14/10/2021 08:33 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật kịch nói Việt Nam (1921-2021), Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì phối hợp cùng: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ... tái dựng vở kịch kinh điển Chén thuốc độc của tác giả Vũ Đình Long.
Với vở kịch 3 hồi nổi tiếng Chén thuốc độc, được công diễn lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 22/10/1921, Vũ Đình Long (1896 - 1960) được công nhận rộng rãi là “cha đẻ” của sân khấu Việt Nam hiện đại. Sau tác phẩm quan trọng này, ông còn sáng tác nhiều vở kịch khác, như Tây Sương tân kịch (1922), Tòa án lương tâm (1923), Đàn bà mới (1943), Thờ nước (Việt hóa vở Servir của Henri Lavedan, 1947)... Được biết, cho đến khi ông mất vào năm 1960, nhiều tác phẩm của ông vẫn chưa được công diễn.
Vở diễn vừa chính thức được tái dựng với phần biên tập của biên kịch Đỗ Trí Hùng và phần dàn dựng của đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai. Dự án đặc biệt quy tụ nhiều nghệ sĩ gạo cội: NSND Lê Khanh, NSND Việt Thắng, NSND Trung Hiếu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Hoài Thu... Hiện tại, các nghệ sĩ đang trên sàn tập luyện Chén thuốc độc, để có thể ra mắt thời gian tới.
Vũ Đình Long và dấu mốc “Chén thuốc độc”
Theo nhiều nhà nghiên cứu, trước khi tiếp nhận ảnh hưởng của sân khấu phương Tây, Việt Nam chỉ có ca kịch, với hai thể loại phổ biến nhất là Chèo và Tuồng. Đầu thế kỷ XX, một thể loại ca kịch mới là Cải lương được hình thành ở Nam Bộ trên cơ sở nhạc Tài tử.
Kịch nói hình thành ở Việt Nam diễn ra song song với sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp nói riêng và văn hóa Phương Tây nói chung. Đặc biệt là sau khi nhiều tác phẩm kinh điển của Pháp được học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Việt, trong đó có các vở kịch: Le bourgeois gentilhomme (Trưởng giả học làm sang), L’Avare (Lão hà tiện), Le malade imaginaire (Bệnh tưởng)... Năm 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng, đánh dấu một sự chuyển biến quan trọng trong hoạt động biểu diễn ở Việt Nam khi đó.
Theo lời kể của chính Vũ Đình Long, khi đang dạy học ở Hà Đông, ông cùng nhiều người bạn yêu văn chương thường tụ họp mỗi tháng hai kỳ, vào hai buổi tối, tại Hồng hoa biệt thự (Villa des Roses) của ông Nguyễn Đình Thông, uống trà và nói chuyện văn chương. Ông Vũ Đình Long đã viết kịch Chén thuốc độc, đem đọc ở đó và được các nhà giáo khen ngợi. Sau đó tác phẩm được gửi tới tạp chí Hữu Thanh - tạp chí của Hội Nông Công thương do thi sĩ Tản Đà làm chủ bút.
Nội dung Chén thuốc độc kể về gia đình thầy Thông Thu - một công chức khá giả. Sống trong một xã hội nửa Tây nửa ta, mỗi người đều theo đuổi mục đich tầm thường của mình. Bà mẹ và vợ suốt ngày mê chuyện lên đồng, buôn thần bán thánh. Cô em gái thì ăn chơi đàn đúm, không chồng mà chửa. Bản thân thầy Thông Thu lại mê hát xướng, thích thư giãn nơi nhà thổ. Cuộc sống gia đình rạn nứt, nợ nần khắp chốn... Thầy Thông Thu chợt tỉnh ngộ. Nhưng đã muộn. Tất cả tài sản trong nhà bị tịch thu. Trong cơn khốn quẫn, thầy quyết định uống thuốc độc để giải thoát.
Trong giây phút cái chết cận kề, bỗng có người mang thư và giấy nhận tiền. Thì ra, người gửi là một người em, lưu lạc bên Ai-lao (Lào) từ lâu, nay gửi tiền về biếu mẹ và anh. Món quà đó giúp thầy thoát khỏi cái chết, trả được nợ, cứu được gia đình. Đồng thời nó cũng là lời cảnh tỉnh cho thầy và gia đình nên chọn lối sống khác.
Sau khi Chén thuốc độc được đăng tạp chí, Hội Nông Công thương quyết định đưa vở diễn lên sân khấu vào ngày 22/10/1921, cách nay tròn 100 năm. Vở diễn sau đó còn lưu diễn ở nhiều nơi tại Việt Nam.
Tâm huyết của người làm nghề
NSƯT Bùi Như Lai không giấu được sự xúc động khi nói về việc được giao nhiệm vụ đạo diễn vở diễn này. "Vở diễn Chén thuốc độc đánh dấu 100 năm ra đời kịch nói của Việt Nam. Chúng tôi quyết định lựa chọn sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam vì đây là sân khấu tiên phong, khởi xướng, là nền móng cho kịch nói Việt Nam" - Bùi Như Lai chia sẻ thêm - “Tôi tin tất cả chúng ta đều cảm thấy tự hào khi được là một phần trong vở diễn đánh dấu mốc 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam lần này”.
Đảm nhiệm vai trò đạo diễn của vở kịch mang ý nghĩa đặc biệt, NSƯT Bùi Như Lai thừa nhận bản thân cảm thấy có áp lực. Anh cho rằng, kịch nói Việt Nam đã đi qua 100 năm hình thành và phát triển. Rất nhiều thế hệ nghệ sĩ đã, đang và luôn có trách nhiệm làm sao để kịch nói Việt Nam thật hay, hấp dẫn và đưa được nhịp sống đương đại vào kịch nói.
NSND Lê Khanh cho biết, chị rất vinh dự khi được tham gia vở diễn này. Ngoài ý nghĩa đây là vở kịch nói đầu tiên của sân khấu Việt Nam hiện đại, còn là kết quả sự kết hợp giữa Hội Nghệ sĩ Sân khấu và các nhà hát sau thời gian sân khấu đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Trước kia, khi theo bố tôi (NSND Trần Tiến - PV) đến Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi vẫn thường mong có cơ hội đứng trên sân khấu này. Nếu không có những cuộc “bắt tay” liên kết các nhà hát với nhau thì có lẽ ước mơ của tôi không thể thành hiện thực. Đây là cơ hội các nghệ sĩ được giao lưu hợp tác học hỏi lẫn nhau” – NSND Lê Khanh nói.
Chị chia sẻ thêm: “Và cuối cùng, với tất cả những ý nghĩa này, hi vọng chúng ta cùng nhau làm nên một ngày kỷ niệm đẹp, nhắc nhở công lao của những người đi trước đã để lại cho chúng ta một nền sân khấu vạm vỡ, huy hoàng, lung linh như ngày hôm nay. Từ đó, chúng ta có thể vừa tự hào về ngày hôm qua, vừa khích lệ nhau phấn đấu” - NSND Lê Khanh nói thêm.
Hoàng Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất