 2,7 cuốn/độc giả/ năm. Trong mảng sách văn hóa- xã hội được bán thì 55% là kiến thức phổ thông, 55 % là mảng tử vi, tướng số, phong thủy... Theo phân tích của PGS văn học Phan Trọng Thưởng, văn hóa đọc VN cũng đang nằm trong sự thoái trào chung của thị trường sách thế giới. Đây là kết quả tất yếu từ sự phát triển quá mạnh của những loại hình thuộc về văn hóa nghe nhìn như điện ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử... |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất