25/09/2016 08:15 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Lại một thông tin nữa liên quan tới loại phương tiên đang phổ biến nhất ở các đô thị lớn: từ 5 tới 10 năm nữa, xe máy sẽ lần lượt bị hạn chế hoạt động tại khu vực trung tâm Hà Nội.
Lộ trình này đưa ra và chia làm 3 giai đoạn trong thời gian 6 năm, kể từ 2020. Và đáng chú ý nhất: theo kế hoạch, xe máy ngoại tỉnh sẽ là đối tượng được "ưu tiên" để cấm. Chẳng hạn, tới năm 2021, xe máy ngoại tỉnh không được đi vào khu vực vành đai 1. 2 năm sau (2023), phạm vi ấy sẽ mở tiếp tới vành đai 2.Đây không phải lần đầu, việc hạn chế xe máy (và phần nào là phương tiện giao thông cá nhân) tại Hà Nội được nhắc tới. Gần 20 năm qua, câu chuyện ấy luôn trở thành đề tài thời sự, mỗi khi người ta nhắc tới nạn tắc nghẽn giao thông đang phát triển với tốc độ kinh hoàng tại thành phố này.
Tắc đường ở Cầu Tó, Hà Nội. Ảnh: Internet
Và, bên cạnh những ý tưởng đề xuất từng trở thành "tâm bão" vì tính thiếu khả thi (chẳng hạn như việc kiểm soát quyền lái xe theo số đo vòng ngực, hoặc luân phiên đổi chiều giao thông trong ngày tại những tuyến phố một chiều), thì ngược lại, theo thời gian, dường như nhận thức của cộng đồng cũng đã có sự thay đổi tích cực hơn khi nói tới chuyện hạn chế xe máy – yếu tố chính gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông như hiện nay.
Nhưng, với ý tưởng cấm xe ngoại tỉnh, sự phản ứng gay gắt đang diễn ra lại càng cho thấy một thực tế: dù hiểu được nguyên do (cũng như lợi ích về lâu dài), nhưng sự ảnh hưởng quá lớn tới những tiện lợi trước mắt vẫn khiến cộng đồng khó lòng đồng thuận.
Và thẳng thắn, chính những yếu kém, lúng túng trong quản lý đô thị của chúng ta lại đang dẫn câu chuyện này về một nỗi lo thường trực: nếu thiếu tính khả thi và xa rời thực tế, quy định mới sẽ tất yếu trở thành gánh nặng gây phiền hà cho cộng đồng, cũng như tạo cơ hội cho những tiêu cực nảy sinh.
Trước những tranh cãi này, hôm 20/9, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội lên báo cho rằng, “không rõ báo chí lấy thông tin từ đâu để đăng tải về đề xuất hạn chế ô tô theo giờ cũng như cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô”. Ông cho biết, Sở mới chỉ đang nghiên cứu phối hợp với Viện chiến lược GTVT xây dựng Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố".
Theo đó, Viện Chiến lược có thể tham gia với tư cách Tư vấn xây dựng Đề án. Mặc dù vậy, lãnh đạo Sở GTVT cũng khẳng định đây mới là thông tin sơ bộ ban đầu, đến thời điểm này, thành phố vẫn chưa giao cho Sở GTVT thực hiện Đề án này.
Từ rất lâu, các chuyên gia đã chỉ rõ: muốn hạn chế dòng lưu thông của phương tiện cá nhân từ ngoại tỉnh vào trung tâm Hà Nội, cách duy nhất thuyết phục họ là tổ chức một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả để thay thế. Đó không chỉ là metro, là xe bus nhanh, mà còn là những trạm dừng, hầm bộ hành, cầu vượt... được bố trí theo hướng thân thiện và tiện lợi nhất cho người dùng.
Rồi xa hơn, tất cả những tiện ích mà Hà Nội đang có ở trung tâm như bệnh viện có chất lượng, khu mua sắm, trung tâm giải trí... cũng phải được phát triển mạnh ở ngoại vi, để cộng đồng cư dân tại chỗ, cũng như những người ở ngoại tỉnh, có thể dễ dàng tiếp cận, thay vì phải đổ vào mấy km vuông tại trung tâm như bây giờ.
Những điều kiện ấy, trên thực tế, rõ ràng chưa thể khiến chúng ta an tâm khi nghĩ tới chuyện cấm xe ngoại tỉnh vào trung tâm Hà Nội.
Chuyện cấm xe máy , xét cho cùng, là để hướng tới chuyện giảm ùn tắc giao thông, chứ không phải để "thủ tiêu" loại phương tiện vẫn đang rất gắn bó với đại đa số người dân. Bởi thế, chúng ta có quyền trông chờ, thậm chí là đòi hỏi, với hàng loạt giải pháp và lộ trình bổ sung nếu ý tưởng này được thông qua – chứ không thể chỉ nhìn việc cấm xe qua những con số khô cứng và đơn giản.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất