09/03/2018 13:38 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.
Bảo tàng văn hóa sống động
TS Trần Đoàn Lâm – Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam cho biết, “Thực hành tín ngường thờ Mẫu Tam phủ là một trong những thành tố rất đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Đạo đức nho giáo rất trọng nam kinh nữ, nhưng riêng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lại đề cao vai trò của người phụ nữ. Đây là kho tàng văn hóa bao gồm nhiều yếu tố như nghi lễ, trang phục, âm nhạc… Chính vì vậy UNESCO đã công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại vào ngày 1/12/2016.”
Theo Nghệ nhân trình diễn Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Lưu Ngọc Đức, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là tín ngưỡng nội sinh, bản địa đã có từ lâu đời, đồng hành cùng lịch sử của dân tộc, cùng với cuộc sống của xã hội, của con người Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời từ rất lâu đời gắn liền với quá trình sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Theo quan niệm dân gian, vũ trụ gồm tứ phủ: Thiên phủ (miền trời), Địa phủ (miền đất), Nhạc phủ (miền rừng núi), Thuỷ (Thoải) phủ (miền sông nước). Mỗi một miền này có một nữ thần cai quản, thay quyền tạo hóa quản cai nhân gian. Các vị nữ thần đó là Mẫu Cửu Thiên cai quản miền trời, Địa Mẫu cai quản miền đất, Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, và Mẫu Thoải cai quản miền sông nước.
Bên cạnh tư tưởng thờ Mẫu, người Việt Nam còn có nét đẹp, nét văn hiến, là luôn tri ân công đức của các vị anh hùng dân tộc. “Sinh vi tướng, hóa vi thần” – Sống thì làm tướng bảo vệ đất nước, mất đi thì hóa thành linh thần phù trợ xã tắc.
Các nhà khoa học đều khá thống nhất cho rằng thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra đời vào cuối triều Lê thế kỷ 16, gắn liền với sự giáng sinh của Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh công chúa - vị nữ thần duy nhất trong Tứ Bất Tử của Việt Nam. Ngài là “bà mẹ văn hóa”, là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đã được trung đúc hàng ngàn năm qua. Qua đó, cũng thể hiện tư tưởng nam nữ bình đẳng, một điều khác biệt trong xã hội phong kiến xưa kia. Mặt khác, bởi mang tính chất dân gian nên thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có nội dung và hình thức vô cùng phong phú và mang tính chất chi phối của từng vùng miền.
Chia sẻ về những nét đẹp nhân văn của di sản này, nghệ nhân Lưu Ngọc Đức cho biết: “Thứ nhất, thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Thể hiện tinh thần yêu nước; thứ hai là yêu lao động và ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước; thứ ba là thể hiện cuộc sống tinh thần lành mạnh của con người Việt Nam, tình cảm của người Việt gửi gắm qua các bài hát văn; và thứ tư là thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi đến miền ngược.”
Bảo tồn, gìn giữ để thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ luôn “trong sáng”
Bên cạnh vẻ đẹp nhân văn của di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, cùng sự phát triển của xã hội, người ta lợi dụng di sản này vào mục đích khác nhau, thậm chí đi ngược lại với tính nhân văn, tính văn hóa vốn có của nó.
Đã không ít lần GS-TS Ngô Đức Thịnh, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu về di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nhấn mạnh về những mặt trái này: "Không ít người lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, buôn thần bán thánh. Không ít kẻ giàu lên nhờ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng, đi ngược bản chất của bất cứ tôn giáo nào cũng là hướng thiện, trừ ác".
Nghi lễ thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có rất nhiều nghi thức từ lễ phục, âm nhạc … một thời gian do ảnh hưởng bởi bối cảnh lịch sử cũng bị sai lệch. Tôi rất mong có các cuộc gặp gỡ với những người yêu văn hóa Việt, các chuyên gia nghiên cứu để tái hiện lại không khí văn hóa, dân tộc, truyền thống của di sản này.
Cái gì cũng còn có mặt trái. Đại đa số chúng tôi vẫn giữ đúng nghi lễ thực hành theo lối cổ truyền. Tôi rất mong có các cuộc họp với các đơn vị quản lý văn hóa, các chuyên gia để giữ gìn thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đúng bản sắc, không bị biến thái, bị lai căng – nghệ nhân Lưu Ngọc Đức cho hay.
Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng – Nhà hát Chèo Việt Nam lại cho rằng cần có các biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh những biến tướng của hoạt động này. “Như hiện nay chúng ta đang thấy rất nhức nhối việc hầu Thánh biến tướng, thiếu đi sự tôn nghiêm, tôn trọng tiên Thánh khi thực hành.
Dưới góc độ văn hóa, tôi nghĩ những nhà quản lý đầu tiên phải làm rất gắt gao trong các đền phủ, người như thế nào mới được đứng ở cương vị chủ nhang thủ từ ở các ngôi đền đấy. Những trường hợp không đạt được tiêu chuẩn thì yêu cầu dừng ngay việc thực hành ở môi trường đền phủ của mình” – Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng chia sẻ.
Theo Gia Linh - Cinet.vn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất