Sa lầy ở Libya

07/04/2011 11:15 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Đúng như nhiều chuyên gia quốc tế đã tiên đoán và cảnh báo, chiến sự ở Libya đang rơi vào tình trạng sa lầy, khi quân nổi dậy không đủ sức đè bẹp đối phương còn quân Chính phủ cũng không thể giành lấy những vùng đất đã rơi vào tay địch thủ.

>> Chuyên đề: Xung đột ở Libya

Trên một con đường ở Libya, một chiếc xe tải chở theo một giàn pháo phản lực giảm dần tốc độ rồi dừng lại. Từ trên xe, các tay súng quân nổi dậy nhảy xuống, điều chỉnh vũ khí rồi bắn một loạt rốc két vào các vị trí của quân Chính phủ. Xong việc, họ nhảy lên xe phóng tới một điểm cách đó vài trăm mét để tránh bị quân Chính phủ bắn trả, để rồi lại tiếp tục khai hỏa.

Quân nổi dậy là một tập hợp “hổ lốn”

Hình ảnh trên là một trong những bằng chứng cho thấy chiến thuật của các tay súng chống đối Chính phủ ở Libya đã đi một bước dài kể từ những ngày đầu đầy hỗn loạn và đẫm chất “nghiệp dư” của họ.

Quân nổi dậy bắn rốc két vào quân Chính phủ

Trong tháng đầu của cuộc xung đột, dư luận quốc tế đã chứng kiến những đạo quân của phe nổi dậy gồm nhiều thanh niên được vũ trang nhẹ, vô kỷ luật, đang băng qua sa mạc tiến tới tấn công các vị trí của quân Chính phủ, để rồi lại bỏ chạy cuống cuồng, trong hỗn loạn khi bị đối phương dùng vũ khí hạng nặng bắn trả. Vì sự vô kỷ luật và thiếu đào tạo này, có lúc quân trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã tiến tới cửa ngõ Benghazi, “thủ đô” của quân chống đối, cho tới khi họ bị các cuộc không kích của liên quân quốc tế đẩy lùi.

Nhưng bất chấp việc đã trở nên có tổ chức hơn, được tăng cường sức mạnh bằng các vũ khí hạng nặng cướp được từ quân Chính phủ và nhận sự ủng hộ của không quân quốc tế, quân nổi dậy vẫn rất yếu so với đối phương. Nòng cốt của lực lượng chống đối hiện gồm 1.000 quân nhân đã đào ngũ sang phe đối lập, được sự ủng hộ của hàng trăm tình nguyện viên dân sự đã qua đào tạo sơ về quân sự. Cùng chung hàng ngũ với họ là hàng ngàn các tình nguyện viên chưa được huấn luyện, phần lớn không có tác dụng gì trong một trận chiến thực sự.

Đám quân “hổ lốn” này sẽ đối mặt với một lực lượng được cho là nhỏ hơn của quân Chính phủ. Nhưng binh lính của ông Gaddafi được huấn luyện tốt hơn nhiều và có đủ trang bị vũ khí để chiến đấu.

Quân Chính phủ ưu việt hơn về nhiều mặt

Trên giấy tờ thì quân Chính phủ áp đảo đối phương về sức mạnh. Hiện có 3 sư đoàn an ninh đang nằm dưới sự điều hành của 3 con trai ông Gaddafi là Khamis, al-Saadi và Muatassim. George Joffe, một nhà nghiên cứu về Libya ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Cambridge nói rằng lực lượng chiến đấu tốt nhất này của Libya gồm khoảng 20.000 người. “Họ là lực lượng quân sự có tổ chức duy nhất ở Libya, nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền của ông Gaddafi” - Joffe nhận xét.

Nhưng chỉ có một phần nhỏ thuộc lực lượng này được triển khai trên chiến trường đối diện với quân chống đối. Số còn lại đang bận bịu giữ lấy thành phố Misrata ở phía Tây hoặc được sử dụng để kiềm chế các lực lượng dễ nổi dậy khác trong nước. “Họ phải phân chia quân đội ở miền Nam, miền Trung, tại các phần còn lại của Tripolitania” - Joffe đánh giá - “Họ phải dàn lực lượng ra khá mỏng”. 

Một người lính của quân nổi dậy cầu nguyện trước giờ ra trận

Trong nghiên cứu “Cân bằng các lực lượng” hồi năm 2009, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đánh giá quân đội Libya có trong tay tới 1.914 chiếc xe tăng. Tuy nhiên tới thời điểm trên, khoảng một nửa số xe này đã không còn hoạt động được do thiếu phụ kiện và chỉ có 181 chiếc là loại T-72 tương đối mới. Đã vậy, số xe còn lại của Libya còn bị liên quân quốc tế phá hủy không ít. Hôm 5/4, NATO tuyên bố rằng kể từ ngày 19/3, không quân quốc tế triển khai vùng cấm bay theo nghị quyết của LHQ và tiến hành các cuộc không kích vào Libya đã phá hủy 30% kho vũ khí của quân đội Libya, buộc quân Chính phủ phải tìm cách bảo vệ số vũ khí còn lại.

Tuy nhiên ngoài xe tăng, quân Chính phủ vẫn có trong tay nhiều rốc két và pháo. Với các vũ khí này, họ đủ sức chặn đứng các cuộc tấn công của quân chống đối trong tuần qua vào thị trấn dầu lửa Brega.

Nguy cơ bế tắc hiện rõ

Dựa vào so sánh lực lượng kể trên, cuộc xung đột được giữ ở thế cân bằng là nhờ sự ra tay can thiệp của liên quân quốc tế. “Cuộc chiến giờ lệ thuộc vào các cuộc không kích của liên quân, trừ phi chúng tôi có thêm tăng viện và vũ khí” - thiếu úy Muftah Omar Hamza, một quân nhân chuyên nghiệp đứng trong hàng ngũ chống đối nói - “Chúng tôi cần thêm xe tăng, các hệ thống phóng rốc két và pháo phản lực Grad”.

Cuộc giằng co qua lại giữa đôi bên, mà không một bên nào thực sự áp đảo bên kia, đã khiến Libya rơi vào cảnh một quốc gia bị chia rẽ và có nguy cơ sẽ dẫn tới tình trạng sa lầy về mặt quân sự.

Nhằm chiếm ưu thế so với quân Chính phủ, phe nổi dậy đã thay đổi chiến thuật. Các đơn vị quân đội từng nằm dưới trướng của ông Gaddafi nhưng đã đào ngũ, giờ đang dẫn đầu trong cuộc tấn công của quân chống đối. Họ có chiến thuật quy củ, tấn công một cách cẩn trọng và họ triển khai chính sách đưa những tay nghiệp dư ra khỏi chiến trường. Quân nổi dậy cũng bắt đầu sử dụng thêm nhiều pháo phản lực và súng cối thu được từ quân Chính phủ. Họ còn có cả những trinh sát được trang bị điện thoại di động và thiết bị định vị vệ tinh GPS để tăng độ chính xác của các loạt đạn.

Nhưng quân Chính phủ cũng không đứng yên tại chỗ. Họ đã ngừng sử dụng vũ khí hạng nặng tại chiến trường và chuyển qua dùng xe gắn vũ khí giống như quân nổi dậy. Điểm khác biệt ở chỗ họ có rất nhiều những chiếc xe như thế và chúng có thể trút các cơn mưa đạn lửa vào quân nổi dậy. Với việc quân Chính phủ vẫn bảo toàn được các vũ khí hạng nặng như xe tăng, quân nổi dậy sẽ khó lòng để chiếm được Sirte, thành phố được xem là cửa mở để họ tiến về Tripoli và các vùng khác. Giới phân tích đánh giá chỉ có một chiến dịch không kích mạnh hơn tích cực hơn của không quân quốc tế mới phá được bế tắc. Nhưng điều này rất khó xảy ra.

Hiện tại các cuộc không kích đã giúp mang lại cho quân nổi dậy thời gian để tái tổ chức lực lượng và bắt đầu bán dầu để mua sắm vũ khí hạng nặng. Nhưng tới khi nào họ mới mạnh ngang với quân đội của ông Gaddafi thì đó lại là câu hỏi chưa có đáp án. Bản thân lính nổi dậy cũng không tin tưởng vào viễn cảnh sánh ngang về sức mạnh với quân Chính phủ.

“Chúng tôi không thể đọ lại vũ khí của họ” - Kamal Mughrabi, 64 tuổi, một cựu binh đã gia nhập quân nổi dậy ở Brega nói - “Nếu những chiếc máy bay của quân đội quốc tế không trở lại tấn công quân Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp tục phải rút lui”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link