Các tỉnh miền Trung: Lũ chồng lên lũ, tang thương nối tiếp tang thương

18/10/2010 12:08 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đợt mưa lũ trước đó mới qua được dăm bảy ngày thì liên tiếp 4 ngày qua, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình hứng chịu những trận mưa như trút nước. Lượng mưa lớn kỷ lục khiến phần lớn phố phường, làng bản, ruộng đồng ngập chìm trong biển nước trắng xóa. Tính đến cuối ngày hôm qua, đã có 21 người chết và mất tích, hàng chục người bị thương. Trong đó Hà Tĩnh chết và mất tích 7 người, bị thương 5 người.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, đến tối hôm qua, tại Nghệ An, Hà Tĩnh nước lũ vẫn tăng lên từng giờ, trong khi tại Quảng Bình lũ tiếp tục duy trì mức cao, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người dân.

Nghệ An: Thiệt hại nặng nhất về người

Tại Nghệ An, lũ trên Sông Lam đã vượt báo động 3. Từ 20h đêm ngày 16/10 đến 6 giờ sáng ngày 17/10, là thời gian tập trung lượng mưa kỷ lục, lượng mưa trung bình khoảng 600mm - 800mm, trong đó Nam Đàn là 614mm, Yên Thành 634mm, Thanh Chương 601mm và TP Vinh 725mm.

Đến hôm qua, Nghệ An đã có 4 người chết, trong đó huyện Thanh Chương có 2 người là: Nguyễn Văn Luân (1983, ở xóm 3 xã Thương Hương) và Nguyễn Văn Đồng (1993 xóm 4 xã Thanh Hương).


Cứu trợ lương thực cho đồng bào bị lũ huyện Lệ Thủy, Quảng Bình
Ở huyện Nghi Lộc có 2 người chết do bị lũ cuốn trôi là cháu Đặng Thị Kiên, xóm 4, xã Nghi Trường và một người chưa xác định được danh tính và chưa tìm thấy thi thể. Tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, hàng trăm người dân cùng các lực lượng chức năng trong huyện đang khẩn trương tìm kiếm một cháu Đặng Thị Kiên bị lũ cuốn trôi khi đi học. Người dân cho biết, cháu Kiên sinh năm 1986 trên đường đi học qua khu vực cầu Nhọn thì bị nạn. Dòng nước lũ chảy xiết, biển nước mênh mông trên một phạm vi rộng lớn nên việc tìm kiếm cháu Kiên gặp rất nhiều khó khăn.

Nước lũ nhấn chìm toàn bộ đồng ruộng của các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Hưng Nguyên, làm ngập úng diện tích lúa vừa được gieo trồng vụ Đông Xuân, các ruộng trồng hoa màu bị mất trắng do lũ.

Tại Thành phố Vinh, các tuyến đường cũng ngập chìm trong biển nước. Các trục đường chính nước lũ đã ngập đến 1 mét như đường Quốc lộ 1A đoạn đường Quang Trung; đường Nguyễn Văn Cừ, Đại lộ Lê Nin. Đồng thời nhiều hộ dân phường Trung Đô, dưới chân núi Dũng Quyết buộc phải tìm nơi ở mới vì núi có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Do mưa lớn kéo dài, bùn đất, đá từ trên núi đổ xuống làm cho nhiều nhà các hộ dân dưới chân núi bị chìm trong bùn đất, không thể vào được nhà, có hộ bị bùn ngập sâu gần 1m; một số nhà đã bị đất đá từ trên núi đổ xuống làm sập tường rào. Trên núi Dũng Quyết đang có những tảng đá to, nặng hàng chục tấn nằm chênh vênh, có thể lăn xuống nhà dân bất cứ lúc nào.

Hà Tĩnh: Vẫn lo vỡ đập

Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai sau trận lũ đầu tháng 10 gây thiệt hại 850 tỷ đồng và cướp đi rất nhiều sinh mạng của người dân, các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ và Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh thêm một lần gồng mình chống chọi với lũ dữ và lốc xoáy.

Thiệt hại nặng nề nhất là huyện miền núi Hương Khê, thị trấn Hương Khê ngập chìm trong biển nước, thi thoảng mới có vài nóc nhà còn trơ chút ngói trên mặt nước đỏ ngầu. Hồ Rú Mão ở xã Phúc Đồng có nguy cơ bị vỡ, đang được tập trung ứng cứu. Hồ thủy điện Hố Hô nước đã lên đến 70 mét (cao trình hồ là 72 mét). Trong khi các cơn mưa vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt khi mà mức đo được tính đến 5h ngày 17/10 là 810mm, thị trấn Hương Khê 689mm. Huyện đã di dời gần 5.000 hộ dân lên vùng cao và tập trung ứng cứu những hộ dân đang bị mắc kẹt trong lũ.


Huyện Hương Khê đã ngập chìm trong nước lũ
Tại huyện giáp ranh Hương Sơn, mưa lũ đã cuốn trôi một em học sinh khi đang trên đường đi học, hiện vẫn chưa tìm được thi thể. Đặc biệt, ngoài đập Khe Mơ thuộc xã Sơn Hàm bị vỡ, mưa lũ tiếp tục làm vỡ đập Trưng thuộc xã Sơn Kim 1 gây ngập hàng trăm ngôi nhà thuộc vùng hạ lưu. Ước tính, thiệt hại ban đầu do mưa lũ tại Hương Sơn khoảng 27 tỷ đồng. Ở huyện Vũ Quang mưa lũ đã cô lập 3.000 hộ dân và giao thông chia cắt hoàn toàn tại nhiều tuyến đường, có nhiều chỗ ngập sâu từ 1,5 - 2m. Trong mưa lũ đã xuất hiện lốc xoáy làm tốc mái hất đi 6 ngôi nhà của người dân.

Thành phố Hà Tĩnh đã chìm ngập trong biển nước khi lượng mưa đo được ở mức kỷ lục 864mm, thêm vào đó là việc xả lũ của hồ thủy điện Kẻ Gỗ làm nước ngập càng thêm ngập. Nhiều tuyến đường nước ngập lên 1,5m.

Nhiều đoạn đường thuộc quốc lộ 1A, 8A và sạt lở tà luy dương gây ách tắc cục bộ, tuyến đường sắt từ ga Phúc Trạch đến ga Hương Phố bị sạt lở và ngập, tàu không thể qua được.

Quảng Bình: Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng lại bị nước lũ tàn phá

Chúng tôi có mặt tại Phong Nha - Kẻ Bàng, chứng kiến cảnh nước lũ bao vây. Sơn Trạch là xã nằm trong khu Di sản và là một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn lũ này. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch xã Sơn Trạch cho biết: Chỉ trong vòng hai tuần, bà con phải hứng chịu hai đợt mưa lũ lịch sử. Nước lũ đợt trước chưa kịp rút, nay đợt lũ khác lại kéo về làm 700 nhà dân bị ngập gần 2m.

Ngày 17/10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện khẩn số 1864/CDD-TTg, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo cấp ngay khoản kinh phí do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định hỗ trợ hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh ngày 7/10/2010 (Quảng Bình: 100 tỷ đồng, Hà Tĩnh: 100 tỷ đồng). Đồng thời, Cục Dự trữ quốc gia xuất, cấp bổ sung ngay cho hai tỉnh: Quảng Bình 1.000 tấn gạo và Hà Tĩnh 1.000 tấn gạo, để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trên dòng sông Son thơ mộng hiền hòa, nơi đưa du khách vào thăm hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, nay nước trở nên hung dữ, nước sông đục ngầu một màu đỏ rực như tên gọi của con sông. Từng đợt sóng vỗ mạnh vào mạn thuyền, làm con thuyền của chúng tôi nhiều lần chao đảo, nghiêng ngả, phải khó khăn lắm mới tiếp cận được những nhà dân bị ngập lụt tại đây.


Khó khăn nhất cho Sơn Trạch hiện nay là hàng cứu trợ chưa kịp chuyển về hết cho các hộ dân. Trước đợt lũ này toàn xã mới nhận được 60 tấn gạo, số gạo này chỉ đủ cho mỗi hộ dân trong xã ăn trong vòng 3 ngày. Ông Phan Văn Gòn, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch huyện Bố Trạch cho biết: Huyện đã di dời 1.600 hộ dân dọc bờ sông Son ngay trong đêm 15/10. Trong những ngày tới nếu nước lũ tiếp tục dâng cao, Ban phòng chống lụt bão huyện sẽ tiếp tục vận chuyển lương thực, thực phẩm để giúp dân ở đây không bị đói, rét.

Trên toàn tỉnh Quảng Bình, nước sông Gianh, sông Kiến Giang đã vượt mức báo động 3, gây ngập lụt gần 50.000 hộ dân, trong đó có gần một nửa tổng số hộ dân nói trên ngập sâu trong nước từ 1,5-2m. Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 9h sáng 17/10, các huyện trong tỉnh đã di dời được hơn 10.000 hộ dân ở vùng ngập lụt nặng tới vùng cao an toàn.

Đại Nghĩa - Quốc Hoàn - Duy Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link