Linh Nga tâm sự chuyện làm dâu nhà Tướng

25/01/2012 10:08 GMT+7 | Người đẹp

Có người bảo Linh Nga may mắn, được trời phú cho nhan sắc, lại có cái duyên trong nghề, gia đình hạnh phúc, viên mãn.



Linh Nga

Có người lại bảo Linh Nga khôn khéo, việc gì cũng chừng mực, vừa phải nên kiểm soát được cuộc sống của mình. Còn Linh Nga thì bảo, tất cả mọi thứ cô có được là do bản thân và gia đình cố công tạo dựng.
 
Sợ tuổi trẻ qua nhanh
 
* Hết “Vũ” rồi đến “Sen”, các dự án múa đã đưa cái tên Linh Nga đi thật xa. Thời gian tới chị có định sẽ làm một gì đó đột phá hơn?
 
- Dự án lớn nhất của tôi thời gian qua là “Sen” thì đã được biểu diễn ở một số thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tôi cũng đã chọn lọc một số tiết mục trong dự án này để đem đi quảng bá ở một số nơi như: Dubai, Ấn Độ, Ukaraina... Dự tính, năm sau tôi cũng sẽ lựa chọn một số tiết mục trong dự án này để biểu diễn ở một số nước khác. Còn sau “Vũ” và “Sen” là gì hiện tại tôi cũng chưa biết nữa, chỉ hy vọng mình còn đủ nhiệt huyết để làm được một điều gì đó thật đẹp đẽ.
 
* Các nữ nghệ sĩ khi đã có gia đình, họ hay dành thời gian cho tổ ấm, chị dường như…hơi khác?
 
- Tại lĩnh vực của tôi khác với mọi người. Có những lĩnh vực nghệ thuật sau khi lập gia đình hoặc sinh con họ vẫn có thể quay trở lại với nghề, riêng nghề của tôi thì tuổi trẻ rất quan trọng, tất cả mọi thứ đều nằm ở tuổi trẻ. Cho nên, khi quyết định lập gia đình tôi cũng đã xác định rõ mình sẽ không gác lại mọi dự định với nghề. Công việc của tôi trước khi lập gia đình và hiện tại vẫn không có gì thay đổi. Thậm chí, sau khi lập gia đình tôi còn bận hơn vì cưới được hai tháng tôi đã phải bắt tay vào làm dự án “Sen”.
 
Tôi may mắn vì được cả gia đình mình lẫn gia đình nhà chồng đều rất ủng hộ. Mọi người đều hiểu, chia sẻ và tạo điều kiện tối đa cho những công việc của tôi. Hơn ai hết, họ hiểu công sức tôi bỏ ra với ngần đó năm đi du học không thể nói ngừng là ngừng ngay lập tức được.
 
* Liệu có mâu thuẫn không khi chính chị thừa nhận rất sợ sự hào nhoáng của sân khấu, nhưng lại vẫn cứ lao vào?
 
- Tôi lao vào đúng “sân” của tôi chứ không phải một sân nào khác. Từ ngày về nước đến nay, đã là năm thứ ba nhưng tôi vẫn không làm một gì khác ngoài múa. Vì thế, sau “Vũ” phải ba năm sau tôi mới làm tiếp “Sen” để tìm một chỗ đứng cho mình. Điều đó nói lên rằng, tôi lao vào sân khấu để làm những việc phù hợp với sức vóc và khả năng của mình, không bao giờ vượt quá tầm với.
 
* Vậy trước và sau khi có chồng, ở thời điểm nào chị nhiệt huyết hơn?
 
- Có lẽ lúc tôi làm “Vũ” là nhiệt huyết nhất. Bởi đấy là thời điểm tôi mới về nước, tất cả mọi thứ đều rất bỡ ngỡ, tôi không biết khán giả sẽ đón nhận mình như thế nào và không biết có thể sống với cái nghề khó khăn này ở Việt Nam không. Thế nên, tôi lao mình vào để khám phá. Có những tuần tôi đi diễn suốt cả 7 ngày. Mãi cho đến lúc tôi nghĩ cần phải dừng lại để làm một điều gì đó cho bản thân mình thì tôi mới lập gia đình. Nhưng như tôi đã nói, lập gia đình không có nghĩa là sẽ chấm dứt tất cả mọi thứ. Tôi rất sợ tuổi trẻ của mình qua nhanh vì múa và tuổi trẻ phải luôn song hành với nhau.
 
Linh Nga (phải) cùng bố mẹ và em trai
 
Chưa sợ điều gì ở bố chồng
 
* Ai cũng nói chị đang có một cuộc sống thật hạnh phúc và viên mãn, chị thấy thế nào?
 
- Trong cuộc sống gia đình có nhiều cái tôi vẫn còn vụng về lắm. Mọi việc vẫn được tôi làm theo cách  chủ quan của mình hoặc theo cách mà bố mẹ tôi vẫn thường hay ứng xử với nhau. Chỉ có điều, khi còn ở với bố mẹ đẻ, đi đâu cũng có bố mẹ “tháp tùng”, mọi quyết định của tôi đều có ảnh hưởng của bố mẹ, nhưng khi về nhà chồng, tôi phải làm chủ cuộc sống của mình hơn, biết chăm lo ngược lại cho người thân trong nhà. Tôi vào bếp làm món ăn, để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong gia đình. Sống ở Sài Gòn, lúc nào tôi cũng vội vã với công việc, còn về Hà Nội  nhịp sống của tôi chậm lại. Chính sự khác biệt đó giúp con người mình luôn thay đổi.
 
* Nhưng nhiều người lại nói, chị đang phải tiết chế bớt để hợp với truyền thống văn hóa phía Bắc của gia đình nhà chồng?
 
- Gia đình chồng tôi chưa bao giờ nói không với tôi trong bất cứ điều gì. Họ không bắt tôi phải ở nhà nấu nướng, dọn dẹp hay làm những công việc nội trợ, tôi được thoải mái với công việc của mình. Tôi vẫn đi tập và đi diễn đều đặn, mọi người biết rõ về những công việc đấy. Còn tôi không xuất hiện nhiều trong các sự kiện của giới showbiz, đó không phải là vì “tiết chế”, mà là vì tôi không thích đến những nơi không có múa, nơi tôi không được thể hiện mình.
 
* Có được sự thoải mái đó là vì từ khi cưới chồng đến giờ chị vẫn sống với bố mẹ đẻ ở Sài Gòn, trong khi bố mẹ chồng ở Hà Nội?
 
- Tôi ở với gia đình chồng khá nhiều, có điều mọi người không biết thôi. Với lại, chúng tôi cũng cần có một cuộc sống riêng, tôi có công việc của tôi, chồng tôi có công việc của anh ấy. Bố mẹ chồng theo dõi thường xuyên những chương trình của tôi, không bỏ sót một chương trình nào hết. Thật lòng là tôi rất yêu gia đình bé nhỏ của mình và tất cả những gì tôi làm được hôm nay là nhờ gia đình mà có.
 
* Nghĩa là khi quyết định lấy chồng, chị đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho những áp lực làm dâu trong một gia đình “binh nghiệp”?
 
- Bản thân tôi đã quá quen với những “kỷ luật sắt” vì 10 năm học nghề ở Trung Quốc tôi phải sống trong ký túc xá, phải tuân theo các kỷ luật nhà binh... Và thực tế thì bố mẹ chồng và bố mẹ tôi cũng đều rất kỷ luật. Giờ nếu tôi có làm sai điều gì, chẳng ai đứng về phía tôi cả. Chồng tôi cũng thế, anh ấy rất cứng rắn. Nhưng tôi cũng vậy, luôn tôn trọng tính kỷ luật và chưa bao giờ cho phép mình quá tự do, thoải mái. Từ nhỏ, tôi nỗ lực bằng kỳ vọng của bố mẹ, về nước phải phấn đấu vì sau lưng có nhiều diễn viên nhỏ trông chờ ở mình. Giờ đây, tôi càng phải nghiêm khắc với bản thân vì gia đình.
 
* Từng ấy thời gian làm dâu, chị đã hiểu được những gì về gia đình chồng mình?
 
- Ngay khi mới về làm dâu, tôi đã học được sự nhẫn nhịn và đức hy sinh của một người phụ nữ như mẹ chồng. Chính vì thế tự tôi hình thành thói quen hay để ý đến những việc mẹ làm, từng hành động, cử chỉ và suy nghĩ xem tại sao mẹ lại làm thế. Cách mẹ nấu ăn hay sắp xếp một bữa ăn cũng khác với cách tôi làm. Mẹ giản dị nhưng lại có cách quan tâm đến mỗi việc mình làm bằng những suy nghĩ sâu kín khác. Trong mẹ có gì đó rất sâu lắng, nhẹ nhàng. Mẹ rất quan tâm tới tôi, biết tôi theo múa dân gian nên hay mua truyện tranh dân gian về cho tôi đọc. Tôi cảm thấy mình rất may khi vào một gia đình mới, mọi người đều yêu nghệ thuật. Bố mẹ cảm nhận được từng hơi thở trong cuộc sống của tôi là múa, họ biết cả lịch tập của con dâu.
 
Còn bố chồng tôi không có nhà thường xuyên như mẹ, tôi ít được gặp và ông cũng không hay nói về nghệ thuật. Khi tôi làm một chương trình riêng tặng bố vào ngày sinh nhật, bố mới biết rõ việc con dâu đang làm.
 
Giờ trong tôi hai khái niệm bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ là một. Chương trình “Sen” do tôi làm nhưng bố mẹ chồng còn góp ý cho tôi nhiều ý tưởng hơn cả bố mẹ đẻ. Và tôi có được sự thoải mái đó là vì tôi làm nghề chứ không phải làm một cái gì khác nên gia đình hai bên ủng hộ là chuyện dễ hiểu thôi.
 
* Bố chồng chị là một vị tướng công an, thường khi gặp những người như vậy ta có cảm giác “sờ sợ”, chị có bao giờ thấy như vậy không?
 
- Tôi chưa sợ điều gì ở bố, điều tôi sợ nhất khi mới về nhà chồng là khoảng cách với tất cả các thành viên, không chỉ riêng với mẹ hay bố chồng. Tôi sợ khoảng cách đó sẽ ngăn cản tôi không hòa nhập được với mọi người. Vì bản thân tôi xưa nay sống trong vòng tay đùm bọc của bố mẹ, ngay đến những việc nhỏ nhặt nhất cũng được mẹ làm thay cho. Cũng may, nhờ tôi xem bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, nên khoảng cách được dỡ bỏ dần. Tất nhiên, giữa hai ngành nghề khác nhau vẫn có một khoảng cách nho nhỏ.
 
Ở bố tôi thấy được một sự mực thước, nghiêm trang vừa đủ của một vị tướng. Tuy vậy, với con cái, ông lại mang đến một cảm giác rất trìu mến, thân thương. Bố chồng tôi ít nói lắm, chỉ lên tiếng khi cần. Thấy vậy, mới đầu tôi cũng hơi e ngại, không dám nói chuyện với bố nhiều nhưng bây giờ quen rồi, tôi còn rất hay đùa với ông.
 
* Chị mất bao lâu để xóa nhòa khoảng cách ấy?
 
- Trong thời gian quen nhau anh đã rất hay đưa tôi về nhà anh chơi. Từ những lần như thế, khoảng cách giữa tôi với bố mẹ và anh gần gũi hơn, bền chặt hơn. Rồi khi tôi về làm dâu nhà anh, nhìn những lần con dâu đổ mồ hôi trên sàn diễn cả đêm lẫn ngày, mẹ chồng xót xa vô cùng, sự yêu thương cũng nhen nhóm từ đó.

Không phải lo sợ về nhau


Linh Nga và mẹ

* Ngày xưa, chị có nghĩ mình sẽ lấy một người như chồng chị hiện nay?
 
- Ngày xưa, tôi luôn mong sau này lấy được một người chồng như bố Hùng của tôi, hiểu được suy nghĩ và chia sẻ với vợ những khó khăn của nghề. Duyên số run rủi thế nào mà tôi lại gặp anh. Tôi yêu anh nên dù không cùng nghề nhưng tôi vẫn quyết định gắn bó đời mình. Điều tôi trân trọng anh ấy chính là cách quan tâm tới gia đình. Một người trẻ từng đi du học thường có xu hướng cởi mở và độc lập, anh thì không, anh rất yêu mẹ. Thái độ anh dành cho mẹ khiến tôi hiểu rằng chúng tôi rất giống nhau, đều là những người rất truyền thống. Và có lẽ điều khiến trái tim tôi “mềm” trước anh cũng chính là cách anh quan tâm đến mẹ hàng ngày, cách anh ấy nói chuyện với mẹ. Anh và mẹ đều là lính nhưng có cách thể hiện tình cảm rất ấm áp. Anh gọi điện cho mẹ nhiều, gần như mỗi ngày, như mẹ tôi từng làm với tôi.
 
Ở khía cạnh nào đó anh không thể nào bằng bố Hùng của tôi được. Đôi khi tôi vẫn nói với anh rằng, nếu chấm điểm thì bố em vẫn hơn anh. Và cũng có thể vì không cùng nghề nên đôi khi anh  hiểu tôi thì cũng chỉ đến 99,9% thôi, nhưng tôi bằng lòng với “con số” ấy.
 
* Chị không sợ mình cứ mải phiêu bồng với những vũ điệu, chồng chị sẽ trốn vào thế giới riêng của anh ấy à?
 
- Tình yêu đến với tôi hết sức bình thường, xuất phát từ sự quen biết, đi lên từ tình bạn rồi tiến tới tình yêu và được gia đình hai bên ủng hộ để tiến tới hôn nhân. Khi quyết định cưới là tôi đã cảm nhận được một sự vững chắc để có thể yên tâm làm nghệ thuật, chứ nếu có gì đó lo sợ thì tôi đã không thể làm được những điều như thế trong thời gian qua.
 
Từ khi yêu đến giờ, lúc nào anh ấy cũng luôn ở bên tôi. Nếu tôi đi diễn xa một tuần thì anh ấy cũng bay đến với tôi. Kể cả ngày xưa khi đang yêu, dù tôi ở xa nhưng cần là anh ấy đến ngay. Những ngày lễ Tết trong gia đình tôi anh ấy cũng luôn có mặt. Nói chung, chúng tôi đến với nhau vì sự gắn bó và tin tưởng nên không bao giờ tôi phải lo sợ một điều gì đó về nhau.
 
Công việc của tôi thì suốt ngày trên sàn tập, anh ấy cũng đã từng nhìn thấy những công việc đó và anh không thể lúc nào cũng theo tôi lên sàn tập được. Tôi gặp và yêu anh không định kiến, cũng không quá lung linh, đẹp đẽ... Anh là người hài hước, biết đặt gia đình lên hàng đầu trong mọi sự lựa chọn khiến tôi luôn  thấy mình được an toàn.
 
* Chị luôn nhấn mạnh gia đình là đích đến, vậy khi nào thì chị mới chạy “nước rút” để đến đích?
 
- Rất nhiều người từng hỏi tôi câu này nhưng hiện tại tôi vẫn chưa biết trả lời ra sao. Tôi còn quá nhiều dự án. Từ nay đến năm 2013, tôi có một lượng lớn học sinh của tôi từ nước ngoài trở về, chúng tôi sẽ cùng nhau làm rất nhiều chương trình. Tôi cũng muốn là mình còn sức trẻ, còn sức khỏe thì thôi tranh thủ cống hiến cho nghệ thuật thêm dăm ba năm nữa.
 
* Người ta thường ví lấy chồng như con diều đã bị buộc dây, nhưng con diều của chị vẫn tha hồ bay theo hướng mình thích. Vậy có thể gọi cuộc hôn nhân của chị là gì mới đúng?

- Tôi vẫn hay gọi chồng là... đồng chí, là bạn đấy. Giữa vợ chồng tôi, ngoài tình yêu ra còn là một tình bạn rất đẹp. Tôi thích cuộc sống hôn nhân của chúng tôi mỗi ngày như một mảnh vẽ nhỏ, lâu ngày nó sẽ ghép thành một bức tranh lớn, đầy đặn và sống động. Đến khi chúng tôi có con, tôi sẽ đưa ra cho con xem về quãng thời gian bố mẹ yêu nhau, lấy nhau, sống vì nhau. Tất nhiên, không phủ nhận trong cuộc sống, đôi lúc tôi yêu sàn tập đến mức quên cả chồng, nhưng cũng may anh đã hiểu và thông cảm cho tôi. Bên cạnh múa, gia đình bao giờ cũng chiếm một vị trí quan trọng không gì có thể thay thế đối với tôi. 

Theo Gia đình và Xã hội


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link