'Lolita' và câu chuyện dịch thuật

02/05/2014 07:11 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - “Lolita, ánh sáng đời tôi, lửa dục lòng tôi. Lầm lỗi của tôi, linh hồn của tôi. Lo-lii-ta: đầu lưỡi lướt ba bước xuôi vòm miệng để vỗ nhẹ, tại bước ba, lên răng. Lo. Lii. Ta”.

Những dòng mở đầu đầy chất thơ và thấm đẫm đam mê trong cuốn tiểu thuyết mang tên Lolita của đại văn hào Vladimir Nabokov đã đi vào lịch sử văn chương hiện đại, và được nhắc đến trong hầu hết các trích dẫn liên quan đến tác phẩm này. Và mặc dù cho đến nay, đã có hơn 50 triệu bản Lolita được bán ra trên toàn thế giới, đã có hàng trăm triệu người đọc, nhưng dường như người ta vẫn chưa thôi tranh cãi về tác phẩm, về văn phong hết sức đặc biệt của Nabokov, về những ẩn ức tình dục trong tâm hồn các nhân vật, cũng như về sự trái ngang trong mối tình giữa người cha dượng gần 40 tuổi và cô con gái riêng mới hơn mười tuổi của vợ anh ta.

Lolita nổi danh không chỉ vì câu chuyện tình oái oăm và tuyệt đẹp trong nó, mà còn vì cách viết của Nabokov, một người dòng dõi quý tộc, gốc Nga, có khả năng tư duy hình ảnh tuyệt vời, một nhà văn am tường kiến thức đông - Tây kim cổ, và cũng là một người hết sức kiêu ngạo, thể hiện qua chính đánh giá của ông về văn chương: “Với tôi thì một tác phẩm hư cấu chỉ tồn tại trong chừng mực nó cho tôi cái mà tôi sẽ gọi huỵch toẹt ra là khoái cảm thẩm mỹ, đó là cảm giác được - bằng cách nào đó, ở nơi nào đó - kết nối với những trạng thái khác của sự tồn tại, nơi mà nghệ thuật (sự hiếu kỳ, tính nhạy cảm, lòng nhân hậu, niềm hoan lạc) là tiêu chuẩn“.


Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất bản, Lolita bản dịch tiếng Việt (Dương Tường dịch) đã nhanh chóng được chỉnh sửa sau phản hồi của bạn đọc

Chính vì thế, Lolita là một tác phẩm cực kỳ khó đọc và khó dịch. Người nào muốn hiểu sâu, chứ chưa hẳn đã là trọn vẹn, về Lolita, sẽ phải đọc thêm cuốn The Annotated Lolita của Alfred Appel Jr. với hàng ngàn chú giải tương đối chi tiết về các từ, các cụm từ và mạch tư duy của Nabokov trong tác phẩm. Nhưng dù cho có tham khảo The Annotated Lolita, thì Lolita vẫn là một cuốn sách vô cùng khó dịch với cơ man cạm bẫy ngôn từ và logic cũng như cách tư duy hình ảnh vô cùng đặc sắc của Nabokov.

Có lẽ cũng vì quá khó dịch, nên gần sáu mươi năm sau khi ra đời, Lolita mới được dịch qua tiếng Việt qua bản dịch của Dương Tường. Bản dịch này sau đó đã gây nên một vài tranh cãi về chất lượng cũng như nguồn tham khảo trong quá trình dịch.

Những hiện thân khác nhau của một bản dịch

Mới đây, dịch giả Thiên Lương - một người yêu Lolita và Nabokov đã đưa ra bản dịch mới, và mặc dù chưa được in chính thức, nhưng bản dịch tâm huyết với mười tám tháng làm việc liên tục này cũng đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ trên mạng và ngoài cuộc sống thực.

Là một người có nhiều năm sống và học tập tại nước ngoài, trong đó có nhiều năm học ở Nga, nên Thiên Lương có khả năng đọc và chuyển ngữ được từ cả hai ngôn ngữ Anh và Nga. Nhiều năm viết báo, dịch, nghiên cứu và phê bình văn học cũng giúp cho ông có khả năng tiếp cận được sâu hơn vào những ngõ ngách trong tầng hầm của tòa lâu đài Lolita.


Bìa bản phát hành lần đầu

Bản dịch mới được dịch từ nguyên bản tiếng Anh, với tham khảo từ bản dịch tiếng Nga do chính Nabokov dịch, cùng nhiều nguồn tư liệu khác về Lolita, và được đánh giá là bám rất sát theo văn bản gốc cũng như văn phong đặc sắc của Nabokov. Do Nabokov là người Nga, sinh ra và lớn lên tại Nga, đến năm 20 tuổi mới di cư qua nước khác, nên việc tham khảo bản tiếng Nga chắc chắn sẽ là một lợi thế lớn cho việc dịch Lolita. Ngoài ra, để dịch được tốt một tác phẩm văn chương, thì dịch giả phải có được cái gì đó đồng cảm, thậm chí phải có gì đó tương đồng với dịch giả về văn hóa, tuổi tác, ngôn ngữ và trải nghiệm sống. Vì vậy, với mỗi dịch giả, có thể sẽ có một nàng Lolita rất khác! Nhiều năm học tập tại Sant-Peterburg - thành phố quê hương của Nabokov chắc hẳn cũng mang lại cho dịch giả chút gì đó đồng cảm với tác giả. Bởi, như người ta vẫn nói, chỉ có thể hiểu nước Nga bằng trái tim mà thôi.

Bản dịch mới, theo lời dịch giả, với hơn 168 ngàn từ, bao gồm gần 500 chú thích (phần lớn lấy từ The Annotated Lolita) thật sự là một công trình đáng nhận được sự quan tâm của độc giả và những nhà chuyên môn. Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên có một dịch giả thực hiện toàn bộ công việc dịch một tác phẩm cực khó (60 năm sau khi ra đời, Lolita mới được dịch ra tiếng Việt) không vì mục đích xuất bản hay lấy nhuận bút hoặc giải thưởng gì hết. Công việc được làm một cách tự nguyện, và toàn bộ các dữ liệu liên quan đến quá trình dịch đều nằm trên trang web http:// vietnamlolita. blogspot.com/ của dịch giả. Một bản dịch mới sẽ cho chúng ta một nàng Lolita mới. Vả lại, nói cho cùng thì sự vĩ đại luôn nằm ở trong tác phẩm gốc, có thể có rất nhiều bản dịch qua một ngôn ngữ khác, nhưng bản gốc là độc nhất vô nhị, và còn mãi sau khi tác giả qua đời. Trong nhiều năm gần đây, các nhà xuất bản Việt Nam luôn gắn liền cái “mác” “bán chạy nhất”, “được giải Nobel”, “được đánh giá rất cao” cho các dịch phẩm của mình, nhưng hay lờ đi sự thật rằng bản gốc có thể là một tác phẩm tuyệt đẹp, nhưng nếu bị dịch quá sai, quá tệ, thì nó cũng chỉ là một mớ bùng nhùng nham nhở chữ nghĩa thô vụng mà thôi. Dịch giả, như Gabriel Marquez nói, chỉ là con khỉ của nhà văn. Và không phải con khỉ nào cũng có thể hiểu được ý của nhà văn để múa may theo đúng với những gì ông ấy muốn.

Và cũng vì sự nhập nhèm giữa chất lượng của bản dịch và bản gốc, mà độc giả Việt Nam nhiều năm gần đây đã phải ngậm ngùi chịu mất tiền và thời gian với quá nhiều những bản dịch tệ hại nhưng được khoác những lớp áo mỹ miều in đầy nhận xét của các ông Tây bà đầm nào đó. Vô số kiệt tác văn chương chỉ bán được vài trăm, vài ngàn bản ở Việt Nam. Liệu có phải nguyên nhân duy nhất là do độc giả lười đọc sách, hay còn vì chất lượng bản dịch quá tệ hại. Một bản dịch vẫn cần thời gian để sống, để đọng lại trong tâm hồn độc giả, để tái sinh tại một cõi ngôn ngữ khác với ngôn ngữ mà tác giả đã cho nó.

Và cũng là một duyên may cho độc giả, nếu họ được nhìn thấy “nàng” Lolita nói riêng, và những kiệt tác văn chương thế giới khác nói chung, trong hình hài khác, trong hiện thân khác, trong bản dịch khác. Dù vẫn biết rằng, không ai có thể đánh giá bản dịch bằng cách nào khác hơn là so nó với chính bản gốc, mà rất ít độc giả có khả năng tra cứu và đọc song ngữ những tác phẩm văn chương phức tạp và quá dày như Lolita. Tuy nhiên, có nhiều lựa chọn bao giờ cũng tốt hơn là độc quyền, dù rằng đó chỉ là độc quyền trong văn hóa.

Hoàng Nam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link