Đạo diễn Đào Bá Sơn: Phim công chiếu, tôi vẫn cảm thấy… run

22/09/2010 11:11 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Sáng 21/9, Long thành cầm giả ca (Hãng phim Giải Phóng sản xuất, kịch bản: Văn Lê, đạo diễn: Đào Bá Sơn) - một trong hai phim đại diện VN tham dự LHP Quốc tế Việt Nam lần đầu tiên và cũng được chọn khai mạc Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - đã chiếu ra mắt tại Hà Nội. Đạo diễn Đào Bá Sơn có cuộc trò chuyện với TT&VH về những thách thức khi làm phim lịch sử cũng như những dư luận xung quanh bộ phim này.

Bộ phim “thuần Việt”


Đạo diễn Đào Bá Sơn

Long thành cầm giả ca kể câu chuyện tình cảm động của Tố Như và Cầm - cô ca kĩ nổi tiếng Long thành - trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam loạn lạc vào khoảng thế kỷ 18-19. Tố Như đã có vợ và không dám vượt qua lễ giáo phong kiến để đến với Cầm dù đã có lúc nàng sẵn sàng dâng hiến...

Sau bao nhiêu thăng trầm, Tố Như gặp lại Cầm khi cô đã là một ca kĩ già... Đỉnh điểm bi kịch trong mối tình câm lặng của cặp “trai tài, gái sắc” là cái chết của Cầm và câu chuyện tương truyền đến nhiều đời sau về tiếng đàn ma quái từ cái giếng giống hình chiếc đàn nguyệt...

Không chỉ là câu chuyện về một mối tình cảm động, phim còn chấm phá những nét văn hóa rất Thăng Long...

* Anh nổi tiếng khắt khe, đến mức nghệ sĩ Hương Dung - người đảm đương khâu lồng tiếng cho bộ phim - đã từng nói, anh khó tính đến... bực mình. Đến giờ, khi bộ phim đã công chiếu, còn điều gì ở phim này khiến người khó tính như anh phải nói: “giá như” không?
 
- Xin chia sẻ, sau khi phim chiếu ra mắt ở TP.HCM, tôi bị chất vấn đến toát mồ hôi vì chuyện lồng tiếng. Thực sự, có những điều hài lòng và chưa hài lòng. Nhưng ván đã đóng thuyền rồi, đành chịu thôi.

Tôi nghĩ giá như đạo diễn có trường quay, có điều kiện làm việc tốt hơn thì chắc hẳn sẽ làm được những bộ phim lịch sử tốt hơn. Làm phim lịch sử mà kinh phí hạn hẹp, đoàn phim nghèo, đến nỗi những cảnh như Tố Như đi sứ mà họa sĩ thuê mãi mới được 5 con ngựa. Lúc con này đi đúng hàng, thì con kia phá đám... Lúc ngựa vào hàng lối thì diễn viên quần chúng “đình công” vì đói quá không diễn nổi...

Một cảnh quay đơn giản như vậy cũng mất khá nhiều thời gian vì thiếu chuyên nghiệp trong nhiều khâu... Chỉ có mỗi một “chân lý” không được để ngựa cái và ngựa đực đi cạnh nhau mà mãi sau này chúng tôi mới rút ra được (cười). Trong khi đó, ở Trung Quốc, ngựa đóng phim được huấn luyện đâu vào đấy, bảo đi đúng đến vạch là đi đúng đến vạch... Vì thế, nhiều người hỏi tôi sao không đến Trung Quốc mà quay?

* Vậy tôi xin hỏi anh, vì sao anh không đến Trung Quốc để quay?

- Mong muốn của tôi là có một bộ phim “thuần Việt”. Đây cũng là món quà tri ân của những người con phương Nam, của tôi - một người đã xa Hà Nội gần 30 năm - muốn gửi tặng Thăng Long - Hà Nội. Như bạn thấy, tông màu trong phim là tông nâu. Với bất cứ người con nước Việt nào, tông màu ấy luôn gợi nhớ về đồng bằng Bắc bộ, màu của đất phù sa, màu của lúa... Và hơn hết, tôi cảm thấy ở đó “hồn Việt”... Người miền Nam khi làm phim dã sử, sợ nhất sự “cải lương hóa”. Hiểu được điều đó, nên với phim của mình, tôi đã cố hết sức để tránh những nỗi sợ đó...

Khó tìm bối cảnh mang hồn vía Thăng Long

* Ai cũng biết, làm phim dã sử trong điều kiện ở VN sẽ “đụng” phải rất nhiều khó khăn. Anh có thể chia sẻ áp lực khi bắt tay thực hiện bộ phim này?

- Khi được hãng phim giao kịch bản, lúc đầu, tôi băn khoăn vô cùng vì không biết sẽ xoay xở thế nào. Một cách tương đối, phim còn nhiều khiếm khuyết nhưng hơn hết, chúng tôi làm với thái độ và tâm huyết tạ ơn mảnh đất Thăng Long.



Cảnh phim Long Thành cầm giả ca
Long thành cầm giả ca khai thác sâu văn hóa Thăng Long. Lịch sử làm phông nền mà tâm điểm là hai nhân vật Tố Như và Cầm. Trong phim, những vần thơ của Nguyễn Du khẳng định văn hóa trường tồn của Thăng Long. Vậy mà, bối cảnh hồn vía Thăng Long không hề dễ tìm. Chĩa máy quay tới đâu là gặp phải ăng-ten, cột điện, nhà cao tầng... Vậy thì sao làm nổi phim dã sử?

Hơn nữa, thách thức và cũng là áp lực lớn nhất là Long thành cầm giả ca lần đầu tiên đưa hình tượng danh nhân Nguyễn Du lên màn ảnh rộng. “Đụng” đến thách thức này là cả một sự sợ hãi... Kể cả khi phim đã bắt đầu công chiếu, tôi vẫn cảm thấy run vì không biết người xem có đón nhận nó hay phản ứng gì không...

Chỉ dừng ở đó, không thể “nóng” hơn

* Được biết, kể cả việc ông chọn hai vai chính là người mẫu Ngọc Ngoan vào vai Tố Như và ca sĩ Nhật Kim Anh vào vai Cầm cũng có nhiều ý kiến? - Chọn diễn viên đóng vai Nguyễn Du cực khó. Đó phải là người mang dáng dấp nho nhã, thư sinh, chứ không thể “xôi thịt” được.

Chọn diễn viên, tôi đã phải xem chân, xem tay của họ cơ mà... Tay của một thi nhân phải mềm mại. Còn với những ca kĩ, tay của họ thể hiện tiếng đàn, thể hiện tâm hồn.

Việc chọn ca sĩ Nhật Kim Anh đóng vai Cầm thực sự lúc đầu cũng có nhiều ý kiến, đến tận khi quay. Nhưng tôi vẫn giữ quyết định của mình.

Nhật Kim Anh có nhiều nét tương đồng với Cầm. Ngoài đời, cô ấy cũng là ca sĩ, quê ở Thanh Hóa. Chưa đầy 10 tuổi, Nhật Kim Anh cũng xa quê để tới TP.HCM lập nghiệp. Cô ấy cũng từng tham gia hết câu lạc bộ này, nhà văn hóa kia để học hát và theo đuổi con đường ca hát. Nếu có điều gì khiến khán giả chưa hài lòng ở các nhân vật thì có lẽ là lỗi ở đạo diễn mà thôi.

* Có thông tin cao trào Tố Như và Cầm chạy loạn ở lò gạch là một cảnh “cực nóng” nhưng đã bị hội đồng duyệt cắt bỏ... Thực hư thông tin này như thế nào, thưa anh?

- Đoạn này chỉ dừng lại ở đó thôi, chứ không thể “nóng” hơn. Nó đúng với tinh thần của bài thơ Long thành cầm giả ca. Nếu để cảnh nóng ở đó chắc sẽ “câu” được thêm một số người xem. Nhưng tôi không thể làm thế.

* Xin cảm ơn anh!

Hoàng Lê (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link