24/01/2016 08:51 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Livestream (truyền hình trực tiếp trên internet) bắt đầu được áp dụng phổ biến ở Việt Nam từ năm 2015 và có thể nói đến nay livestream đang dần trở thành trào lưu, ngày càng có nhiều các chương trình giải trí áp dụng công nghệ này. Nhưng quan trọng hơn, nó đang là thách thức rất lớn với truyền hình trực tiếp.
Tính từ 2015 đến đầu 2016, tại Việt Nam hình thức livestream đang trở thành một xu hướng khá nổi bật. Từ live show Ngày xanh của 4 diva Hà Nội cho đến chương trình của ca/nhạc sĩ Trần Lập, từ lễ trao giải POPS Awards 2015 đến giải Làn sóng xanh, Zing Music Awards… Tối qua, lễ trao giải Mai Vàng cũng chọn hình thức này để để đem chương trình đến gần công chúng hơn.Làn gió mới
Livestream không phải là hình thức lạ với công chúng Việt Nam bởi ngay từ 2009, ca sĩ Hồ Ngọc Hà đã sử dụng hình thức này để quảng bá cho show Và em đã yêu của cô. Nhưng lúc ấy, do đường truyền kém và âm thanh lẫn hình ảnh đều không được như ý nên hình thức này chỉ mới được xem là thử nghiệm và không tạo nhiều sự chú ý.
Phải đến năm 2014 thì xu hướng này bắt đầu nở rộ với việc công ty POPS Worldwide áp dụng livestream cho lễ trao giải POPS của họ và bắt đầu gây được sự chú ý.
Ngay sau đó, đêm thời trang Elle Show cũng chọn hình thức này để quảng bá, rồi tiếp đến là chương trìnhLàn sóng xanh, sau nhiều năm chọn truyền hình trực tiếp, đã đi một bước đi táo bạo, là chuyển toàn bộ nội dung trực tiếp sang livestream trên YouTube.
Xu hướng này cũng cần phải đề cập tới những làn gió bên ngoài khi rất nhiều fan ở Việt Nam thường xuyên thưởng thức livestream những chương trình âm nhạc của những ngôi sao K-Pop, Cantopop hay những giải thưởng âm nhạc đình đám thế giới.
Bắt đầu từ đây, “cơn gió” livestream bắt đầu thổi mạnh hơn vào thị trường Việt Nam. Người đón đầu cơn gió chính là Sơn Tùng M-TP với việc livestream buổi ra mắt MV Âm thầm bên em vào đầu tháng 8/2015 và ngay lập tức “kéo” được một lượng view kỉ lục. Ngay sau đó Noo Phước Thịnh cũng áp dụng hình thức này với việc ra mắt MV Xin đừng buông tay trên facebook.
Các chương trình âm nhạc cũng nhanh chóng nhảy vào cuộc, từ Future Now 2015 của Yeah1, Happy Lunch của XoneFM cũng chọn livestream làm công cụ truyền bá…
Đến “cơn đau đầu của nhà đài”
Livestream đang trở thành một đối thủ đáng gờm của truyền hình trực tiếp bởi nó có nhiều vũ khí trong tay mà truyền hình trực tiếp không thể nào có được.
Đầu tiên, livestream không bị giới hạn bởi lãnh thổ cũng như thiết bị. Nếu như truyền hình trực tiếp trên tivi truyền thống chỉ dành cho khán giả trong nước và phải theo dõi qua tivi, thì giờ đây, livestream có thể truyền trực tiếp sự kiện đến khán giả toàn cầu trên mọi thiết bị từ máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại có kết nối internet.
Kế đến, khả năng tương tác của livestream là rất cao. Giữa chương trình với khán giả, giữa đơn vị tổ chức hay các thành phần tham dự chương trình với người xem. Với livestream, khán giả có thể bình luận trực tiếp, phản hồi ý kiến của mình về chương trình hay các vấn đề liên quan ngay trong lúc đang xem chương trình.
Điều này có thể thấy ngay trong chương trình của Trần Lập mới đây khi sự tương tác giữa khán giả và chương trình sẽ làm cho những ai lần đầu tiên thưởng thức livestream sẽ hết sức ngạc nhiên. Hàng loạt bình luận được đưa ra, tranh luận, cãi nhau, khen chê ngập tràn. Nhưng càng nhiều bình luận, lượng view của chương trình sẽ lại càng tăng chóng mặt.
Chính lượng view có thể thấy một cách gần như chính xác qua hình thức livestream sẽ là điều mà truyền hình trực tiếp chưa thể có được. Đó còn chưa kể, với livestream, độ dài chương trình không phải là bài toán nan giải mà các chương trình trực tiếp truyền hình luôn đau đầu. Dài ngắn bao lâu cũng được và không bị khống chế thời gian.
Hơn thế, ngay sau khi trực tiếp với livestream, nội dung phát sóng được lưu lại trên mạng internet luôn mà đơn vị tổ chức không cần upload lại file lên mạng internet như truyền hình trực tiếp truyền thống.
Yêu cầu kĩ thuật với một chương trình livetream
Rất đơn giản. Livestream chỉ cần có đường truyền với băng thông tối thiểu là 30 Mb/s – có thể cho ra độ phân giải 720. Ngoài ra, cần đảm bảo máy tính đủ mạnh để thực hiện. Thông thường máy tính cần tối thiểu phải là Core I5, RAM 8GB và cổng HDMI. Gọn nhẹ hơn rất nhiều với các phương tiện kỹ thuật phải có của một chương trình truyền hình trực tiếp.
Với những ưu điểm đó thì có thể dễ hình dung rằng số lượng người xem của các chương trình khi live streaming sẽ tăng lên đáng kể. Với nhiều nhà tổ chức, so với các trải nghiệm truyền thống thì live streaming thật sự là một bước đột phá.
(Còn tiếp)
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất