Lịch sử Giải Nobel: Quy trình và giá trị giải thưởng

07/10/2024 07:15 GMT+7 | Tin tức 24h

Như thường lệ, Tuần lễ Nobel 2024 - sự kiện được thế giới đón đợi hằng năm - sẽ bắt đầu với việc công bố chủ nhân Giải thưởng Y sinh vào ngày 7/10/2024 tại Stockholm (Thụy Điển). 

Tiếp nối sau giải Nobel Y sinh sẽ là giải Nobel Vật lý (công bố ngày 8/10), Nobel Hóa học (ngày 9/10), Nobel Văn học (ngày 10/10), Nobel Hòa bình (ngày 11/10) và Nobel Kinh tế (ngày 14/10).

Nobel là hệ thống giải thưởng được trao cho các cá nhân và tổ chức đạt được những thành tựu lớn lao phục vụ cho lợi ích của nhân loại, theo ý nguyện của nhà khoa học, nhà phát minh nổi tiếng Alfred Nobel.

Lịch sử giải thưởng

Alfred Nobel là nhà khoa học, nhà phát minh đại tài, chủ nhân của 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ. Ông sinh ngày 21/10/1833 tại Stockholm (Thụy Điển). Năm 1866, Nobel chế tạo thành công dynamite. Sau khi công bố phát minh này, Nobel nhận được bằng sáng chế tại Anh vào ngày 7/5/1867 và tại Thụy Điển vào ngày 19/10/1867. Đến năm 1868, Alfred Nobel đã cải tiến dynamite, làm cho nó trở nên ổn định và an toàn hơn. Kể từ khi người dùng có thể kiểm soát các vụ nổ, dynamite đã được sử dụng một cách rộng rãi trong xây dựng và khai thác hầm mỏ.

Lịch sử Giải Nobel: Quy trình và giá trị giải thưởng - Ảnh 1.

Phù điêu Alfred Nobel tại bảo tàng Nobel ở Stockholm. Nguồn: Vietnam+

Nhu cầu về thuốc nổ tăng cao, Nobel mở các văn phòng và các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Sau này, ông còn phát minh ra một số loại thuốc súng, nổi bật là loại thuốc súng không khói. Những phát minh này cộng với việc khai thác các giếng dầu ở Baku của anh em ông đã đem lại cho ông những khoản lợi nhuận lớn.

Nhiều năm sau khi Nobel qua đời, người ta vẫn còn tranh cãi về công dụng của thuốc nổ (dynamite) cũng như sức tàn phá của nó trong chiến tranh. Nhưng một điều không thể phủ nhận rằng thuốc nổ (dynamite) của Nobel đã giải phóng sức lao động cho con người, tạo ra các bước tiến vượt bậc trong xây dựng đường xá cũng như việc khai thác hầm mỏ.

Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, Alfred Nobel đã đạt tới đỉnh cao của vinh quang và giàu có. Sau khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel đã để lại một bản di chúc gây kinh ngạc và khó hiểu cho mọi người khi ông chỉ dành một phần nhỏ gia tài của mình cho bạn bè và người thân để "khỏi tạo nên những kẻ lười biếng". Còn gần toàn bộ tài sản của ông đã được đem bán thành tiền mặt, tương đương với 70 triệu krona Thụy Điển lúc đó, để gửi ngân hàng. Số tiền lãi hàng năm sẽ trích ra, chia làm 5 giải thưởng tặng "cho những người có đóng góp lớn nhất cho nhân loại" trên các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Sinh học (hoặc Y học), Văn chương, và Hòa bình.

Lịch sử Giải Nobel: Quy trình và giá trị giải thưởng - Ảnh 2.

Bản Di chúc của Alfred Nobel. Nguồn: Nobelprize

Năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Ngân hàng Thụy Điển và cũng là để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, Ngân hàng Thụy Điển đã đóng góp để đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế. Giải này được trao từ năm 1969 cùng thời điểm trao các giải Nobel khác trong năm.

Trong hệ thống giải thưởng Nobel thì Giải Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế do Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển quyết định; Giải Y sinh do Ủy ban Nobel của Viện Karolinska quyết định; và Giải Hòa bình do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.

Quy trình bầu chọn

Vào tháng 9 của năm trước năm trao giải, Ủy ban Nobel bí mật gửi mẫu đề cử cho 3.000 chuyên gia là những người từng được nhận giải Nobel, thành viên của đơn vị trao thưởng, các chuyên gia trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Y học, các giáo sư đầu ngành của nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu.

Tháng 2 của năm trao giải là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ. Ủy ban Nobel sẽ sàng lọc và lựa ra các ứng cử viên. Sau đó, hội đồng chọn ra khoảng từ 250-350 người lọt vào vòng tiếp.

Từ tháng 3 đến tháng 5, các chuyên gia đánh giá công trình của các ứng cử viên, sau đó Ủy ban Nobel tiến cử người đạt giải để Viện Hàn lâm chọn trên đa số phiếu bầu.

Lịch sử Giải Nobel: Quy trình và giá trị giải thưởng - Ảnh 3.

Nhà kinh tế học Mỹ Claudia Goldin (trên màn hình) được vinh danh tại lễ công bố giải Nobel Kinh tế 2023 của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, ở Stockholm ngày 9/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tháng 6 đến tháng 8, Ủy ban Nobel tập hợp các báo cáo có kèm theo danh sách tiến cử gửi cho Viện Hàn lâm. Bản báo cáo này được các thành viên hội đồng cùng ký tên.

Từ tháng 9 đến đầu tháng 10, Ủy ban Nobel đệ trình ý kiến lựa chọn của họ lên Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển và các tổ chức trao thưởng khác. Thực tế, không phải lúc nào đơn vị trao giải cũng làm theo sự tiến cử của Ủy ban này.

Vào đầu tháng 10, Viện hàn lâm chọn ra người đạt giải dựa trên đa số phiếu bầu, sau đó chính thức công bố tên người đoạt giải. Việc bỏ phiếu để chọn ra người đoạt giải Nobel được giữ bí mật đến giờ chót. Hàng năm, trước ngày 15/11, Ban tổ chức sẽ phải công bố danh sách những người được nhận phần thưởng cao quý này.

Theo quy định của Ủy ban Nobel, những thông tin liên quan đến quá trình xét tặng giải được giữ kín trong 50 năm.

Giá trị giải thưởng

Một giải Nobel thường được trao cho tối đa 3 người. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận, số tiền thưởng sẽ được trả vào quỹ. Lễ trao giải Nobel Y sinh, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế được trao vào tháng 12 tại Stockholm, Thụy Điển và lễ trao giải Nobel Hòa bình diễn ra tại Oslo, Na Uy.

Lịch sử Giải Nobel: Quy trình và giá trị giải thưởng - Ảnh 4.

Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska công bố giải Nobel 2023 Y Sinh thuộc về nhà khoa học người Hungary Katalin Kariko (trái, trên màn hình) và nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman (phải, trên màn hình), tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 2/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ nhân của giải Nobel sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt. Số tiền phụ thuộc vào thu nhập của Ủy ban Nobel. Năm 2017, Quỹ Nobel quyết định tăng tiền thưởng cho các hạng mục giải Nobel thêm 1 triệu krona Thụy Điển (khoảng 120.000 USD) so với mùa giải đó trước, lên 9 triệu krona (khoảng 1,1 triệu USD). Đây là lần điều chỉnh giá trị tiền thưởng đầu tiên kể từ năm 2012 khi Quỹ Nobel quyết định giảm giá trị tiền thưởng 20% mỗi hạng mục, trong bối cảnh phải cân đối ngân sách trong dài hạn.

Năm 2020, Hiệp hội Nobel đã quyết định tăng thêm 1 triệu krona (khoảng 110.000 USD) so với năm trước đó, đưa con số tiền thưởng của giải Nobel lên thành 10 triệu krona. Ngày 15/9/2023, Quỹ Nobel thông báo tiếp tục tăng 1 triệu krona. Như vậy, phần thưởng bằng tiền mặt cho người vinh dự nhận giải Nobel hiện là 11 triệu krona (tương đương 986.000 USD).

Đến nay, sau hơn 120 năm lịch sử kể từ lần trao giải đầu tiên năm 1901, đã có trên 1000 cá nhân và tổ chức vinh dự được nhận giải thưởng danh giá này. Với tất cả những nỗ lực của những người có nhiệm vụ thi hành bản di chúc, giải Nobel đã trở thành tấm gương phản chiếu lịch sử tiến bộ của loài người trong những lĩnh vực quan trọng nhất.

Và dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cách xét giải, nhưng phần lớn những người được nhận giải thưởng Nobel đều là những người có cống hiến vĩ đại cho nhân loại. Cùng với giải, tấm lòng cao thượng và nhân đạo của người lập ra nó, Alfred Nobel, vẫn mãi được nhân loại ghi nhận.

Và cũng không thể phủ nhận, thành công của giải thưởng Nobel đã đưa nhân loại lên một tầm cao mới, với thuyết tương đối của Einstein, thuyết cơ học lượng tử của Heisenberg, hay với những phát kiến về tâm lý học chiều sâu của Sigmund Freud...

An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link