05/07/2022 14:05 GMT+7 | Văn hoá
Nhà hát Trần Hữu Trang đêm 3/7 vừa qua là một đêm khó quên với những bó hoa, những tràng pháo tay, với cả nụ cười và nước mắt dành cho cuộc hội ngộ giữa NSƯT Bảo Quốc cùng khán giả và bạn bè đồng nghiệp trong mini liveshow Hơn 60 năm vui buồn cùng sân khấu (đạo diễn NSƯT Hữu Châu).
1. Khác với không khí rộn ràng, sôi động thường thấy trong các liveshow, chương trình mở màn bằng một đoạn hồi ức của NSƯT Bảo Quốc. Trong một góc tĩnh lặng của sân khấu, dưới ánh đèn mông lung như những dòng chảy của năm tháng trôi qua, Bảo Quốc đã đưa khán giả quay ngược thời gian trở về với ký ức tuổi thơ của mình.
Bảo Quốc khi ấy là cậu bé hiếu động, con trai của nghệ sĩ nổi danh Năm Nghĩa và bà bầu Thơ lẫy lừng trong giới cải lương nhưng không mê hát mà chỉ mê đá banh. Rồi những biến cố xảy ra, số phận đẩy đưa ông bước lên sân khấu một cách bất đắc dĩ, vậy mà mê nghề, theo nghề suốt 60 năm. Hình ảnh đại gia đình Thanh Minh - Thanh Nga được khắc họa ngắn gọn, giản dị nhưng đủ để khán giả hình dung về ông Năm Nghĩa, bà bầu Thơ, nghệ sĩ Hữu Thìn, Thanh Nga. Đó là những người thân, người thầy đã dìu dắt, chăm chút cho Bảo Quốc trưởng thành không chỉ về mặt nghề nghiệp mà cả đạo đức làm người. Vì vậy trong quá trình đi hát, ông chưa bao giờ dám diễn ẩu, diễn bậy, luôn tận tâm với đồng nghiệp và khán giả, được mọi người nể trọng là một nghệ sĩ chuẩn mực.
Giọng kể của Bảo Quốc chậm rãi, từ tốn, không kịch tính hóa nhưng làm người nghe xúc động bởi tình cảm chất chứa trong đó. Ông kể cho khán giả, hay kể cho chính mình, kể cho những người đã đi qua nhưng còn sống mãi trong ký ức của chính mình.
Bên cạnh đó, các vai diễn để đời của Bảo Quốc cũng được điểm qua với những câu thoại quen thuộc đã từng lấy đi trái tim của hàng triệu người xem. Đó là một Chương Hầu nịnh bợ giặc thù, thượng đội hạ đạp nhưng lại nhát gan sợ chết trong Tiếng trống Mê Linh; là tên công tử bột Hiếu Danh ngu dốt nhưng thích bắt nạt trong Bên cầu dệt lụa; là thằng con bất hiếu nghiện ngập đến ngơ ngáo Y Xì-ke trong Bóng tối và ánh sáng hay gã phản trắc Đinh Lăng mưu đồ gây rối triều đình trong Thái hậu Dương Vân Nga. Và, có cả một sứ thần Nhan Tấn đến từ phương Bắc để phá hoại Âu Lạc không phải bằng giáo gươm, cung tiễn mà bằng bạc vàng, rượu ngon, gái đẹp trong Nỏ thần. Chỉ với vài hình ảnh, vài câu thoại lướt qua, khán giả quen thuộc với sân khấu vẫn rưng rưng vì sống lại những ký ức vàng son, còn người chưa xem thì phần nào cũng cảm nhận được cái hay cái đẹp của thánh đường nghệ thuật.
2. Bảo Quốc đến với khán giả xem đêm liveshow bằng 3 trích đoạn được chọn lựa kỹ lưỡng, thể hiện khả năng hóa thân đa dạng của ông ở cả bi lẫn hài. Trong Con gái chị Hằng, ông là cậu Tư quê mùa, tận tụy chăm nom người chị bệnh tật và đứa cháu bơ vơ trong biến cố gia đình. Ông diễn bi một cách chất phác đúng với nhân vật, không lên gân ồn ào nhưng vẫn làm khán giả cảm động. Thế mà chỉ đến trích đoạn sau là Không bán tình em, Bảo Quốc lại khiến người xem cười rần rần vì những mảng miếng hài quá duyên dáng. Ông diễn hài một cách điềm đạm, không lạm dụng hình thể hay quá nhiều kỹ xảo, chỉ cần thả thoại và biểu cảm khéo léo, đúng chỗ là tạo nên tiếng cười. Đó cũng là phương châm hài sạch mà ông theo đuổi suốt mấy chục năm, giản dị chân phương mà vô cùng kỹ thuật.
Và cuối cùng là vai diễn kinh điển ông Hai trong Nửa đời hương phấn. Bảo Quốc lại tiếp tục khắc họa một kiểu bi khác, nỗi đau đớn của người trí thức trong khuôn phép xã hội xưa. Ông phải nén lòng đuổi đứa con gái mình hết mực yêu thương ra khỏi nhà vì không vượt qua được khái niệm nề nếp gia phong trong lòng, không dám chấp nhận một đứa con làm nghề bán thân nhơ bẩn.
Những nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng như NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương, NSND Ngọc Giàu, NSND Thanh Điền, NSND Thoại Miêu, NS Tuấn Thanh, danh hài Bảo Chung, NSƯT Kim Phương, NS Thanh Hằng, NSƯT Thoại Mỹ đều tề tựu trong đêm diễn, cùng những gương mặt của thế hệ sau như NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Tú Sương, NSƯT Vũ Luân, NS Hồng Loan, Gia Bảo, Hà Linh khiến chương trình rất đầy đặn, hấp dẫn. Họ hát với nhau như một cuộc hội ngộ đầy yêu thương, cùng chăm chút những khoảnh khắc đẹp nhất, tỏa sáng nhất đời nghệ sĩ để cống hiến hết sức mình cho khán giả. Những bài vọng cổ được Minh Vương, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Trọng Phúc hát quá hay, làm người nghe thích thú tận hưởng cuộc dạo chơi âm nhạc đầy hấp dẫn. Bất ngờ nhất là NSƯT Kim Tử Long đảm nhận vai trò MC hết sức có duyên. Thì ra nhờ Bảo Quốc tiết lộ ép mà Kim Tử Long phát hiện thêm một khả năng mới của mình.
Hẳn là sau khi cánh màn nhung khép lại, người hâm mộ cải lương ra về nhưng vẫn vấn vương cảm xúc về một đêm diễn viên mãn. Và người nghệ sĩ cũng thế, sẽ lại có cơ hội cùng nhau thắp lên ánh đèn cho cải lương không tắt…
Đồng hành trong đêm diễn cùng Bảo Quốc là những gương mặt quen thuộc với khán giả. Họ là đồng nghiệp hay nói đúng hơn là những người bạn của ông suốt mấy chục năm làm nghề. Ông nói vui: “U50 thì ít, U80 thì nhiều”. Nghe thì hài hước, nhưng có thể thấy trong đó là tình cảm trân trọng của người nghệ sĩ dành cho nhau. Đặc biệt là khi ai cũng ở lứa gần 70 - 80 tuổi, biết có còn bao nhiêu cơ hội đứng cùng nhau trên sân khấu? |
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất