24/02/2011 11:25 GMT+7 | Phim
Diễn viên Thu Trang (vai Dạ Hương) trong phim Khát vọng Thăng Long
Đã thành thông lệ, cơ cấu chung của giải thưởng Cánh diều Vàng hầu hết nhất quán gồm với giải dành cho tác phẩm, cá nhân... Song thực tế, tùy tình hình mỗi năm, Cánh diều có thêm giải cho phù hợp.
Có thể kể đến năm 2003 với giải Cánh diều Đặc biệt được trao cho bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Năm 2004, Cánh diều Vàng có thêm giải Phim hợp tác với nước ngoài hay nhất cho Mùa len trâu; Năm 2005 được xem là một cải tiến đáng kể khi với số lượng phim ít, Hội quyết định bỏ Cánh diều Bạc. Năm 2006, giải Cánh diều Bạc được khôi phục và có thêm giải Phim truyện nhựa có khán giả mua vé nhiều nhất của cả 2 năm 2004, 2005 được trao cho phim Lọ lem hè phố. 3 năm liền, từ Lễ trao giải năm 2007- 2009, giải Khán giả bình chọn lần lượt được trao cho Trái tim bé bỏng, Chuyện tình xa xứ và Đừng đốt.
Trong cuộc họp báo sáng qua (23/2) tại Hà Nội về Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2010, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh VN - cho biết, điểm mới nhất trong cơ cấu giải thưởng năm nay là Hội quyết định sẽ không trao giải Phim do khán giả bình chọn nữa...
Bỏ qua “nghi án” Giao lộ định mệnh
Như TT&VH đã thông tin, danh sách 11 phim tranh giải sẽ gồm: Tây Sơn hào kiệt, Hoa đào, Vũ điệu đam mê, Vượt qua bến Thượng Hải, Long Thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long, Nhìn ra biển cả, Cô dâu đại chiến, Cánh đồng bất tận, Thiên sứ... 99 và bộ phim đăng ký dự thi vào phút chót là Giao lộ định mệnh.
Trả lời băn khoăn của báo chí vì sao BTC đồng ý cho Giao lộ định mệnh - bộ phim bị cho là giống với Shattered của Mỹ sản xuất năm 1991 - ông Nguyễn Văn Tân, Chánh Văn phòng Hội, giải thích: “Quy chế phim dự giải Cánh diều Vàng 2010 nêu rõ 2 tiêu chí: Là phim nói tiếng Việt/ Có chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu tác phẩm là người có quốc tịch Việt Nam. Giao lộ định mệnh đáp ứng cả 2 tiêu chí này. Còn với nghi án “đạo phim” như báo chí từng phản ánh, chưa có đơn kiện nào liên quan đến bản quyền bộ phim này gửi tới BTC”.
Vì sao Bi, đừng sợ không thể tham gia?
Chiếu phim miễn phí nhân Ngày Điện ảnh Nội dung hoạt động Ngày Điện ảnh VN 15/3 năm nay gồm: chiếu miễn phí các tác phẩm điện ảnh tiêu biểu tại HN từ 12/3 đến 14/3; Chiếu bản DVD tác phẩm của cố NSND Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ và Nguyễn Ngọc Quỳnh tại các tỉnh, thành; Tổ chức giao lưu nghệ sĩ, người làm phim với khán giả...
Xung quanh Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2010, tiêu chí chấm giải năm nay cũng là vấn đề được quan tâm. Nó khá ngắn gọn và rõ ràng: Đề cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả xã hội tích cực của tác phẩm.
Giải thích về các tiêu chí này, ông Nguyễn Văn Tân cho biết, “hiệu quả xã hội tích cực” của phim không chỉ được hiểu là bộ phim có doanh thu cao, bán được nhiều vé. Hơn hết, phim phải truyền tải được ý tưởng thẩm mỹ, có tính giáo dục nhân văn. Hiệu quả xã hội thứ hai mới là việc thu hút khán giả xem phim. Khi điện ảnh VN đang trên con đường tiệm cận với thị trường, việc mang lại giá trị giải trí cho công chúng là điều đáng trân trọng và doanh thu phim ra rạp thể hiện điều đó.
Hồng Ánh - nữ giám khảo duy nhất chấm phim nhựa Ban Giám khảo phim truyện nhựa được thành lập với 13 thành viên, với PGT-TS Trần Luân Kim làm Trưởng ban, đạo diễn Vinh Sơn - Phó ban, cùng các thành viên: nhà văn Đỗ Kim Cuông, nhà văn Chu Lai, NSND Phạm Quang Vĩnh, nhạc sĩ Phó Đức Phương, biên kịch Đinh Thiên Phúc, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân... Diễn viên Hồng Ánh là nữ giám khảo duy nhất chấm chọn phim truyện nhựa. Tại Cánh diều 2008, nữ diễn viên trẻ Đỗ Hải Yến cũng từng “cầm cân nảy mực” ở vị trí này.
Hà Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất