22/09/2011 13:53 GMT+7 | Thế giới
Với cương vị Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai cụ thể, quyết liệt, không hình thức các giải pháp trọng tâm để bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thông báo số 218/TB-VPCP nhằm thực hiện nhiệm vụ cấp bách là hạn chế tiến tới đẩy lùi tai nạn và giảm ùn tắc.
Thông báo nêu rõ yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện và xử lý nghiêm việc người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép khi lái xe. Đặc biệt cần có giải pháp mạnh như thu phương tiện để chấm dứt ngay việc đua xe trái phép tại các thành phố lớn và đô thị trên cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý phải đẩy mạnh công tác chống tiêu cực và xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực ở các lĩnh vực như đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đăng ký, đăng kiểm phương tiện.
Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo trực tiếp Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của những cán bộ trong thực thi nhiệm vụ như kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, TP.HCM phối hợp với các bộ, ngành liên quan thí điểm ngay việc hạn chế hoặc cấm lưu thông trong thời gian thích hợp đối với xe môtô, xe gắn máy lưu thông trên một số tuyến phố trong đô thị để rút kinh nghiệm, nhân rộng nếu thấy hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn nhất cả nước.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo xây dựng đề án cấm xe máy tại các thành phố lớn với thời hạn báo cáo là quý IV năm 2013.
Những con số thống kê về tình hình tai nạn 8 tháng đầu năm vẫn rất nhức nhối với 8.984 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 7.550 người và bị thương 6.908 người. So với cùng thời điểm năm 2010, số vụ tai nạn có giảm nhưng số người chết và bị thương vẫn tăng cao.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền văn hóa giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh, đài truyền hình; mở các chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường tuyên truyền trực quan qua quảng cáo trên pa nô, áp phích, tờ rơi... để mọi người dân nhận thức rõ hiểm họa từ tai nạn giao thông.
Các tổ chức, đoàn thể, trường học, các cơ quan công an, giao thông vận tải được yêu cầu phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Theo Dân trí
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất