(Thethaovanhoa.vn) - Leo Messi có quảng cáo, tất nhiên, nhưng phần lớn chỉ là sử dụng sản phẩm của nhà tài trợ, rất ít khi anh xuất hiện trong các đoạn phim hay hình ảnh. Trên sân cỏ, Messi là một người hùng, và luôn có thiên hướng bình thường hóa.
Nói chính xác hơn, Messi là mẫu người hùng đi ngược với xu thế chung hiện nay: Không thích nói tôi làm được điều này, tôi làm được điều kia…
Khi Messi không muốn làm “sao”
Đêm hôm Messi lập hat-trick vào lưới Sevilla và chính thức đẩy kỷ lục 251 bàn của Telmo Zarra vào dĩ vãng, anh lấy quả bóng về làm kỷ niệm, nói một vài câu hài hước với các đồng đội. Thực tế, ở La Liga, cầu thủ ghi hat-trick sẽ mang quả bóng chính thức của trận đấu về làm kỷ niệm. Quả bóng gồm chữ ký của các đồng đội. Hôm mà Messi lập kỷ lục mới cho La Liga, căn phòng của anh có thêm quả bóng khác. Mọi thứ chỉ đơn giản thế.
Báo chí đưa tin, tán dương Messi bằng những từ ngữ và con số đẹp nhất. Riêng Leo thì im lặng. Không ai nghe thấy anh nói gì, tự hào hay hãnh diện khi trở thành chân sút xuất sắc nhất lịch sử La Liga.
Ít ngày sau, thêm một kỷ lục khác được chinh phục. Lần này danh giá hơn, trở thành cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất mọi thời đại của Champions League (và C1 cũ). Messi đã vượt lên phía trước Cristiano Ronaldo, rồi hạ bệ Raul - những con người của Madrid. Cũng một lần nữa, anh đón nhận lời chúc của các đồng đội và không có bất kỳ tuyên bố đao to búa lớn nào.
Trong cuộc sống hiện đại mà gần như tất cả bị truyền thông hóa, các ngôi sao sẵn sàng làm mọi cách cho mục đích được nổi bật trước đám đông, Messi lại là một người khác. Leo không nói chuyện trước công chúng, không phải anh coi thường người khác. Đơn giản là ngôi sao người Argentina khá bẽn lẽn, và chỉ muốn một cuộc sống không ồn ào.
Lần gần nhất Messi thực sự có một bài phát biểu trước đám đông cách nay đã hơn 3 năm, khi Barca làm lễ mừng danh hiệu Champions League 2011. “Tôi đã hứa sẽ nói chuyện”, anh cầm micro và bắt đầu nói. Với giọng không thể lắp bắp hơn, Leo tiếp tục, “Vâng, tôi đang ở đây, và tôi không còn gì để nói với các bạn”. Messi cúi đầu, và khán đài Camp Nou vang lên những tiếng vỗ tay (và cười).
Mới đây, trong trận thắng Valencia ở Mestalla, Messi bị ném một vật cứng vào đầu. Trọng tài cho rằng Messi cố tình kéo dài thời gian, và phạt thẻ vàng. Anh chấp nhận hình phạt, mà không hề kể lể hay thanh minh điều gì. Rất may, Barca kháng cáo và chiếc thẻ ấy bị xóa.
Luôn là người con Rosario
Đã có một giai đoạn dài, người Argentina không thích Messi. Họ bảo, anh chưa làm được như Maradona huyền thoại. Rồi người Argentina hắt hủi Messi, rằng anh sống ở Tây Ban Nha từ nhỏ, nên mất chất của quê hương.
Khát vọng VĐTG đã khiến người hâm mộ Argentina thiếu khách quan với Messi. Không thay đổi theo văn hóa Catalunya hay Tây Ban Nha, Leo vẫn sống như cách mà anh rời quê hương Rosario năm 13 tuổi.
“Messi trái ngược với Maradona”, nhà báo Argentina, Fernandez Moores, viết về Messi trong một cuốn sách phát hành mới đây. “Messi là một thiên tài bóng đá, nhưng chỉ muốn là người bình thường. Người Argentina hiện còn treo những bức ảnh của Maradona để tôn thờ, và không quan tâm đến Messi với sự hy sinh thầm lặng. Người ta không chịu nhìn nhận anh, vì không có danh hiệu nào với ĐTQG”. Nhà báo Moores nhận xét, “đối phó với những áp lực của sự đòi hỏi lúc nào cũng chiến thắng là rất khó khăn”.
Marcelo Roffe, nhà nghiên cứu tâm lý học trẻ tuổi, vừa đưa ra nghiên cứu của mình về Messi. Roffe cho biết, Messi từng thể hiện mình một cách khiêm tốn khi còn trẻ. Leo là người khát khao chiến thắng, luôn quyết tâm, đồng thời cũng rất nhút nhát.
Leo Faccio, một nhà báo vừa ra cuốn sách viết riêng về cuộc sống cá nhân của các cầu thủ, phân tích về Messi: “Cậu ấy dành phần lớn thời gian trong một năm thi đấu ở Barca, nhưng cuộc sống vẫn luôn luôn như đang ở Rosario”. Thậm chí, trong cuốn sách của mình, Faccio cho rằng, cuộc sống của Messi bị hoài nghi có thể dẫn đến tự kỷ. Tất nhiên, đó chỉ là một giả thuyết và không phù hợp. Vì, Messi vẫn đang chơi bóng đầy khát khao và hiệu quả.
Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa